"Cô có muốn làm việc cho chúng tôi không?", người đàn ông nói, thúc ép một sinh viên đại học uống cạn ly nước tại quán karaoke. "Cô không thể làm việc tại một công ty thương mại trừ khi cô biết uống (rượu bia)", anh ta nói.
Nữ sinh hơn 20 tuổi buộc phải tuân theo. Cô đã đến Tokyo để tìm hiểu thêm về một công ty thương mại uy tín nơi người đàn ông đang làm việc trong nỗ lực săn tìm việc làm. Người đàn ông 25 tuổi này vốn là cựu sinh viên cùng trường đại học với cô, với những lời hứa hẹn giúp đỡ hậu bối.
|
Một số sinh viên bị quấy rối tình dục trong cuộc họp với các cựu sinh viên đại học làm việc tại các công ty mà họ hy vọng sẽ được tuyển dụng. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tuy nhiên, cuộc họp không diễn ra như cô gái trẻ mong đợi. Sau khi chuốc cho cô uống say, anh ta sờ soạng cô. Người đàn ông đưa cô trở lại phòng khách sạn cùng đồng nghiệp nhưng đã lấy trộm thẻ chìa khóa phòng của cô, quay lại phòng sau đó và cưỡng hiếp cô gái.
Dùng quyền lực khống chế nạn nhân
Vào tháng 10, người đàn ông nói trên đã bị kết án ba năm tù, chịu án treo trong năm năm và bị đuổi việc. Thẩm phán nói thủ phạm đã lạm dụng sự chênh lệch quyền lực giữa anh ta và nạn nhân.
Theo Nikkei Asian Review, vụ tấn công xảy ra vào tháng 3 gây chú ý về vấn đề ngày càng tăng của các nữ sinh viên săn việc làm bị quấy rối tình dục, hoặc tệ hơn, từ các nhân viên công ty lợi dụng vị trí quyền lực của họ đối với các cô gái trẻ ứng tuyển xin việc.
Một cuộc khảo sát người lao động của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản hồi tháng 5 cho thấy 12% trong số phụ nữ ở độ tuổi 20 đã trải qua hành vi bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục từ các liên hệ tại các công ty nơi họ tìm việc.
Họ trích dẫn hành vi này bao gồm những trò đùa tình dục gây khó chịu, câu hỏi về tình dục và liên tục yêu cầu hẹn hò. Nhiều nạn nhân có thể phải chịu đựng trong im lặng thay vì lên tiếng.
Đáng chú ý, các cuộc họp với cựu sinh viên đặc biệt tạo điều kiện cho lạm dụng nghiêm trọng.
Đến thăm các cựu sinh viên học cùng trường đại học, trung học hoặc thuộc cùng một đội thể thao được xem là cách hiệu quả để sinh viên tìm hiểu về điểm mạnh của công ty và văn hóa nội bộ của doanh nghiệp mà họ đang quan tâm.
Điều này một phần là do việc tuyển dụng không còn trực tiếp đối với phía nhà tuyển dụng như trước đây.
Trong một cuộc khảo sát về thứ hạng năm 2020 của nhà tuyển dụng Disco, hơn 70% nhân viên cấp cao nhận được đề nghị giúp đỡ vào thời điểm bắt đầu có thông tin phỏng vấn vào tháng 6.
Nhiều sinh viên đang đảm bảo việc làm thông qua các con đường như thực tập trước khi mùa tuyển dụng chính thức bắt đầu.
Theo Disco, điều đó khiến người tìm việc cảm thấy việc thu thập thông tin về các nhà tuyển dụng tiềm năng thông qua các con đường bên ngoài bộ phận nhân sự, chẳng hạn như mạng lưới cựu sinh viên, trở nên quan trọng hơn.
Thu hẹp cánh cửa cho ứng viên tiềm năng
Các dịch vụ kết nối sinh viên tìm việc làm với cựu sinh viên đã phát triển trong những năm gần đây. Theo Disco, trong số các sinh viên tốt nghiệp vào năm tới, 36% đã đến thăm các cựu sinh viên có việc làm.
Việc này tạo cơ hội cho sinh viên gặp gỡ với các tiền bối đã xin việc thành công. Tuy nhiên, nó cũng đã tạo ra môi trường nơi các nhân viên của công ty có thể lạm dụng sự mất cân bằng quyền lực trong các cuộc họp riêng để lợi dụng những người săn việc làm mà không bị các trường học và công ty phát hiện.
Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo đã khuyên sinh viên không nên thực hiện các chuyến thăm như vậy tại nhà, quán bar hoặc không gian kín khác. Nhưng một số người nói rằng điều đó là không đủ.
"Chúng tôi có thể bảo các sinh viên không đến thăm cựu sinh viên", quan chức tại một trường đại học cho biết. "Khi nào các công ty không tích cực thực thi các biện pháp đối phó, chúng tôi hoàn toàn không thể ngăn chặn được tác hại", người này nói thêm.
Các hướng dẫn về phòng chống quấy rối nơi làm việc được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi soạn thảo được thiết kế để bảo vệ nhân viên của công ty. Nhưng những sinh viên tìm việc làm rơi vào vùng xám. Bộ nói rằng việc mở rộng phạm vi bao trùm nhóm này "tùy thuộc" vào các doanh nghiệp.
"Các biện pháp bảo vệ sinh viên vẫn còn chậm trễ", Akemi Ueda, chủ tịch của trung tâm nghiên cứu Hanamaru Career, chuyên gia về tìm kiếm việc làm, cho biết.
Naoyuki Kenjo, luật sư chuyên về vấn đề quấy rối tình dục, cho rằng việc thiếu hành động sẽ dẫn tới trả giá. "Các công ty cần phải nhận thức được rủi ro của việc tìm thấy ít ứng viên tiềm năng hơn do quấy rối tình dục trong quá trình săn việc làm", ông nói.
Xem thêm video: Cãi nhau với vợ, chồng lao xe xuống sông làm 3 người chết?
Theo Zing