|
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị bắn ngày 8/7. (Ảnh: Kyodo)
|
Ông Abe Shinzo trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Nhật Bản khi trở thành chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào năm 2006, khi đang ở tuổi 52.
Ông từ chức sau 1 năm vì bệnh viêm loét đại tràng nặng. Tuy nhiên, ông trở lại với vị trí cao nhất vào năm 2012 và lãnh đạo cho đến năm 2020. Ông từ chức lần thứ hai cũng vì lý do sức khoẻ.
Giai đoạn 8 năm liên tục đó khiến ông trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu năm nhất trong lịch sử hậu chiến tranh của xứ sở hoa anh đào.
Ở trong nước, ông Abe ghi dấu ấn với chính sách kinh tế Abenomics, dựa trên các trụ cột nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khoá và cải tổ cấu trúc.
Sinh ra tại Tokyo vào ngày 21/9/1954, trong một gia đình có truyền thống chính trị, ông Abe lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Nhật Bản trong cuộc bầu cử năm 1993. Sau đó, ông trở thành chánh văn phòng nội các từ năm 2005-2006.
Khi trở lại vào năm 2012, ông Abe đánh bại đối thủ Shigeru Ishiba để lãnh đạo LDP với số phiếu áp đảo. Thành công này được coi là một cột mốc chính trị, vì ông là cựu thủ tướng Nhật Bản đầu tiên có thể quay lại chiếc ghế cao nhất trong chính phủ kể từ khi ông Shigeru Yoshida làm điều tương tự vào năm 1948.
Ông Abe tái đắc cử với chiến thắng vang dội vào các năm 2014 và 2017.
Với sự ủng hộ của ông Abe, ông Yoshihide Suga trở thành thủ tướng kế nhiệm. Ông Suga không thể có được vị trí này nếu không được ông Abe ủng hộ, vì ông Suga không thuộc nhóm nào trong đảng LDP.
Dấu ấn khu vực
Dù không còn lãnh đạo cũng như không có kế hoạch tranh cử một lần nữa, ông Abe tiếp tục có ảnh hưởng lớn lên các vấn đề trong nước và khu vực, khi ông vẫn dẫn đầu một nhóm quyền lực trong đảng LDP.
Thay vì lặng lẽ sau hậu trường, chính trị gia được đánh giá là quyền lực nhất Nhật Bản đã công khai thúc đẩy gói cứu trợ 78,9 nghìn tỷ yen vào tháng 11 năm ngoái. Đây là gói kích thích lớn thứ hai trong lịch sử Nhật Bản.
Giới phân tích cho rằng ông Abe đã làm nhiều việc để nâng cao uy tín và hiện diện quốc tế của Nhật Bản hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của quốc gia này kể từ sau Thế chiến 2.
Dưới thời ông Abe, Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau đó đổi tên thành CPTPP.
Ông Abe cũng làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác trong khu vực, thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Anh, trong khi nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước.
Ngoài việc đề xuất đưa "Bộ tứ" trở thành một diễn đàn an ninh khu vực vào năm 2007, ông Abe còn đóng vai trò nổi bật trong việc mở rộng và nâng cao vai trò của "Bộ tứ", một câu lạc bộ của 4 quốc gia gồm: Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ.
Với mục tiêu là đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, "Bộ tứ" đang thay đổi để định hình bối cảnh địa chính trị châu Á về lâu dài.
Với quan điểm quyết liệt trong chính sách quốc phòng và đối ngoại, ông Abe từ lâu đã nỗ lực sửa hiến pháp hoà bình của Nhật Bản, nhất là Điều 9 về việc cấm Nhật Bản có quân đội và những lực lượng có thể tham gia chiến tranh.
Quan điểm quyết liệt của ông thường gây căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc, nhất là khi ông đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo năm 2013. Đây là địa điểm thờ cúng liên quan đến chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản giai đoạn trước và trong Thế chiến 2.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn từ năm 2012, khi Tokyo quốc hữu hoá quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng có yêu sách và gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này luôn là nguồn cơn căng thẳng giữa hai cường quốc Đông Bắc Á.
Ông Abe tiếp tục giữ quan điểm chỉ trích Trung Quốc sau khi thôi làm thủ tướng. Tháng 12 năm ngoái, ông nói rằng Bắc Kinh cần tránh gây ác cảm với các quốc gia khác và dừng đòi hỏi thêm lãnh thổ từ các nước láng giềng.
Ông cũng cảnh báo về “thách thức nghiêm trọng” đối với an ninh và dân chủ của Đài Loan (Trung Quốc). Ông thậm chí còn kêu gọi Washington từ bỏ chính sách mơ hồ chiến lược nếu Bắc Kinh tấn công hòn đảo tự trị.
Tháng 12 năm ngoái, ông Abe cảnh báo nếu Bắc Kinh tấn công đảo Đài Loan sẽ là hành động “tự sát”. Ông tuyên bố rõ ràng rằng Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Mỹ phải tăng cường năng lực và phối hợp với nhau để đối phó với các mối đe doạ an ninh.
Sự thẳng thắn của ông khiến Thời báo Hoàn cầu - tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc – viết rằng ông Abe “ngày càng thiếu kiềm chế khi giải phóng năng lượng chống Trung Quốc”.
Theo Thu Loan/ Tiền Phong