|
Ông Zelensky (trái) đi cùng Trưởng ban lễ tân Bộ Ngoại giao Mỹ Rufus Gifford sau khi rời khỏi máy bay C-40B đã chở ông từ Ba Lan đến Washington D.C. Ảnh: Reuters.
|
Việc Tổng thống Zelensky có thể đến Mỹ là kết quả của nhiều ngày thảo luận giữa quan chức hai nước.
Ông Biden lần đầu thảo luận về khả năng ông Zelensky đến Washington D.C, khi hai nhà lãnh đạo điện đàm vào hôm 11/12, CBS cho hay. Ông Zelensky đã chấp nhận lời mời chính thức, mở ra những cuộc thảo luận về kế hoạch đảm bảo an ninh cho chuyến đi bí mật này.
Việc đảm bảo an toàn cho chuyến bay đặc biệt được chú ý, trong bối cảnh các website theo dõi lộ trình chuyến bay đã trở nên phổ biến ngày nay. Quân đội Mỹ cũng được cho là đã điều máy bay trinh sát từ châu Âu để đảm bảo an ninh cho lộ trình đến Washington, D.C., của ông Zelensky.
Được hộ tống bởi “văn phòng trên không”
Theo Hill, ông Biden xác nhận chuyến thăm của người đồng cấp Zelensky vào 1h ngày 22/12 (giờ Washington, D.C.), một tiếng trước khi chuyên cơ chở ông Zelensky cất cánh từ Ba Lan.
Truyền thông cho biết ông Zelensky đã đến Ba Lan bằng xe lửa trong đêm, trước khi khởi hành trên một máy bay quân sự Mỹ.
Phương tiện chở ông Zelensky không được tiết lộ trước đó, song, truyền thông đã ghi lại hình ảnh ông Zelensky bước ra từ chiếc C-40B tại căn cứ không quân Andrew, được đón bởi Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova và Trưởng ban lễ tân Bộ Ngoại giao Mỹ Rufus Gifford.
“Tôi có mặt ở Washington hôm nay để cảm ơn người dân Mỹ, Tổng thống và Quốc hội vì sự hỗ trợ của họ", ông Zelensky viết trên Telegram, đi kèm với hình ảnh ông bước ra từ chuyên cơ C-40B.
Theo thông tin từ không quân Mỹ, máy bay C-40B được thiết kế để thành “văn phòng trên không” dành cho các lãnh đạo cấp cao của chính phủ và quân đội.
|
Mẫu chuyên cơ C-40B dùng để chở Tổng thống Ukraine Zelensky đến Mỹ. Ảnh: Planespotters.
|
C-40B được lấy từ mẫu máy bay Boeing 737-700, được thêm vào các thiết bị bảo vệ và liên lạc phù hợp với quân đội Mỹ. Nó giúp các lãnh đạo có thể liên lạc ở bất cứ đâu trên thế giới, sử dụng mạng cục bộ và Internet, cùng hệ thống vệ tinh và liên lạc được cải tiến.
Không quân Mỹ cho biết C-40B có tầm hoạt động hơn 9.200 km, gấp đôi một chiếc Boeing 737 thông thường. Điều này giúp nó có thể bay từ căn cứ Rzeszow ở Ba Lan đến căn cứ Andrew của Mỹ mà không cần tiếp nhiên liệu.
Chiếc C-40B chở ông Zelensky được bàn giao cho không quân Mỹ vào năm 2005. Các mẫu C-40 của Mỹ thường dùng để hộ tống những quan chức chính phủ nước này. Phiên bản C-40C từng chở Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Loan hồi tháng 8.
Mẫu C-40B có thể chở tối đa 32 người, trong khi đó, chuyên cơ từng chở bà Pelosi có sức chứa tối đa 111 người.
|
Mẫu chuyên cơ C-40C từng chở bà Pelosi đến Đài Loan. Nó không được trang bị nhiều công nghệ liên lạc tiên tiến như C-40B, song có khả năng mở rộng chỗ ngồi lên đến 111 hành khách. Ảnh: Reuters.
|
Bảo vệ hành trình đến Mỹ
Theo lộ trình trên website theo dõi chuyến bay Flightradar24, C-40B chở ông Zelensky, được cho là mang ký hiệu SAM910, đã đi qua không phận Ba Lan, Đức và Anh, trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều nhất vào thời điểm đó, theo Aerotime.
Chuyến bay mất dấu trên website khi bay qua Đại Tây Dương, cách bờ biển Scotland khoảng 300 km, khi nằm ngoài vùng phủ sóng của máy thu dữ liệu chuyến bay.
Trước khi C-40B cất cánh từ sân bay Rzeszow, một tiêm kích F-15E của không quân Mỹ đã xuất phát từ căn cứ ở Suffolk, Anh. Cùng với đó, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm (Awacs) cũng cất cánh từ căn cứ ở Geilenkirchen, Đức.
|
Ông Zelensky xuất hiện tại Ba Lan, trước khi được hộ tống đến sân bay. Ảnh: TVN.
|
Cả hai đều tham gia nhiệm vụ trinh sát vùng biển Bắc và đảm bảo an toàn cho chuyên cơ chở Tổng thống Zelensky. Chiếc tiêm kích đã quay về căn cứ sau khi C-40B tiến vào không phận Scotland, theo Telegraph.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Zelensky rời đất nước kể từ khi chiến sự bắt đầu. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết sẽ phối hợp với phía Ukraine để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky và cả lúc trở về.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.
Theo Zing