Tháng 9 năm ngoái, trang Global Petrol Prices đã công bố giá điện của 147 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mức giá trong danh sách của trang này được tính theo kWh và bao gồm mọi mục trong hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình như chi phí phân phối và năng lượng, các loại phí, thuế phí môi trường và nhiên liệu.
Theo đó, giá điện trung bình của thế giới là 0,169 USD/kWh (tương đương 3.967 đồng/kWh) đối với người dùng là hộ gia đình. Nơi có giá điện rẻ nhất là Lebanon (Li Băng) với mức giá chỉ 0,001 USD/kWh (khoảng 23,48 đồng/kWh). Trong khi đó, nước có giá điện cao nhất là Đan Mạch với mức 0,571 USD/kWh (13.404 đồng/kWh).
Giá điện Việt Nam hiện đang ở mức 0,08 USD/kWh (1.878 đồng/kWh - quy đổi theo tỷ giá với thống kê của Global Petrol Prices), đứng ở vị trí thứ 47 về độ rẻ trong tổng số 147 quốc gia trong danh sách. So với một số quốc gia Đông Nam Á khác có tên trong danh sách, giá điện Việt Nam thấp hơn Indonesia (0,097 USD/kWh - 2.277 đồng/kWh), Philippines (0,175 USD/kWh - 4.108 đồng/kWh), Thái Lan (0,122 USD/kWh - 2.863 đồng/kWh), Singapore (0,238 USD/kWh - 5.587 đồng/kWh) và cao hơn Myanmar (0,029 USD/kWh - 680 đồng/kWh), Lào (0,034 USD/kWh - 798 đồng/kWh), Malaysia (0,049 USD/kWh - 1.150 đồng/kWh).
Thực tế, giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Việt Nam là 6 bậc với mức thấp nhất là 1.728 đồng/kWh, cao nhất 3.015 đồng/kWh. Dữ liệu của đơn vị thống kê là Global Petrol Prices nêu ra mức giá 0,08 USD/kWh, quy đổi theo tỷ giá ra con số 1.878 đồng/kWh với điện Việt Nam.
Tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam đứng thứ 47 trong 147 nơi được thống kê về giá điện đó mới chỉ là so sánh về giá trị thực. Để xét một mặt hàng, dịch vụ nào đó đắt hay rẻ, cần tính đến sức mua. Trong trường hợp này, sức mua được tính bằng tỷ lệ giữa thu nhập/giờ và giá điện/kWh. Về lý thuyết, hàng hóa càng rẻ thì sức mua càng cao, và ngược lại.
Dưới đây là bảng so sánh sức mua điện trung bình tại Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới (thời điểm năm 2022), tính theo GDP đầu người và giá điện. Từ bảng này, xét theo mức thu nhập trên giá điện trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Lào.
Điện là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nhân loại và là dạng năng lượng gần như phổ biến cần thiết cho cuộc sống hàng ngày ở gần như mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, khả năng sản xuất điện của một quốc gia bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm vị trí địa lý, cấu tạo địa chất, mức độ phát triển và tiến bộ công nghệ.
Điện có thể được tạo ra bằng nhiều phương pháp, từ guồng nước đơn giản và cối xay gió đến nhà máy điện chạy bằng than và các tấm pin mặt trời, đập thủy điện và nhà máy điện hạt nhân. Mỗi phương pháp đều có chi phí, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Chính vì thế, cho dù là quốc gia có thu nhập cao, trung bình hay thấp, giá điện có thể rất khác nhau.
Giá điện cũng chịu ảnh hưởng bởi các sự kiện thế giới, đặc biệt nếu những sự kiện đó tác động đến giá nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt tự nhiên (thường được sử dụng để tạo ra điện). Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch từ cả 2 quốc gia này, khiến giá điện cùng nhiều sản phẩm khác tăng đột biến trên toàn thế giới và đặc biệt là châu Âu.
Mới đây, thống kê của World Population Review cho thấy Đan Mạch vẫn là nước có giá điện cao nhất với mức 0,538 USD/kWh (khoảng 12.639 đồng/kWh). Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Đức (0,530 USD/kWh - 12.441 đồng/kWh) và Vương quốc Anh (0,479 USD/kWh - 11.244 đồng/kWh).
Sở dĩ giá điện ở Đan Mạch cao như vậy là chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như cơ sở hạ tầng, địa lý và thuế. Đan Mạch là nước có mức thuế cao nhất đối với điện.
Hoàng Anh