Nước Mỹ và cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa đi đến hồi kết

Google News

18 năm sau vụ khủng bố 11/9, dù có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, song nỗi ám ảnh của nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt khi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ.”
 

Nuoc My va cuoc chien chong khung bo van chua di den hoi ket
Khói bốc lên từ một trong hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới bị sập sau vụ tấn công khủng bố bằng máy bay ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP/TTXVN) 
Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất Mỹ.
Sau thời điểm kinh hoàng đó, Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố khai màn "cuộc chiến chống khủng bố" - cuộc chiến tới nay được xem là kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
18 năm trôi qua, dù có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, song nỗi ám ảnh của nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt khi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ,” trái lại đang có xu hướng gia tăng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp.
Đối với nhiều người Mỹ, vụ tấn công khủng bố 18 năm trước là ký ức đau buồn không bao giờ có thể quên.
Ngoài cướp đi sinh mạng của 2.966 người, khiến 6.000 người khác bị thương, thảm kịch ngày 11/9/2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Bên cạnh đó, nước Mỹ đã bị "tổn thương" sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) - và Lầu Năm góc.
Kể từ đó, không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào guồng máy “chống khủng bố toàn cầu” do ông Bush phát động, từ cuộc chiến đầu tiên tại Afghanistan cho đến chiến trường tại Iraq và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Không thể phủ nhận những kết quả của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động. Điểm nhấn đầu tiên là Washington đã ngăn chặn đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.
Số người Mỹ bị các phần tử khủng bố sát hại trên đất Mỹ được xác định là "ở mức thấp" kể từ ngày 11/9/2011 tới nay, trung bình 6 người/năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện 11/9 tuy là bi kịch lớn song cũng là cơ hội để Mỹ điều chỉnh lại bộ máy chính quyền cũng như tập trung vào nỗ lực đề phòng và chống khủng bố.
Đó là thành lập Bộ An ninh Nội địa, Bộ chỉ huy miền Bắc, Giám đốc tình báo quốc gia, Lực lượng đặc biệt chống khủng bố với quy mô nhân lực và kinh phí lần lượt tăng lên gấp 2 và 3 lần so với trước.
Các biện pháp, phương tiện đảm bảo an ninh đường không, đường biển, nội địa, an ninh mạng được phát triển, tổ chức chặt chẽ, nhằm hình thành “phòng tuyến” vững chắc bảo vệ nước Mỹ.
Ngoài ra, những nỗ lực của Mỹ truy tìm và theo dõi hành tung của các phần tử khủng bố, “đào xới” các dữ liệu thông tin của các nghi phạm và siết chặt kiểm soát an ninh biên giới cũng gây khó khăn cho các phần tử khủng bố muốn thâm nhập vào nước Mỹ như chúng đã từng tung hoành thời kỳ trước sự kiện 11/9.
Cục Điều tra liên bang Mỹ đã triển khai một chiến dịch quy mô rộng lớn nhằm xác định và bắt giữ số lượng lớn các đối tượng Hồi giáo thánh chiến và chiến dịch này hiện vẫn đang diễn ra.
Để ngăn chặn hiệu quả các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ, Washington cũng đã triển khai chiến lược tập trung vào 3 mũi nhọn chính, gồm tấn công những nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố, hợp tác tình báo và tăng cường an ninh nội địa.
Kể từ sau ngày 11/9, các thành viên của các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, IS, và các phong trào Hồi giáo thánh chiến khác đã phải liên tục lẩn trốn, thu hẹp địa bàn hoạt động tại những nơi ẩn náu ở Pakistan, Somalia, Syria và các nước khác.
Chiến dịch tình báo toàn cầu chống phong trào Hồi giáo thánh chiến cực đoan cũng tương đối phát huy tác dụng. Mỹ đã vận dụng mối quan hệ tình báo với các đối tác nước ngoài như một trọng tâm trong nỗ lực chống IS và al-Qaeda.
Sau sự kiện 11/9, mối quan hệ đối tác của Mỹ đã phủ sóng tới hơn 100 nước, đóng vai trò then chốt trong việc truy bắt và tiêu diệt các nghi can khủng bố.
Đơn cử như chiến dịch bắt giữ điệp viên cao cấp của al-Qaeda Riduan Isamuddin, biệt danh Hambali vào năm 2003 là có sự phố hợp hoạt động và tình báo giữa Mỹ và Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Với vai trò lãnh đạo “Liên minh quốc tế” chống khủng bố, sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của Mỹ cũng được tăng cường. Mỹ và các nước tham gia liên minh chống khủng bố đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin La-den cùng nhiều “phó tướng” của al-Qaeda và các thủ lĩnh cấp cao của tổ chức IS tự xưng, góp phần chống IS tại Syria và Iraq.
Theo thống kê của trang National Interest, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến này, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD để chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới.
Tuy nhiên, một nghịch lý là Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu.
Theo nghiên cứu của trung tâm CSIS (Mỹ), số lượng các tay súng thánh chiến Hồi giáo dòng Salafi đã tăng tới 270% kể từ năm 2001.
Tính đến năm 2018, có tới 67 nhóm thánh chiến hoạt động trên thế giới, tăng 180% so với năm 2001.
Đáng chú ý, phần lớn trong tổng số khoảng 280.000 tay súng thánh chiến hiện nay hiện diện ở các quốc gia mà Mỹ có can thiệp quân sự trong 18 năm qua, như Iraq, Afghanistan hay Libya.
Trớ trêu thay, mức độ nguy hiểm của mối đe dọa mà các tổ chức khủng bố đặt ra đối với nước Mỹ lại phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định của những quốc gia nêu trên.
Mặt khác, sau 18 năm với 3 đời tổng thống cùng với những chiến lược khác nhau, Mỹ lại bị “sa lầy” tại chiến trường Iraq và cả Afghanistan.
Các tay súng Taliban vẫn tiến hành các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên tại Afghanistan, và đây là một phần nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán mà Mỹ xúc tiến với Taliban để mở đường cho việc rút quân khỏi chiến trường Tây Nam Á này đổ vỡ mới đây.
Giới quan sát nhận định sự sụp đổ của cuộc đàm phán Mỹ-Taliban có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng bởi nó làm dấy lên lo ngại Taliban sẽ gia tăng các hành vi bạo lực tại Afghanistan để trả đũa.
Điều này cũng làm tiêu tan hy vọng của ông chủ Nhà Trắng đưa tất cả các binh sỹ Mỹ trở về nhà trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong khi đó, al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á. Bất chấp phải hứng chịu rất nhiều thất bại ở Syria và Iraq, IS đang có điều kiện để “trỗi dậy trở lại.”
Bên cạnh đó, dù nước Mỹ đã được tôi luyện hơn để có thể chống lại các âm mưu khủng bố, song vẫn dễ tổn thương trước những vụ tấn công nhỏ lẻ.
Trong bối cảnh các công nghệ truyền thông mới nở rộ và sự phát triển của mạng xã hội, chỉ cần một cú "click" chuột máy tính, các đối tượng khủng bố có thể "truyền cảm hứng" cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới thực hiện một vụ tấn công.
Đây cũng cách thức được sử dụng trong cả vụ đánh bom ở Boston (Bô-xtơn), bang Massachusetts năm 2013 và hộp đêm Pulse, thành phố Orlando, bang Florida hồi tháng 6/2016.
Các lực lượng an ninh chống khủng bố phải chịu sức ép lớn để phát hiện và ngăn chặn những đối tượng "có cảm tình" với IS hay al-Qaeda thực hiện các vụ tấn công theo kiểu "sói đơn độc."
Sau 18 năm, đúng vị trí các phần tử khủng bố lao máy bay tấn công biểu tượng kinh tế của nước Mỹ giữa lòng New York, một trung tâm thương mại mới đã sừng sững mọc lên, mang lại niềm hy vọng về một nước Mỹ hùng mạnh và đang “vĩ đại trở lại.”
Tuy nhiên, hiểm họa khủng bố vẫn chưa thôi rình rập nước Mỹ và cả thế giới. Có vẻ việc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để chống khủng bố vẫn là một chiến lược còn nhiều khiếm khuyết khi Mỹ và phương Tây đang tạo ra nghịch lý “hận thù, bạo lực” nối tiếp nhau, vô hình trung lại kích động chủ nghĩa khủng bố phát triển.
Điều này phần nào lý giải vì sao Mỹ càng tăng cường chống khủng bố, khủng bố lại có dấu hiệu càng phát triển theo hướng đa dạng và manh động hơn.
Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Do đó, một cách tiếp cận mới bền vững hơn về vấn đề chống khủng bố là điều Mỹ cần tìm kiếm và thúc đẩy để có thể đưa cuộc chiến này đi đến hồi kết./.
Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)