Nhật Bản, Mỹ là 2 quốc gia quy định mức xử phạt đối với tài xế uống rượu lái xe cao nhất, với mức phạt lên đến 93 triệu đồng (Nhật) và tại Mỹ là 5000 USD, tài xế say cũng có thể bị đi tù ngay lần vi phạm đầu tiên.
Nhật Bản
Đất nước Mặt trời mọc đã đề ra khung hình phạt được coi là nghiêm khắc vào loại bậc nhất thế giới đối với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe.
|
Nhật Bản là một trong những nước có những quy định khắt khe nhất thế giới đối với lái xe uống rượu bia. |
Giới hạn mức cồn cho phép là 0,03% tại Nhật Bản. Trên 0,03% - 0,7999%, tài xế có thể bị phạt đến 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng) và 3 năm tù. Từ 0,08% trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tối đa 8.800 USD (hơn 205 triệu đồng) và 5 năm tù.
Thậm chí, nếu phương tiện của lái xe say rượu hoặc không tỉnh táo chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.
Đối với những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc nặng hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu.
Pháp luật Nhật Bản cũng quy định hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn gây chết người và 15 năm đối với tai nạn không gây chết người.
Vì số lượng người đi xe đạp rất lớn, nên ở Nhật, người đi xe đạp cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái ôtô để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Trung Quốc
Pháp luật Trung Quốc quy định mức cồn trong máu cho phép là 0,02%. Từ 0,02% - 0,08%, người uống rượu lái xe sẽ bị phạt 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (hơn 3,36 - 6,7 triệu đồng) và đình chỉ Giấy phép lái xe trong 6 tháng.
|
Cảnh sát Trung Quốc tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. |
Còn trên mức 0,08%, người vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm và bị tước bằng lái xe và trong 5 năm sau đó không được cấp bằng trở lại.
Nếu tài xế gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, Giấy phép lái xe sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mỹ
Giới hạn mức cồn trong máu cho phép tại Mỹ là 0,08%. Mỹ thực hiện chính sách không dung thứ đối với trẻ vị thành niên phạm tội lái xe mà sử dụng rượu bia. Tiền phạt, đình chỉ giấy phép lái xe và án tù có thể được áp dụng tùy vào tần suất của hành vi phạm tội và quy định của từng bang.
Ví dụ, tại bang Washington, tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, nếu vi phạm lần đầu, sẽ có thể bị phạt tù một năm và phạt tiền từ 350 USD - 5.000 USD.
Nếu tài xế nếu phạm tội lần 2 trong vòng 7 năm kể từ lần vi phạm đầu tiên có thể bị phạt tù một năm và 2 tháng quản thúc tại gia. Mức phạt tiền sẽ tăng từ 500 USD - 5.000 USD.
Nếu tái phạm lần 3, người vi phạm có thể phải ngồi tù từ 3 tháng đến một năm và 120 ngày quản thúc tại gia. Mức tiền phạt sẽ tăng từ 1.500 USD - 5.000 USD.
Đặc biệt, nếu 5 lần vi phạm chỉ trong vòng 10 năm, tài xế có thể phải ngồi tù tới 8 năm và bị phạt khoản tiền lên tới 10.000 USD.
Nghiên cứu của Ủy ban Sức khỏe và Y dược Mỹ chỉ ra rằng, các bang thi hành luật lệ nghiêm khắc hơn và mức phạt cao hơn đối với các tài xế sử dụng rượu bia thì có tỷ lệ xảy ra tai nạn thấp hơn hẳn các bang khác. Do đó, nhiều bang cũng đã tính tới chuyện sửa đổi bộ luật để xử lý hành vi lái xe uống rượu bia.
Việt Nam
Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực sẽ nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về các mức phạt dành cho người vi phạm:
Đối với người điều khiển xe đạp:
Phạt tiền 80.000 - 100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở.
Phạt tiền 200.000 - 300.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở.
Phạt tiền 400.000 - 600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Đối với xe máy:
Phạt tiền 2 - 3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46/2016/NĐ-CP chưa quy định).
Phạt tiền 4 - 5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở.
Phạt tiền 6 - 8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Phạt tiền 3 - 5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 6 - 8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/lít khí thở.
Phạt tiền 16 - 18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Đối với ôtô:
Phạt tiền 6 - 8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 16 - 18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở.
Phạt tiền 30 - 40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Ngoài ra, để buộc người vi phạm nghiêm chỉnh nộp phạt, Nghị định 100/2019 quy định đối với xe vi phạm giao thông chưa nộp phạt, cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, đồng thời thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm. Cơ quan kiểm định vẫn thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định nhưng giấy chỉ có thời hạn hiệu lực 15 ngày. Đồng thời, nghị định bổ sung quy định không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, như giấy phép lái xe, tránh tình trạng nhiều người bị giữ bằng lái đi làm lại bằng mới.
Theo Minh Thu/Infonet