Ahmed, cậu bé 7 tuổi sống ở trại tập trung dành cho người tị nạn ở Calais, Pháp, vào tháng 3/2016 tình cờ nhận được món quà từ những nhà hoạt động từ thiện. Đó là một chiếc điện thoại "cục gạch", không có màn hình cảm ứng mà chỉ có những tính năng cơ bản là gọi điện và nhắn tin.
Chỉ một tháng sau, chiếc điện thoại tưởng chừng như quá đỗi bình thường đó lại trở thành "chiếc phao cứu sinh", giành lại mạng sống cho cậu bé cùng anh trai và 13 người khác vượt biên từ Pháp vào lãnh thổ Anh trên chiếc xe đông lạnh của đường dây buôn người.
|
Cảnh sát tuần tra tại Calais vào năm 2016 ngăn không cho người tị nạn leo lên xe tải vượt biên sang Anh và các nước châu Âu. Ảnh: Getty. |
"Cháu không đùa, xin thề với Thượng đế"
Chiếc điện thoại của Ahmed là một trong số hàng trăm thiết bị viễn thông cơ bản được Lizz Clegg và các tình nguyện viên phân phát cho trẻ em tại trại tập trung Calais. Mục tiêu của chương trình là giúp các em có phương tiện cầu cứu trong trường hợp khủng hoảng.
Ngày 7/4/2016, Clegg đang dự một hội nghị tại New York thì nhận được dòng tin nhắn kỳ lạ: “I ned halp darivar no stap car no oksijan in the car no signal iam in the cantenar. Iam no jokan valla”.
|
Tin nhắn của Ahmed. Ảnh: NYT. |
Đó chính là tin nhắn của Ahmed. Em viết thông điệp cầu cứu khẩn cấp bằng tiếng Anh bập bẹ xen lẫn với tiếng Afghanistan. Sau khi nhờ đồng nghiệp phiên dịch, họ "giải mã" được dòng tin nhắn đứt gãy: "Cháu cần giúp. Tài xế không chịu dừng xe. Cháu không có oxy trong xe. Không có sóng. Cháu ở trong container. Cháu không đùa, xin thề với Thượng đế".
Một chiến dịch cứu hộ xuyên Đại Tây Dương được "kích hoạt" từ dòng tin nhắn của Ahmed, khi đó đang kẹt trên một xe đông lạnh chở dược phẩm và 14 người vượt biên từ Pháp vào lãnh thổ Anh.
|
Ahmed, năm nay đã 10 tuổi, đang được các cơ quan phúc lợi xã hội chăm sóc tại Anh. Ảnh: BBC. |
Clegg hiểu Ahmed sẽ không bao giờ nhắn những dòng như vậy nếu cậu bé không thật sự đang ở trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc. Bà gọi điện ngay cho Tanya Freedman, thành viên tổ chức từ thiện Cứu Người tị nạn tại London và thông báo có một cậu bé sắp chết ngạt.
"Họ kẹt ở New York còn tôi thì sẵn đang ở London. Vậy là họ gọi thẳng cho tôi, thông qua đó liên hệ với cảnh sát vùng Kent", Freedman kể bà gọi ngay cho cảnh sát ở miền đông nam nước Anh để thông báo tình huống khẩn cấp.
Chiến dịch giải cứu được xúc tiến ngay lập tức. Lizz gọi lại cho Ahmed và tìm cách bảo cậu bé cùng mọi người hạn chế vận động, đừng nói chuyện để giảm tiêu thụ oxy.
"Tôi thông báo với cảnh sát đây là vấn đề sinh tử. Tôi cung cấp số của Ahmed và điều đầu tiên họ làm là tìm ngay một người phiên dịch nói được tiếng Pashto để gọi cho cháu", Freedman kể lại.
"Cảnh sát gọi vào số điện thoại. Họ lập tức nhận ra nhóm người vượt biên đang trong tình thế nguy cấp. Cảnh sát cho truy vết điện thoại của cậu bé, sau đó phát hiện em đang bị nhốt trong một xe hàng tại vùng Leicestershire", bà kể lại với AP.
Trong thông cáo của cảnh sát hạt Kent, họ cho biết nhận được cuộc gọi báo vào lúc 14h50 ngày 7/4/2016 về di dân đang nguy kịch vì kẹt trong xe tải.
Thông tin được chuyển ngay đến cảnh sát địa phương tại Leicestershire. Lực lượng tuần tra nhanh chóng phát hiện chiếc xe khả nghi đang đậu ở một trạm dịch vụ trên cao tốc M1.
Khi các điều tra viên mở cửa thùng hàng, họ phát hiện đến 15 người vượt biên, trong đó có 1 trẻ em, đang trong tình trạng thiếu oxy trầm trọng.
"Tôi muốn phát điên khi chờ đợi cảnh sát tìm ra cậu bé và cứu mạng em", Freedman kể rằng đó là những giờ đồng hồ "kinh hoàng nhất cuộc đời" của bà và người bạn Lizz Clegg.
|
Một trạm dịch vụ trên quốc lộ M1 của Anh đi qua vùng Leicestershire. Ảnh: Alamy. |
Tài xế mặc kệ lời kêu cứu
Cảnh sát bắt giữ 14 người vượt biên trên chiếc xe tải với cáo buộc nhập cảnh bất hợp pháp vào lãnh thổ Anh. Trong số những người bị bắt có anh trai của Ahmed là Jawad Amiri.
Chia sẻ với BBC trong một bản tin mới đây về thảm họa 39 người vượt biên tử vong trong container đông lạnh ở Essex ngày 24/10, Amiri cho biết tài xế chuyến xe của anh đã mặc kệ lời kêu cứu của mọi người, không mở cửa hỗ trợ và tiếp tục hành trình.
Chiếc xe đông lạnh của Ahmed và Jawad Amiri gặp trục trặc với máy điều hòa khiến cho nhiệt độ trong container tăng nhanh. Không khí nóng khiến mọi người thiếu oxy để hít thở. Mặc dù đã đập tay lên nóc container và kêu gào giúp đỡ, người tài xế vẫn làm ngơ.
Vào thời điểm đó, điện thoại những người cùng nhóm vượt biên phần lớn đã hết pin hoặc các thành viên còn lại không dám gọi báo cảnh sát cầu cứu.
Ahmed may mắn có trong tay chiếc điện thoại được Trung tâm Phụ nữ và Trẻ em Calais tặng, dù chỉ với các tính năng cơ bản nhưng còn đủ pin sử dụng. Nếu không có dòng tin nhắn cầu cứu của Ahmed gửi sang New York, có thể kỳ tích đã không xảy ra với em và anh trai.
"Thật kỳ diệu khi một em bé 7 tuổi ý thức được mạng sống em đang bị đe dọa và đủ tỉnh táo để hành động, cung cấp đúng những thông tin cần thiết để tự cứu lấy mình và những người trong cùng chiếc xe", bà chia sẻ.
Theo Tinh Minh/Zing.vn