Hơn hai tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018, đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều vẫn chưa đi tới đâu và dường như ngày càng bế tắc, bất chấp các hành động xuống nước của Bình Nhưỡng.
Thậm chí, mối quan, mối quan hệ Mỹ-Triều không có chiều hướng cải thiện mà trở nên xấu đi với việc Tổng thống Trump hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng và Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố có thể sẽ nối lại các cuộc tập trận lớn trên bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên “một lần nữa bị đe dọa và có thể sụp đổ”.
Giới phân tích nhận định, đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều hay mối quan hệ Mỹ-Triều đang được xây dựng trên những nền tảng không vững chắc, khi các bên chưa thật sự tin tưởng lẫn nhau. Và mọi thỏa thuận hay bước tiến mà hai bên đạt được trong thời gian qua sẽ biến mất nhanh như cách chúng xuất hiện. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn tới đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đứng trước nguy cơ sụp đổ khi chưa kịp hình thành.
|
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng nhau ký kết thỏa thuận chung lịch sử ngày 12/6 tại Singapore. Ảnh: PBS. |
Theo tờ Bloomberg có 4 nguyên nhân dẫn tới đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên bế tắc.
Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước. Hai bên tiến hành trao đổi thư từ và sắp xếp các cuộc gặp ngoại giao vốn bị “đóng băng” cách đây gần 7 thập kỷ.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Triều Tiên không có những tiến triển trong việc thiết lập các cơ quan thể chế lâu dài và các cuộc trao đổi thường xuyên vốn định hình mối quan hệ ngoại giao bình thường, chẳng hạn như đại sứ quán hay các văn phòng liên lạc chính thức,…
Triều Tiên cho rằng những việc làm này cần phải tiến hành “đồng thời và theo từng bước” để xây dựng lòng tin, trong khi Mỹ muốn có thêm bằng chứng cụ thể về phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng trước khi bình thường hóa quan hệ hai nước.
Thứ hai, Mỹ và Triều Tiên chưa chính thức giải quyết vấn đề về cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim – cũng giống như thỏa thuận trước đó mà các nhà tiền nhiệm của họ đạt được – bao gồm cam kết xây dựng chế độ hòa bình, lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Việc ký kết hiệp ước hòa bình mà không có thỏa thuận giải trừ vũ trang sẽ mang đến rủi ro cho Mỹ. Mặc dù Tổng thống Trump quyết định dừng một số cuộc tập trận với Hàn Quốc, nhưng cho đến nay ông vẫn từ chối chấp nhận một tuyên bố hòa bình mang tính biểu tượng. Điều đó khiến Triều Tiên cáo buộc Mỹ đi ngược lại cam kết của họ.
|
Nếu cả Mỹ và Triều Tiên đều không muốn hy sinh các lợi ích riêng của mình, thì đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ không bao giờ có một cái kết tốt đẹp. Ảnh: KCNA. |
Thứ ba, mặc dù Triều Tiên thực hiện những cam kết như dừng các vụ thử hạt nhân-tên lửa và phá dỡ các cơ sở hạt nhân, nhưng đó là những việc làm mà Bình Nhưỡng cam kết trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra.
Hồi tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Bình Nhưỡng đang tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch và vẫn chưa có động thái thể hiện quyết tâm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng việc Mỹ tập trung vào “phi hạt nhân hóa trước tiên” có thể khiến các cuộc đàm phán không đi đúng hướng.
Đó là chưa kể tới các biến động chính trị đến ngay từ bên trong lòng nước Mỹ tác động không nhỏ đến chính sách đối ngoại của ông Trump đối với một loạt các quốc gia, mà trong đó có cả Triều Tiên. Bởi chính Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 6 vừa qua cũng đã khiến Tổng thống Trump hứng chịu nhiều chỉ trích từ giới chính trị gia lẫn dư luận Mỹ khi hành động trên được xem là quá vội vàng và gây tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hội đàm song phương (Nguồn: Straits Times)
Mặc dù dư luận Mỹ ít nhiều được xoa dịu khi cuối cùng tháng 7 vừa qua, Bình Nhưỡng trao trả cho Washington 55 bộ hài cốt được cho là thuộc về binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, nhưng đó mới chỉ là con số nhỏ trong số 200 bộ hài cốt mà Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính đang ở Triều Tiên.
Dĩ nhiên, Mỹ muốn Triều Tiên trao trả số hài cốt binh sĩ còn lại và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dùng vấn đề này để thương lượng trước khi thảo luận bất cứ điều gì về việc phá dỡ các lò phản ứng và tên lửa của họ.
Từ những phân tích trên có thể thấy, đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều ngay từ giai đoạn đầu cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự "chín muồi" để cả Bình Nhưỡng lẫn Washington chấp nhận hy sinh các lợi ích riêng để đi đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một các toàn diện từ cả hai bên.
Thiên An