Những mùi vị và màu sắc - bột nghệ màu vàng đậm được bôi trên tay và mặt, dải son bột đỏ được thoa vào đường chân tóc, tất cả là những chỉ dấu đầu tiên báo hiệu một lễ cưới sắp hoặc vừa diễn ra. Những cô gái trong sự kiện này thường quá trẻ để kết hôn nhưng lại vừa đủ già để biết những gia vị được bôi lên người họ theo lễ nghi tượng trưng cho điều gì.
Đó là điều mà Saumya Khandelwal, phóng viên ảnh 27 tuổi của hãng Reuters hoạt động ở New Delhi (thủ đô Ấn Độ), nghe được từ những cô gái không được may mắn và tốt số như mình.
Dọc theo đường biên giới nghèo khó với Nepal, những cô bé chỉ mới tám tuổi bị chính gia đình mình gả đi khi còn chưa được hưởng trọn những năm tháng tuổi thơ.
Năm 2015, Khandelwal bắt đầu lặn lội ngược xuôi từ New Delhi đến bang Uttar Pradesh - quê nhà của cô và Taj Mahal, ngôi đền linh thiêng mà du khách không thể bỏ qua khi đến Ấn Độ, để chụp ảnh những cô dâu trẻ em này.
|
Đám cưới của một cặp đôi vị thành niên. Ảnh: REUTERS |
Lấy chồng sớm làm gì...
Ấn Độ hiện là nước có nhiều cô dâu tuổi vị thành niên hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Theo thống kê của Girls Not Brides, tổ chức phi chính phủ chuyên vận động cho việc chấm dứt nạn tảo hôn trên thế giới có trụ sở ở Anh, hơn 1/4 bé gái Ấn Độ bị gả chồng trước tuổi 18.
Khi Khandelwal quyết định chĩa máy quay phim vào những cô bé này, cô nghĩ rằng truyền thống và chế độ gia trưởng là những tác nhân chi phối quyết định gả con gái của mỗi gia đình. Điều cô phát hiện hóa ra lại là một tập quán bắt nguồn từ sự nghèo khổ, sự ít học và tình trạng cuộc sống bất ổn.
Tại Shravasti, Khandelwal đã hỏi mẹ của một cô dâu trẻ từng bị gả chồng khi còn là một đứa trẻ: “Tại sao bà lại cho con gái của mình chịu chung số phận?”. Người mẹ đáp rằng đó là điều bà không thích nhưng hầu như không còn lựa chọn nào khác. Chồng của bà là một người lao động chân tay, còn bà và những đứa con của mình đi nhặt củi để bán. Họ sống đắp đổi qua ngày, vì thế tốt hơn hết là nên gả các con gái trước khi các thế lực bên ngoài can thiệp. “Nếu chúng tôi bị mất nhà do lũ lụt vào ngày mai, chúng tôi sẽ không còn thứ gì để làm của hồi môn cho con của mình” - bà thổ lộ.
Khandelwal nhận thấy nhiều gia đình có cách nhìn tương tự nhau đối với con gái của họ, xem chúng như những món nợ hơn là món quà trời ban cho gia đình họ. Cô đã gặp Muskaan (đã thay đổi tên vì lý do riêng tư), một cô gái hoạt bát có hai em gái. “Có ba con gái được xem là phải trả chi phí và của hồi môn gấp ba lần” - Khandelwal nói. Một số gia đình chờ đến khi con dọn về ở chung với chồng mới cho nghỉ học nhưng khi Muskaan được gả chồng lúc 14 tuổi, cha của bé đã cho cô dâu này nghỉ học ngay lập tức. Kể từ đó cô bé chỉ ru rú ở nhà, học nấu ăn và chăm sóc nhà cửa.
Không lâu sau đám cưới, Khandelwal đến thăm Muskaan để xem cô bé cảm nhận thế nào. “Những điều cô bé nói ra là cực kỳ đáng thất vọng. Cô bé nói: “Có gì để cảm nhận về nó chứ? Điều này phải xảy ra thôi, chẳng có cách nào khác”. Điều đó chỉ cho thấy rằng những cô bé này bất lực và vô vọng ra sao. Họ thậm chí không biết rằng dù là phụ nữ, họ vẫn có thể tạo dựng sự nghiệp” - Khandelwal nói.
Nhiều cô dâu thấy mình lẻ loi sau khi kết hôn. Không thể tìm được việc làm tại các ngôi làng nhỏ, vì thế các thanh niên thường tủa đi khắp nước để tìm cơ hội. Vợ của họ ở lại nhà với cha mẹ chồng và các cặp đôi mới cưới giữ liên lạc với nhau qua điện thoại. “Bà trông mong gì ở một đứa trẻ 15 tuổi hiểu về hôn nhân hay những mối quan hệ hay việc quản lý nhà cửa?”; và “Họ thất học, con của họ cũng vậy. Họ đã không có tiền và họ lại có con khi còn quá trẻ. Đó là một chu kỳ khắc nghiệt. Liệu họ sẽ thoát ra được cảnh này hay không?” - Khandelwal hỏi.
Sau hai năm rưỡi chụp ảnh những cô dâu trẻ em của Shravasti, Khandelwal nhìn thấy những dấu hiệu các cô gái trẻ bị buộc kết hôn trên khắp Ấn Độ, ngay cả ở thủ đô New Delhi. Cô dự định sẽ ghi hình những cộng đồng này để chứng minh rằng tập quán nói trên có thể phạm pháp và đang suy giảm nhưng ở quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, tập quán này vẫn đang phát triển mạnh.
|
Một cô dâu đang được người thân sửa soạn cho lễ cưới. Ảnh: REUTERS |
Vấn nạn tự sát
Trong khi đó, nghiên cứu mới cho thấy Ấn Độ chiếm gần 40% trường hợp phụ nữ tự sát trên thế giới, trong đó nguy cơ cao nhất là những phụ nữ trẻ đã kết hôn.
Đài ABC (Úc) hôm qua dẫn số liệu từ cuộc nghiên cứu được công bố trên chuyên san The Lancet cho thấy phụ nữ Ấn Độ cũng có nguy cơ tự sát cao hơn 2,1 lần so với mức bình quân trên thế giới, chiếm khoảng 71% trường hợp tử vong ở phụ nữ dưới 40 tuổi.
Một trong những tác nhân dẫn đến tỉ lệ tự sát cao của Ấn Độ chính là những cuộc hôn nhân sớm và được sắp đặt. Việc còn trẻ đã phải làm mẹ, tình trạng xã hội thấp kém và bạo lực gia đình cũng nằm trong số những tác nhân được ghi nhận. “Ở các nước phương Tây, một cuộc hôn nhân che chở cho phụ nữ nhưng ở Ấn Độ dường như không phải vậy” - ABC dẫn lời TS Manjula O’Connor, một chuyên gia tâm thần học ở Melbourne (Úc) có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng Ấn Độ ở nước này, phát biểu.
“Điều đó cho thấy các cô gái ở Ấn Độ đang gặp rắc rối nghiêm trọng” - báo The Guardian (Anh) dẫn lời bà Poonam Muttreja, giám đốc tổ chức y tế Population Foundation of India, phát biểu. “Các quy chuẩn xã hội mang tính thụt lùi. Ở trong làng, một cô gái được gọi là con gái của cha, rồi cô ta là vợ của chồng mình và rồi khi sinh con, cô ấy là mẹ của con” - bà Muttreja nói. Bà Muttreja nói nghiên cứu do tổ chức của bà tiến hành cho thấy 62% phụ nữ được hỏi tin rằng chồng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với họ là hợp pháp.
PGS Peter Mayer của ĐH Adelaide (Úc), một chuyên gia về nạn tự sát ở Ấn Độ, đã gọi đây là “hiệu ứng những người vợ tuyệt vọng”. Theo ông, dù tỉ lệ tự sát ở nữ giới trên thực tế đã giảm đi kể từ năm 1990, khoảng 2/5 trường hợp phụ nữ tự sát trên toàn cầu được ghi nhận ở Ấn Độ, dẫn đến một cuộc “khủng hoảng y tế công cộng”, bổ sung vào những vấn đề mà quốc gia Nam Á đang phải đối diện.
Theo Trùng Quang/PLO