Đây là động thái được cho là “kỳ lạ” nhưng không khó lý giải.
Lý do chỉ là một phần của sự thật
Việc ông Yoon Suk Yeol không tham dự các phiên xét xử của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc là việc đã được giới quan sát chính trị Hàn Quốc và quốc tế dự báo trước. Còn tuyên bố về việc sẽ không xuất hiện tại phiên tòa hôm nay mà chỉ cử luật sư đại diện tham dự, vì “lý do an ninh” của ông Yoon Suk Yeol cũng hoàn toàn có cơ sở.
Trong đó, cơ sở đầu tiên là khả năng ông Yoon Suk Yeol sẽ bị bắt giữ. Mặc dù không có thông tin về thời hiệu của lệnh bắt ông Yoon lần thứ 2 kéo dài đến bao giờ, nhưng, nếu theo quy định, lệnh này sẽ có hiệu lực ít nhất 7 ngày, tức là đến hết hôm nay, lệnh này vẫn còn giá trị.
Thêm vào đó, nếu nhìn từ thái độ quyết liệt, không khoan nhượng của các cơ quan điều tra, bao gồm Cơ quan điều tra tội phạm công chức cao cấp của Hàn Quốc và Nhóm điều tra hỗn hợp của cảnh sát và kiểm sát, trong việc bắt giữ bằng được Tổng thống bị luận tội, có thể nói, nếu ông Yoon xuất hiện tại Tòa, chắc chắn sẽ bị câu lưu, khi mất đi sự bảo vệ đặc biệt của lực lượng cảnh vệ Phủ Tổng thống. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ từ phía những người chống đối Tổng thống với nhiều rủi ro tiềm tàng về bùng phát bạo lực.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của sự thật và chỉ là lý do bề nổi. Trên thực tế, từ trước khi có lệnh bắt lần thứ nhất, vào hôm 27/12/2024, khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tiến hành phiên đầu tiên để thẩm lý tính hợp pháp – hợp hiến và giá trị pháp lý của nghị quyết luận tội ông Yoon do Quốc hội nước này thông qua vào hôm 14/12, ông Yoon cũng vắng mặt, mặc dù đã thông qua các luật sư đại diện khẳng định là sẽ tham dự.
Theo phân tích của giới quan sát, việc ông Yoon Suk Yeol kiên quyết không xuất hiện tại Tòa, cũng như trước công chúng sẽ tạo những cản trở đối với tiến trình điều tra, giúp kéo dài thời gian cho việc giải quyết tình thế nguy hiểm hiện nay đối với cá nhân Tổng thống, đồng thời cũng tạo điều kiện cho ông Yoon tiến thoái dễ dàng hơn khi có các động thái mới từ Toà án và các cơ quan điều tra, trong khi ông Yoon Suk Yeol chưa hề từ bỏ mục tiêu quay lại chính trường một cách đường đường chính chính.
Hoàn cảnh khó khăn của Tòa án Hiến pháp
Theo kế hoạch, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ tiến hành 5 phiên điều trần luận tội trong thời gian từ hôm nay đến ngày 4/2. Các phiên điều trần này cộng với các động thái của ông Yoon đều sẽ có ảnh hưởng tới quyết định của Toà án Hiến pháp. Do đó, chính bản thân ông Yoon cũng đang tận dụng mọi yếu tố để xoay chuyển tình thế.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc là một cơ quan độc lập, có quyền đưa ra quyết định cuối cùng về các tranh chấp liên quan đến Hiến pháp, luận tội và giải tán các đảng phái chính trị... Tòa án này bao gồm 9 thẩm phán, tất cả đều do Tổng thống bổ nhiệm. Trong đó, có 3 người là do Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm, 3 người do Toà án tối cao tiến cử, và 3 người còn lại do Quốc hội bầu. Để quyết định đưa ra phán quyết cuối cùng, cần có sự ủng hộ của 06 thẩm phán.
Đến đây, cần chú ý một điểm rất tế nhị trong thời điểm hiện tại. Đó là hiện nay, Toà án Hiến pháp Hàn Quốc đang chỉ có 8 thẩm phán, khuyết 1 thẩm phán. Đây chính là điểm mấu chốt mà ông Yoon có thể tận dụng để phản công trong trường hợp Tòa đưa ra phán quyết bất lợi cho Tổng thống.
Theo các nguồn tin truyền thông Hàn Quốc, ngày 6/1, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp của 8 thẩm phán này. Tại đây, các thẩm phán đã thảo luận về vụ xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Đặc biệt, truyền thông Hàn Quốc còn cho biết, các thẩm phán cũng đã trao đổi và tính đến khả năng rút cáo buộc vi phạm Luật hình sự đối với tội danh "gây nội loạn" như trong đơn đề nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol của Quốc hội.
Mặt khác, Tòa án Hiến pháp cũng đã bác các đơn khiếu nại của bên thứ ba yêu cầu đình chỉ hiệu lực của đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, với lý do các đơn này không đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý.
Giữa những yếu tố lợi hại đan xen trên Tòa đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol như hiện nay, giới phân tích lại đặt sự chú ý vào cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, người đã tuyên bố nhận mọi trách nhiệm về cá nhân liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12 vừa qua, trước khi tìm cách tự sát nhưng không thành. Do đó, lời chứng của ông Kim trước tòa được coi là sẽ có lợi cho Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nhìn từ những góc độ này, có thể nói, chính Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cũng đang ở trong tình thế khó khăn trong việc đưa ra phán quyết.
Tình thế “đã phóng lao thì phải theo lao” của Cơ quan điều tra Hàn Quốc
Đến thời điểm này, vẫn có thông tin về việc Cơ quan chống tham nhũng Hàn Quốc và cảnh sát đang cố gắng để thực hiện bắt giữ ông Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, theo giới quan sát, với việc ông Yoon kiên quyết không xuất hiện, nhiệm vụ bắt giữ Tổng thống, đến thời điểm này đã trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” đối với các cơ quan điều tra của Hàn Quốc.
Rào cản rất lớn đầu tiên là từ phía lực lượng cảnh vệ Phủ Tổng thống. Lực lượng này hoàn toàn không vi phạm pháp luật khi ngăn cản các điều tra viên tiếp cận tổng thống. Bởi vì, nhiệm vụ chính của họ là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tổng thống đương nhiệm cho đến khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp, cho dù tổng thống bị Quốc hội luận tội.
Kèm theo đó là những hành động pháp lý kiên quyết của các luật sư đại diện cho Tổng thống. Các luật sư này cũng có đủ căn cứ pháp luật khi tuyên bố lệnh bắt giữ tổng thống là không có hiệu lực. Trên thực tế, các luật sư của ông Yoon đã chính thức khởi kiện 11 quan chức đứng đầu Cơ quan điều tra tội phạm công chức cao cấp của Hàn Quốc. Đồng thời, khẳng định sẽ tố cáo lên cơ quan kiểm sát toàn bộ 150 điều tra viên tham gia thực hiện lệnh bắt.
Một áp lực không nhỏ nữa là từ phía những người ủng hộ Tổng thống. Sự đối đầu giữa những người này và phe phản đối đã gây lo ngại sâu sắc, khiến cảnh sát thủ đô Seoul đã phải triển khai lực lượng trên diện rộng với nhân số lớn để ngăn chặn nguy cơ bạo lực bùng phát.
Đã có động thái cho thấy, dường như các cơ quan điều tra của Hàn Quốc đã bắt đầu “chùn tay” khi thực thi lệnh bắt giữ. Đó là việc Cơ quan chống tham nhũng Hàn Quốc đã đề nghị lực lượng cảnh sát nước này tiếp quản hoạt động bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol, với lý do các điều tra viên đã không thể tiếp cận ông Yoon vì bị ngăn cản quyết liệt.
Còn việc Các cơ quan điều tra xin gia hạn lệnh bắt giữ, đồng thời tiếp tục thể hiện thái độ cương quyết, không khoan nhượng, được các nhà quan sát mô tả giống như hành động “đã phóng lao thì phải theo lao”.
Trên thực tế, những nỗ lực này không những không đem lại kết quả như mong muốn, mà còn làm tình hình trở nên căng thẳng hơn. Đồng thời, cũng ít có ảnh hưởng đối với quá trình xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Theo Tuấn Nhật/Báo điện tử VOV