Phản ứng trái chiều của thế giới sau vụ Mỹ không kích Syria

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi Iran và Nga mạnh mẽ lên án cuộc không kích vừa qua của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ và Đức lại bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của liên quân ba nước này.

Sau nhiều ngày thảo luận, đêm 13/4 (giờ địa phương), Mỹ quyết định tiến hành một đợt không kích nhằm vào Syria để trả đũa Damascus sau nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma cuối tuần trước. Cuộc tấn công của Mỹ, với sự tham gia của Anh và Pháp, nhanh chóng trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Mỹ, Anh và Pháp quyết định không kích Syria đêm 13/4. Ảnh: Reuters. 
Nga và Iran nằm trong số những quốc gia đầu tiên mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp là hành động gây hấn, khiến tình trạng thảm họa nhân đạo ở Syria ngày càng trở nên trầm trọng hơn và “ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế”.
Ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết Moscow đang kêu gọi triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về cuộc tấn công tại Syria vừa qua.
Về phần mình, Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei gọi cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào Damascus là một “tội ác” còn “Tổng thống Mỹ, Pháp và Thủ tướng Anh là những tội phạm”.
 Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: KO.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mọi hành động quân sự đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua đều vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng giải pháp chính trị là biện pháp thực tế duy nhất để giải quyết vấn đề Syria.
“Chúng tôi luôn phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; luôn tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại rằng tình trạng bạo lực leo thang chỉ khiến người dân sinh sống tại Syria thêm đau khổ.
“Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm như thế này và tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng”, ông Guterres nói.
Iraq thì cho rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria có thể tạo cơ hội cho khủng bố “trỗi dậy” trong khu vực.
“Hành động như vậy có thể tạo ra những hậu quả nguy hiểm, đe dọa đến an ninh và ổn định của khu vực”, trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iraq.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump ra lệnh tấn công Syria (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, một số quốc gia như Đức, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ lại lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với liên quân Mỹ.
Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cuộc không kích nhằm vào Syria là “phản ứng cần thiết và phù hợp” sau cáo buộc Damascus là thủ phạm tấn công hóa học ở thị trấn Douma.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DW. 
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định không kích Syria của Mỹ, Anh và Pháp. Trước đó, nhà lãnh đạo Canada bác bỏ khả năng nước này tham gia cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria. Đồng thời, Thủ tướng Trudeau nói thêm, Canada sẽ tiếp tục điều tra nghi án sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và những kẻ đứng sau vụ việc “sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp”.
Về phía Israel, nước này là một trong những quốc gia đầu tiên hoan nghênh cuộc tấn công Syria của Mỹ và đồng minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp nên được ủng hộ vì nó có thể ngăn ngừa một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học (của chính phủ Syria) vào dân thường trong tương lai.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoan nghênh cuộc không kích là “phản ứng phù hợp”.
Thiên An (Theo The Guardian)