"Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá thông tin tình báo và liên lạc chặt chẽ với các đồng minh, đối tác", Nhà Trắng nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Trước đó, tổng thống Trump đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ để bàn về các lựa chọn đáp trả một cuộc tấn công hóa học ở quận Douma, khu đông Ghouta của Syria ngày 7-4. Chính phủ của Tổng thống Syria Basha al-Assad do Nga hậu thuẫn bị quy trách nhiệm về cuộc tấn công.
|
Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng sau màn đe dọa không kích Syria trên Twitter - Ảnh: REUTERS |
Thông báo của Nhà Trắng cho biết tổng thống Trump sẽ tiếp tục có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh và Pháp trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra.
Từ London, Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May cùng ngày 13-4 xác nhận hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ vừa kết thúc điện đàm. Bà May và ông Trump đã nhất trí tìm kiếm một phản ứng quốc tế để ngăn chặn khả năng tái sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria.
Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi thủ tướng May nhận được sự ủng hộ của nội các về việc Anh sẽ can dự quân sự vào Syria cùng với Mỹ.
|
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford rời Nhà Trắng sau cuộc họp với tổng thống Trump về tình hình và đối sách với Syria ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS
|
Báo Sputnik của Nga hôm 11-4 dẫn một số nguồn tin cho biết nếu Mỹ tiến hành không kích Syria, đó sẽ là một chiến dịch tấn công tập thể dưới sự phối hợp với Anh và Pháp.
Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh May liên tiếp trong hai ngày gần đây đều khẳng định có các chỉ dấu cho thấy chính phủ Syria đứng đằng sau vụ tấn công hóa học ở quận Douma, khu đông Ghouta.
Đây là một tín hiệu đáng lo ngại nhưng cũng ngầm xác nhận rằng Anh và Pháp sẽ tham chiến cùng Mỹ nếu Washington khơi mào cuộc không kích chống lại chính phủ Syria. Các chuyên gia cảnh báo nếu điều đó xảy ra, nó sẽ ở quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc không kích bằng tên lửa Tomahawk cũng của Mỹ nhắm vào Syria hồi tháng 4 năm ngoái.
Nga: "Không loại trừ nguy cơ chiến tranh"
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia ngày 12-4 cảnh báo "không thể loại trừ chiến tranh" giữa Nga và Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington và các đồng minh kiềm chế tiến hành các hành động quân sự chống lại Syria.
"Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tránh nguy cơ chiến tranh. Chúng tôi hi vọng mọi thứ sẽ không tới mức không thể quay đầu trở lại", hãng tin Reuters dẫn lời ông Nebenzia nhấn mạnh.
Các tàu chiến của Nga đậu tại căn cứ Tartus (Syria) đã được lệnh di tản ngày 11-4 ngay sau khi tổng thống Trump đe dọa "tên lửa Mỹ đang tới" trên Twitter. Các động thái quân sự sau đó cho thấy Nga đang vừa đề phòng vừa nắn gân Mỹ.
|
Cờ Nga treo trên một xe quân sự chuẩn bị khởi hành đi từ trại Wafideen, thủ đô Damascus của Syria tới quận Douma, khu vực đông Ghouta ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS
|
Ngày 12-4, Mátxcơva tuyên bố khu vực đông Ghouta, bao gồm quận Douma vốn do phe đối lập Syria kiểm soát nay đã nằm trong sự kiểm soát của chính phủ ông Assad.
Cờ của chính phủ Syria đã xuất hiện tại một số vị trí quan trọng tại khu vực. Quân cảnh Nga ngay lập tức được điều động tới đông Ghouta và quận Douma.
Hôm 11-4, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh một cuộc không kích của Mỹ nhắm vào Syria sẽ là nỗ lực xóa sạch các bằng chứng có thể cho biết ai là thủ phạm thực sự đằng sau vụ tấn công hóa học ngày 7-4 ở Douma.
Trước đó ít lâu cùng ngày, một nghị sĩ cấp cao Nga tuyên bố Mátxcơva sẽ đáp trả ngay lập tức nếu tên lửa của Washington gây tổn hại đến các tài sản và tính mạng của công dân Nga ở Syria "dù vô tình hay cố ý".
Một số chuyên gia nhận xét việc tổng thống Mỹ đưa phát động tấn công Syria một phần xuất phát từ sự hiện diện của các lực lượng Nga ở đông Ghouta. Washington có thể vấp phải sự đáp trả của Mátxcơva nếu không kích vào khu vực trên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Mỹ đang chờ đợi kết quả điều tra của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) trước khi hành động.
Thông báo từ OPCW cho hay hai nhóm chuyên gia của tổ chức này đang trên đường tới quận Douma, khu vực đông Ghouta của Syria và sẽ bắt đầu điều tra sớm nhất vào ngày mai.
Kết quả này có thể dẫn tới những thay đổi chiến lược và cứu Syria hay không? Hãy chờ xem!
Theo Bảo Duy/Tuoitre