Theo Live Science, hàng trăm tượng chiến binh đất nung được đặt thành một đội quân, với cỗ xe được sắp đặt cẩn thận và tượng kỵ binh, bộ binh, nhạc công và chòi canh, chôn giấu trong một miệng hố lớn.
|
Đội quân đất nung có niên đại khoảng 100 năm sau đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. |
Nhưng chúng chỉ có kích thước thu nhỏ, so với đội quân đất nung to lớn như người thật của Hoàng đế đầu tiên Trung Quốc Tần Thủy Hoàng.
Dựa trên các hiện vật thu thập được, các nhà khảo cổ cho rằng đội quân đất nung thu nhỏ có niên đại 2.100 năm trước, tức là khoảng 100 năm sau khi đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng xuất hiện.
Phần phía nam của miệng hố chứa đầu kỵ binh và xe ngựa, cùng với mô hình tháp canh cao 140cm. Ở chính giữa miệng hố, khoảng 300 bộ binh đứng gác theo bố cục hình vuông. Phần phía bắc của miệng hố có mô hình rạp hát cùng tượng nhạc công.
"Hình dạng và quy mô của miệng hố cho thấy đây là công trình kèm theo một khu mai táng lớn”, các nhà khảo cổ nói trên tạp chí Di sản Văn hóa Trung Quốc. “Các phương tiện, kỵ binh và bộ sinh sắp xếp theo hình vuông dành cho việc chôn cất vua chúa, công thần hoặc hoàng tử".
Dựa theo niên đại, kích thước và vị trí hố chôn, các nhà khảo cổ cho rằng đội quân này được chế tạo cho Tề Hoài vương Lưu Hoành, con trai thứ hai của Hán Vũ Đế (trị vì năm 141-87 trước Công nguyên). Hán Vũ Đế, tên thật là Lưu Triệt, là vị hoàng đế thứ 7 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Hoành sống ở thủ đô nước Tề (chư hầu của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc), nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông qua đời năm 110 trước Công nguyên. “Các tài liệu lịch sử cho thấy Lưu Hoành làm vua nước Tề từ khi còn nhỏ, nhưng không may sớm qua đời mà chưa có con nối dõi”.
Các nhà khảo cổ phỏng đoán, phát hiện đội quân đất nung thu nhỏ cho thấy có hầm mộ của Lưu Hồng hoặc thành viên hoàng tộc ở một nơi nào đó gần đây.
“Các hiện vật còn lại có thể nằm trên đường dẫn đến khu mộ, nhưng cũng có thể ngôi mộ đã bị phá hủy hoàn toàn”, một nhà khảo cổ nói.
Những người già trong vùng từng mô tả về gò đất dễ nhận biết cao khoảng 4 mét gần hố chôn. Vào thập niên 1960 - 1970, công nhân đã san bằng gò đất để mở rộng tuyến đường sắt Giao Nam - Tế Nam.
Cho đến nay, chỉ duy nhất đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng là có kích thước to lớn như người thật. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, nhà Tần cũng nhanh chóng sụp đổ, nhường chỗ cho nhà Hán.
Một số hoàng đế nhà Hán tiếp tục xây dựng hố chôn với đội quân đất nung để cùng họ sang thế giới bên kia, nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt