Nói rằng sự độc lập của hệ thống tư pháp bị đe dọa, Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ Ranjan Gogoi, 64 tuổi, kêu gọi phiên họp đặc biệt của tòa sau khi nữ trợ lý cũ, 35 tuổi, gửi thư đến 22 thẩm phán của Tòa án Tối cao tố cáo ông này 2 lần quấy rối tình dục bà vào tháng 10 năm ngoái.
|
Ông Ranjan Gogoi. Ảnh: Reuters |
"Ông ta ôm eo tôi, dùng tay sờ soạng khắp người tôi và gí chặt người ông ta vào người tôi" - AFP dẫn lời người trợ lý viết trong bản khai có tuyên thệ gửi đến Tòa án Tối cao.
"Ông ta nói với tôi ôm ông ta đi, ông ta không cho cựa quậy mặc dù tôi đã cố vùng vẫy thoát ra khỏi vòng tay của ông ta" - nữ trợ lý viết tiếp.
"Đó là một cuộc trả thù thực sự, đối với cả một gia đình" - người phụ nữ tố cáo Chánh án Gogoi viết và khẳng định đã từ chối những cử chỉ tán tỉnh liên tục, quá lố của ông này. Hậu quả là hai tháng sau bà bị sa thải, nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây.
Theo bà, người chồng và em rể - cả hai đều là cảnh sát viên - sau đó cũng đã bị cho thôi việc vào tháng 12 năm ngoái, vì một cuộc tranh cãi từ hồi năm 2012.
Người nữ trợ lý cũ của thẩm phán Ranjan Gogoi cũng tố cáo bị thẩm vấn một cách thô bạo tại một đồn cảnh sát, cùng với nhiều thành viên của gia đình trong tháng trước. Bà cho biết không những bị đánh đập mà còn bị thóa mạ trong lúc bị câu lưu.
Trong khi đó, Chánh án Gogoi phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng chúng "mang tính vu khống và hoàn toàn sai lạc". Bản thân ông Gogoi khẳng định với Tòa án Tối cao là ông ta luôn luôn tôn trọng các nhân viên, nêu ra một âm mưu do "các thế lực mạnh" tổ chức để "gây bất ổn cho định chế tư pháp".
Rajan Gogoi, người sẽ nghỉ hưu vào tháng 11 sau 1 năm giữ chức Chánh án Tòa án Tối cao, cho biết ông sẽ tiếp tục xử nhiều vụ án nhạy cảm trong những ngày tới và sẽ tiếp tục công việc của mình "mà không phải lo sợ".
Gogoi cho biết người phụ nữ tố cáo ông ta có tiền án tiền sự và các phương tiện truyền thông phải có trách nhiệm trong việc đưa tin các cáo buộc.
Một tòa án New Delhi dự kiến sẽ mở phiên tòa vào ngày 24.4 để hủy bỏ bảo lãnh tại ngoại đối với người phụ nữ này trong một cuộc điều tra hình sự khác.
Trong khi đó, người phụ nữ đề nghị Tòa án Tối cao thành lập một "ủy ban điều tra đặc biệt" để điều tra các cáo buộc của bà.
Cuộc tranh cãi diễn ra trong bối cảnh phong trào #MeToo ngày càng lớn mạnh ở Ấn Độ, trong đó nhiều đạo diễn, diễn viên Bollywood, các nhân vật đình đám của truyền thông bị cáo buộc quấy rối tình dục.
Theo Khánh Minh/PLO