Đối với người dân ở làng Denganmal (bang Maharashtra), miền tây Ấn Độ, cách thành phố Mumbai khoảng 137km, nước sinh hoạt chỉ có thể lấy từ hai giếng dưới chân một ngọn đồi đá gần đó. Tại địa điểm lấy nước lúc nào cũng rất đông người dân chờ đợi, việc chờ đợi có thể tốn đến hàng giờ liền.
Bởi thế, ông Sakharam Bhagat cũng như nhiều người đàn ông trong làng khác, đã chọn giải pháp là “cưới vợ” để đi lấy nước về. Ông Bhagat năm nay đã 66 tuổi và có ba bà vợ nhằm đảm bảo cho gia đình mình có đủ nước uống và nấu ăn. “Tôi cần một người mang nước, và kết hôn một lần nữa là lựa chọn duy nhất của tôi”, ông Bhagat nói. “Vợ cả của tôi luôn bận rộn với những đứa trẻ. Khi người vợ thứ hai của tôi bị ốm và không thể đi lấy nước, tôi đã phải kết hôn với một người thứ ba.”
Người vợ cả của Bhagat, Tuki nói những bà vợ trong gia đình hòa thuận và xem nhau như chị em. Họ giúp đỡ lẫn nhau, có xung đột thì cùng nhau giải quyết. Người vợ thứ 3 Bhaagi (ngoài cùng bên trái), người vợ thứ 2 Sakhri, đứa con nhỏ và ông Bhagat cùng đi lấy nước về sử dụng. Trong gia đình ông Bhagat, thường là 2 người được giao phó việc gánh nước thì người còn lại sẽ nấu ăn. Trong hình là Sakhri, người vợ thứ hai của Bhagat nấu ăn bên bếp lửa.
Một người đàn ông khác trong làng tên là Namdeo cũng có hai bà vợ: Shivarti (trái) và Bagabai (phải), bên ngoài ngôi nhà của họ. “Để cung cấp nước cho một gia đình lớn chẳng phải là điều dễ dàng,” Namdeo phát biểu.
Nhiều người dân Ấn Độ đang phải chịu những hậu quả từ việc thiếu nước tại các ngôi làng của Ấn Độ, cũng như ảnh hưởng từ đợt hạn hán nghiêm trọng nhất mà bang Maharashtra đã phải đối mặt trong một thập kỷ. Lấy nhiều vợ là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng tại ngôi làng này, “người vợ mang nước” là điều phổ biến. Hình ảnh những người vợ vừa địu con, vừa đội nước không còn xa lạ với người dân làng này.
Shivarti, vợ lẽ của ông Namdeo dùng các bình nhôm để chứa đầy nước trước khi tiếp tục lên đường ra giếng.
Theo Quỳnh Dao/Phununews