Những trí thức góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Google News

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Ban biên tập vusta.vn xin trân trọng giới thiệu 10 gương mặt trí thức trong số hàng ngàn trí thức đã dấn thân cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Ban biên tập vusta.vn xin trân trọng giới thiệu 10 gương mặt trí thức trong số hàng ngàn trí thức đã dấn thân cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ; họ sẵn sàng bỏ lại phía sau cuộc sống phú quý, an nhàn,... để gắn mình với bao gian khổ, thiếu thốn, hy sinh nơi chiến khu, nơi gần mặt trận, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Nhung tri thuc gop phan lam nen chien thang Dien Bien Phu
 
Sự cống hiến có thể không giống nhau, khi thì trực tiếp, lúc là gián tiếp phục vụ cho mặt trận, nhưng tất cả đều cần cho công cuộc kháng chiến. Bởi sẽ không thể có được chiến thắng ngoài mặt trận nếu không có rất nhiều sự chuẩn bị từ phía sau trận tuyến, bao gồm cả về vật chất lẫn tinh thần, cả về tri thức lẫn những phương tiện cụ thể... Chiến tranh nhân dân là như vậy. Dân tộc ta chiến thắng được trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng là do tạo được sức mạnh tổng hợp. Bài học ấy có giá trị trao truyền.
1. Giáo sư Tạ Quang Bửu
Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910 trong một gia đình nho giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Giáo sư Tạ Quang Bửu sớm có ý thức học hành thành danh để giúp nước. Năm 1922, ông thi vào Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông được ra Trường Bưởi tiếp tục học. Năm 1929, sau khi đỗ tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông được nhận học bổng sang Pháp du học. Năm 1934, Giáo sư Tạ Quang Bửu về Việt Nam, ông từ chối làm quan, chỉ nhận dạy Toán và tiếng Anh tại trường Thiên Hựu - một trường trung học ở Huế.
Tháng 8 năm 1945, ông ra Hà Nội và tham gia cách mạng. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 1 năm 1946, ông công tác tại Bộ Ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông lên Việt Bắc làm việc trong Đoàn cán bộ của Chính phủ. Tại đây, tháng 8 năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản và được giao cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn dành thời gian truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò ngay tại Chiến khu. Trong những năm gian khổ, thiếu thốn đủ bề tại chiến khu Việt Bắc, ông vẫn miệt mài nghiên cứu và cho ra nhiều cuốn sách quý, như: “Thống kê thường thức”, “Vật lý cương yếu”, “Nguyên tử - hạt nhân - vũ trụ tuyến”, “sống”... Những cuốn sách của Giáo sư Tạ Quang Bửu và những hoạt động hướng đạo sinh của ông đã tạo được những ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tổ chức ở Chiến khu Việt Bắc thời gian đó, Giáo sư Nguyễn Xiển đã nói: “Trong thời kỳ kháng chiến này, ông Tạ Quang Bửu là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy, có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến thế hệ đương thời”. Trong số các công trình nghiên cứu của ông, có những công trình trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến đấu tại mặt trận; như cuốn sách “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung”. Cuốn sách này rất cần vì hồi đó ta chưa có súng cao xạ và các loại súng phòng không khác; trong khi súng trường đã nhiều và máy bay của địch thường bay rất thấp. Cuốn sách nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và tại mặt trận Điện Biên Phủ, nhiều nơi khác đã hạ được máy bay của thực dân Pháp bằng súng trường, góp phần làm giảm ưu thế về không quân của địch.
Năm 1954, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Giáo sư tham gia Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ký văn bản Hiệp định đình chiến tại Việt Nam và Lào...
Khi đất nước hòa bình, Giáo sư Tạ Quang Bửu tiếp tục có nhiều đóng góp cho đất nước thông qua những hoạt động đào tạo, công tác quản lý và những công trình nghiên cứu của mình. Ghi nhận những cống hiến to lớn của Giáo sư, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng ông nhiều phần thưởng cao quý; trong đó có: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất…
2. Anh hùng Lao động, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa khi ấy đang làm việc tại Pháp (Ông đi du học tại Pháp từ năm 1935, tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường Đại học Bách khoa Pari, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Cầu đường Pari... Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí...). Từ bỏ những vinh hoa phú quý trên đất Pháp, ông quyết định theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước phục vụ công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, dẫu biết rằng về nước lúc này là đồng nghĩa với gian khổ, khó khăn thiếu thốn trăm bề.
Về đến Hà Nội, ông chỉ nghỉ đúng một tuần là lên chiến khu Việt Bắc làm việc ngay. Trước đó, vào ngày 5/12/1946 Bác Hồ đã cho mời ông đến Bắc Bộ Phủ. Vừa thân mật, vừa trịnh trọng, Bác nói: “ Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay mời chú đến để giao nhiệm vụ cho chú là Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự). Chú lo vũ khí cho bộ đội đánh giặc”. Bác còn nói thêm: “Việc chú làm là việc hệ trọng, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”. (Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh năm 1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).
Tại Xưởng quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên), kỹ sư Trần Đại Nghĩa được giao nhiệm vụ tham gia tổ chức chế tạo vũ khí phục vụ cho quân đội non trẻ của ta chiến đấu ngoài mặt trận. Bắt đầu từ tháng 11/1946 ông và các đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu súng chống tăng. Vượt qua rất nhiều khó khăn và cả một số lần thất bại, đến tháng 2/1947, súng Bazoka của ông đã được thử nghiệm thành công, góp phần tăng cường hỏa lực mạnh cho bộ đội ngoài mặt trận.
Những năm 1948 - 1949, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của mình tiến hành nghiên cứu và chế tạo súng có sức công phá mạnh, đó là súng không giật SKZ. Đây là loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ, đã góp phần tiêu diệt gọn nhiều đồn giặc trên các chiến trường ở miền Bắc và Nam Trung Bộ. Đặc biệt, kỹ sư Trần Đại Nghĩa còn nghiên cứu chế tạo loại bom bay (tương tự như loại V1, V2 của Đức) nhằm tiêu diệt những điểm co cụm của địch. Sau đó ông còn chế tạo loại tên lửa nặng 30kg có thể đánh phá các mục tiêu cách xa 4km, cùng nhiều loại vũ khí khác nữa...
Những loại vũ khí do kỹ sư Trần Đại Nghĩa chủ trì chế tạo trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh về hỏa lực của quân đội ta, đặc biệt là trong các trận đánh lớn, trong các chiến dịch quan trọng, như chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1947, chiến dịch Nghĩa Lộ năm 1948, chiến dịch Đường số 3 (Bắc Kạn) năm 1948, chiến dịch Đông Bắc Bộ 1 năm 1948, chiến dịch Đông Bắc Bộ 2 năm 1949, chiến dịch Sông Lô năm 1949 và nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954...
Sau này khi đất nước hòa bình, ông tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng nhiều công trình quân sự có giá trị. Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư, là Viện sĩ, là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động.
3. Giáo sư Tôn Thất Tùng
Cuộc đời Giáo sư Tôn Thất Tùng có thể nói là một trong những điển hình của người trí thức Việt Nam sớm hăng say lao động khoa học và được cách mạng giác ngộ. Ông là một người thầy và một nhà khoa học đủ tâm - tài.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, cùng với các cán bộ y tế, các nhà giáo và sinh viên ngành y ngày ngày gắn chuyên môn của mình với thực tiễn công cuộc kháng chiến, lo cứu chữa thương bệnh binh, đồng thời tích cực xây dựng các tuyến phẫu thuật ngay gần mặt trận để việc cứu chữa thương binh được kịp thời. Biết bao khó khăn không thể kể hết. Tại Chiến khu Việt Bắc và nhiều nơi khác trong thời kỳ kháng chiến, mặc dù chiến tranh khốc liệt, hoàn cảnh rất khó khăn, điều kiện hết sức thiếu thốn, nhưng ông và các đồng nghiệp luôn nỗ lực cao nhất vì sự nghiệp chung; ông luôn cố gắng gắn điều trị với nghiên cứu khoa học, với công tác đào tạo và phát triển ngành y tế, cũng như đóng góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tại Chiến khu Việt Bắc, Giáo sư Tôn Thất Tùng là một trong 3 người (cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ và Giáo sư Hồ Đắc Di) sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến.
Khi bước vào chuẩn bị cho các hoạt động quân sự năm 1954, Bộ y tế và Bộ Quốc phòng đã huy động các sinh viên Y khoa phục vụ cho các chiến trường phía Tây Bắc; đa số được tăng cường phục vụ trực tiếp tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Bước vào chiến dịch, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế - giảng viên Trường đại học Y, được Bộ Quốc phòng mời tham gia trực tiếp vào việc cứu chữa thương binh tại Mặt trận trên cương vị cố vấn ngoại khoa của Bộ Quốc phòng. Ông trực tiếp công tác ở Đội điều trị 1, chuyên xử lý các vết thương ở đầu và sọ não, là những loại vết thương nguy hiểm nhất. Sự tham gia trực tiếp của bác sĩ Tôn Thất Tùng vào việc cứu chữa các vết thương sọ não ngay tại Mặt trận là hướng đi mới, mở đầu cho việc tổ chức cứu chữa chuyên khoa ngay tại tuyến quân y chiến dịch. Rất nhiều thương bệnh binh tại các chiến trường đã được ông và đồng nghiệp điều trị khỏi vết thương để tiếp tục chiến đấu và lao động, góp công sức của mình cho kháng chiến.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội ta phải chiến đấu trong hầm hào, sau mỗi trận mưa hầm hào ngập đầy bùn, do đó nhiều vết thương bị nhiễm trùng nặng. Thêm vào đó, ở Tây Bắc có loại ruồi vàng hay đậu vào các vết thương nên các vết thương phần mềm càng nặng hơn, thậm chí còn có cả dòi gây đau đớn cho thương binh. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã cho dùng quinacrin hòa tan với nước để rửa các vết thương có dòi. Kết quả thật bất ngờ, các vết thương đều sạch dòi. Sáng kiến này được phổ biến cho Quân y toàn mặt trận để xử lý các vết thương có dòi.
Khó mà nói hết được những đóng góp to lớn của thầy và trò Trường đại học Y khi đó nói chung và của Giáo sư Tôn Thất Tùng nói riêng vào việc chăm sóc sức khỏe bộ đội, dân công cũng như cứu chữa thương bệnh binh tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Trong chiến đấu ác liệt và gian khổ ở chiến trường, ai cũng trưởng thành hơn. Nhiều người sau này trở thành những hạt nhân nòng cốt trong ngành Y..
Ghi nhận những đóng góp của Giáo sư Tôn Thất Tùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau ngày chiến thắng, Hồ Chủ tịch đã tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất cho ông và cho bác sĩ Vũ Đình Tụng.
Sau ngày miền Bắc được giải phóng, ông là người có công lớn xây dựng Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội - Tuyến ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam. Ông trở thành một nhà ngoại khoa giỏi nổi tiếng, một giáo sư đầu ngành với nhiều phương pháp điều trị bệnh của ông được áp dụng trong thực tiễn; đặc biệt là “Phương pháp phẫu thuật gan Tôn Thất Tùng” không chỉ áp dụng ở trong nước mà cả ở nước ngoài cũng áp dụng nhiều.
4. Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Quê gốc ở làng An Cựu, ngoại thành Kinh đô Huế, nhưng Đặng Văn Ngữ lại tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1937. Qua nhiều cương vị chuyên môn khác nhau, tới năm 1943 ông du học tại Nhật Bản. Năm 1949 ông Đặng Văn Ngữ về nước và hăng hái lên Chiến khu Việt Bắc tham gia ngay vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Ông trở thành giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng Đại học Y khoa khi đó sơ tán lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang); là một trong ba người (cùng với các Giáo sư Hồ Đắc Di và Giáo sư Tôn Thất Tùng) sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc. Trong suốt thời gian làm việc tại Chiến khu Việt Bắc, bất chấp mọi khó khăn, thiếu thốn, ông vẫn vừa tổ chức điều trị bệnh vừa tích cực tổ chức và trực tiếp nghiên cứu về thuốc phục vụ cho điều trị vết thương của thương binh ở chiến trường Điện Biên Phủ. Bằng nỗ lực rất lớn của mình, ông đã nghiên cứu thành công cách sản xuất thuốc nước Penicillin mà ta đang rất cần và rất thiếu lúc đó để điều trị vết thương, chống nhiễm khuẩn cho thương binh chiến đấu tại các chiến trường, đặc biệt là tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau này, Giáo sư Đặng Văn Ngữ còn tập trung nghiên cứu cách phòng chống và điều trị bệnh sốt rét tại Việt Nam, vốn là một bệnh do ký sinh trùng gây nên, từng gây rất nhiều khó khăn và cướp đi nhiều sinh mạng của bộ đội, TNXP trong các chiến trường nơi rừng núi... Những đóng góp của Giáo sư Đặng Văn Ngữ cho ngành Y nói chung và cho công cuộc kháng chiến nói riêng, thật đáng trân trọng.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Y học.
5. Giáo sư Đặng Văn Chung
Sinh ra và lớn lên tại Sa Đéc - Đồng Tháp, Giáo sư Đặng Văn Chung thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Đông Dương. Năm 1937, ông thi đỗ trong kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai và gắn bó với cơ sở chữa bệnh lớn này.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), Giáo sư Đặng Văn Chung đã lên chiến khu và cùng các đồng nghiệp xây dựng Trường Y giữa núi rừng Việt Bắc trong điều kiện kháng chiến đầy gian khổ, khó khăn. Cuộc sống nơi rừng núi một thời lấy rừng làm nhà, lấy lá rừng làm thuốc ấy đã không khiến ông và các đồng nghiệp của mình nản chí. Tất cả cho kháng chiến thắng lợi. Cùng với nhiệm vụ lớn có tính lâu dài là đào tạo các y, bác sĩ, việc chữa bệnh, cứu chữa thương bệnh binh hàng ngày cũng là một nhiệm vụ cấp thiết hàng ngày mà ông và đồng nghiệp tập trung thực hiện;, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và của công cuộc kháng chiến nói chung. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông và các cán bộ ngành Y đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Sau này, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Giáo sư Đặng Văn Chung là người đặt nền móng xây dựng các chuyên khoa hệ nội của Bệnh viện Bạch Mai, cũng như các bộ môn hệ nội của trường Đại học Y Hà Nội... Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.
6. Giáo sư Lê Văn Thiêm
Quê hương của nhà Toán học Lê Văn Thiêm ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Du học tại Pháp, ông vinh dự là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Quốc gia về Toán (1948) tại Pháp; cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán tại một trường Đại học ở Châu Âu (Đại học Zurich - Thụy Sĩ).
Ngay sau khi trở về nước, năm 1950 Giáo sư Lê Văn Thiêm đã có mặt tại Chiến khu Việt Bắc với trọng trách là thành lập trường Khoa học cơ bản và trường Sư phạm cao cấp, đồng thời làm Hiệu trưởng của hai trường này trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Những cống hiến của GS.TS Lê Văn Thiêm từ những năm tháng ấy đã góp phần đào tạo nhiều lớp cán bộ có trình độ, có kiến thức phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Thời gian làm việc tại Chiến khu Việt Bắc đã để lại cho ông những kỷ niệm sâu sắc, những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời phục vụ cách mạng của mình...
Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh với “Cụm công trình nghiên cứu cơ bản về Toán học lý thuyết và những bài toán về ứng dụng”.
7. Bác sĩ Hoàng Tích Trí
Năm 1932, chàng thành niên Hoàng Tích Trí tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pháp. Về nước ngay sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Viện Pasteur Hà Nội (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), tham gia nghiên cứu điều trị các bệnh sốt rét, thương hàn, giang mai, dại...vốn là những bệnh khá phổ biến ở Việt Nam khi đó.
Tháng 11/1946 bác sĩ Hoàng Tích Trí được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông theo đoàn quân cách mạng lên chiến khu Việt Bắc. Trong những năm đó, ông cùng Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng mạng lưới y tế nhân dân, phối hợp với quân y tham gia cấp cứu thương bệnh binh và phòng dịch ngoài mặt trận... Đặc biệt, đối với các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới năm 1947, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông luôn dành mọi điều kiện cao nhất để phục vụ bộ đội trực tiếp chiến đấu...
Bác sĩ Hoàng Tích Trí cũng là người trực tiếp chỉ đạo Viện Vi trùng học nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin phòng các dịch bệnh như thương hàn, tả, đậu mùa... Những cống hiến của bác sĩ Hoàng Tích Trí đã góp phần vào công tác cứu chữa thương bệnh binh và phòng dịch bệnh ở chiến khu và tại mặt trận Điện Biên Phủ..
Ghi nhận những đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý; ông cũng là một trong số 12 giáo sư chính thức đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội.
8. Bác sĩ Vũ Đình Tụng
Bác sĩ Vũ Đình Tụng sinh năm 1895 tại Vụ Bản, tỉnh Nam Định, sống và làm việc tại Hà Nội. Hồi trẻ ông học tại trường Bưởi, rồi học trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Khi tốt nghiệp ông làm Giám đốc dưỡng đường và Trưởng khoa giải phẫu thuộc phân khoa hỗn hợp Y Dược, chuyên gia phẫu thuật tại Bệnh viện Thuộc địa (Hà Nội).
Ông từng là hội viên Viện nghiên cứu nhân trắc học, cộng tác viên Học viện phẫu thuật và các tạp chí khoa học Pháp Việt...Ông là tác giả của nhiều chuyên đề y học.
Khi thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, ông tản cư ra vùng tự do tham gia kháng chiến suốt 8 năm (1947-1954). Năm 1948, ông cùng với Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Hồ Đắc Di tổ chức, giảng dạy tại Đại học Y khoa kháng chiến tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang (Việt Bắc). Từ năm 1947 đến năm 1959, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hai người con trai của ông là Vũ Chí Thành và Vũ Đình Tín đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Khi biết tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chia buồn đến gia đình ông. Đọc thư của Bác, ông và gia đình vô cùng xúc động. Ông kể lại rằng: “Đọc xong thư, tôi thấy bàng hoàng. Bác bận trăm công nghìn việc, thế mà bác vẫn nghĩ đến tôi, một gia đình có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác. Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác Hồ đối với cả dân tộc. Tôi tự nhủ mình sẽ phải làm tốt công việc để xứng đáng với sự hy sinh của các con và khỏi phụ lòng Bác...”.
Ngay sau sự việc đó, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã đi theo Bác Hồ lên Chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến. Tại đây, ông đã làm việc với tất cả khả năng và nhiệt huyết của mình bất chấp mọi gian khổ, khó khăn. Cùng với những trí thức khác, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã đóng góp công sức của mình cho ngày toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ và của cuộc kháng chiến 9 năm đầy gian khổ hy sinh và cũng thật hào hùng, oanh liệt.
Ông còn tham gia nhiều hoạt động chính trị, xã hội, là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Việt kiều Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Bác sĩ Vũ Đình Tụng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
9. Kỹ sư Nguyễn Đông Hợi (Thân phụ của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)
Là một kỹ sư cầu cống do Pháp đào tạo, làm việc trong công sở của Pháp ở Campuchia và nhiều nơi khác ở vùng Nam Bộ với mức lương khá, nhưng cụ vẫn từ bỏ cuộc sống an nhàn đó để tham gia các hoạt động cách mạng dẫu rằng gian khổ, khó khăn và cả sự hy sinh là thực tế cụ và gia đình luôn phải đối mặt.
Cụ là Nguyễn Đông Hợi sinh năm 1900, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (là người con rể thứ hai của nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh). Thân phụ cụ Hợi cũng là một nghĩa sĩ Cần Vương. Các con cụ đều tham gia công tác cách mạng, trong đó có một người rất nổi tiếng là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Khi còn trẻ tuổi, cụ học rất giỏi, lại chăm rèn luyện nên khi trưởng thành và tham gia công việc xã hội, cụ là người có tri thức uyên bác. Cụ có 7 người con, trong đó bà Nguyễn Thị Bình là con đầu. Một thời gian cụ đưa gia đình qua Campuchia sinh sống và làm việc. Ngay tại đó, cụ cũng hăng hái tham gia hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước.
Năm 1945, cụ Hợi đưa cả nhà về lại Việt Nam và vào chiến khu D tham gia kháng chiến cùng đồng chí, đồng bào. Đó là những năm tháng đặc biệt ý nghĩa đối với gia đình cụ. Tại đây, cụ được giao nhiệm vụ Trưởng Ban công binh Nam bộ, đơn vị chuyên sản xuất vũ khi cho bộ đội ta đánh giặc...Với những đóng góp tích cực cho kháng chiến và một lòng theo cách mạng, theo Đảng, năm 1947 kỹ sư Nguyễn Đông Hợi được kết nạp vào Đảng.
Đặc biệt, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang gấp rút được chuẩn bị, Tổ chức đã quyết định đưa cụ Hợi ra Bắc và lên Việt Bắc phục vụ cho chiến dịch quan trọng này. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy không trực tiếp ra trận mà hoạt động ở hậu cứ, nhưng kỹ sư Nguyễn Đông Hợi là một trong những người tích cực tham gia chế tạo bom mìn phục vụ cho các trận đánh của quân ta; cụ còn tham gia làm cố vấn trong việc đào hầm hào công sự trên trận địa... Những đóng góp của Kỹ sư Nguyễn Đông Hợi cho chiến dịch đã hòa vào những thành tích chung của quân và dân ta, của đội ngũ trí thức, góp phần làm nên chiến thắng có ý nghĩa lịch sử.
10. Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên
Ông sinh năm 1929 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội trong một gia đình trí thức cách mạng. Thân phụ ông là Giáo sư Hoàng Tích Trí (1903 - 1958), nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Trong những năm diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là một sinh viên Y khoa, rồi trở thành một cán bộ trẻ của ngành Y, cùng với nhiều người khác, ông hăng hái tham gia công tác trong các đơn vị quân y ngoài mặt trận, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ. Không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, ông bám sát chiến trường, trực tiếp điều trị cho bộ đội bị thương và đau ốm, góp phần giảm bớt những mất mát hy sinh cho chiến sĩ ta trong cuộc chiến đấu....
Năm 1955, sau khi tốt nghiệp bác sĩ Y khoa, ông làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và giữ cương vị Viện trưởng nhiều năm liền. Ông được cấp bằng Tiến sĩ năm 1958, bằng Tiến sĩ khoa học năm 1962, được công nhận Giáo sư năm 1980... Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động.
BBT/Vusta.vn