Kiếm bạc triệu qua màn hình điện thoại
Đầu giờ chiều, người dân ở làng nông thôn tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) không khỏi phì cười, khi lại chứng kiến cảnh Liu Jinyin (30 tuổi) cầm chiếc điện thoại chạy quanh những cánh đồng, rặng tre, đàn gia súc và hò hét, "nói nhảm".
Nhanh chóng, điện thoại của anh "bùng nổ" với các biểu tượng hoa, ly bia,… Mỗi biểu tượng trị giá vài xu, được quyên góp từ chính những người ở khắp Trung Quốc, trong số 731 triệu người đang xem anh phát trực tiếp.
|
Nông dân Liu Jinyin trong buổi phát trực tiếp cho người xem từ khắp Trung Quốc (Ảnh: NPR). |
Tờ NPR viết, đây là con số tương đương với quy mô dân số ở Mỹ. Mỗi ngày, Liu phát video trực tiếp về cuộc sống của mình ở vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên cho gần 200.000 người đăng ký theo dõi. Đây là những người sẵn sàng trả cho anh số tiền tương đương 15.000 đô la/tháng, dưới dạng quà tặng ảo.
Liu là thanh niên duy nhất trong ngôi làng 160 tuổi của anh ở Luzhou, cũng là người có thu nhập cao nhất trong làng tại thời điểm đó. Đôi lúc, Liu có thể kiếm được 80.000 nhân dân tệ (khoảng 261 triệu đồng) từ việc phát video trực tiếp. Đây là mức thu nhập cao gấp 20 lần mức lương khi anh còn làm ở xưởng kính.
Tờ The world of Chinese viết, 7 năm trước, cư dân ở ngôi làng Atulie'er (Trung Quốc) chỉ có thể kết nối với thế giới Internet tại một tiệm cà phê cách đó đến 70 km. Trong làng không có mạng di động phủ sóng và chỉ có các thành viên của Ủy ban làng mới có điện thoại.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, hơn 180 người trong một ngôi làng 500 cư dân đã tạo tài khoản trên các nền tảng phát trực tiếp Douyin và Kuaishou. Họ lấy tên là "Cliff Village" (làng vách đá) trong tên người dùng của họ. Từ đó, mỗi người dân đều có thể cho cả thế giới thấy cuộc sống của ở độ cao 2.500 mét so với mực nước biển, tại vùng núi của quận tự trị Liangshan Yi.
|
Mose Labo bắt đầu phát trực tiếp về cuộc sống ở làng vách núi, giúp nơi này trở nên nổi tiếng. Người trong làng cũng từ đó kiếm được nhiều tiền hơn (Ảnh chụp màn hình: M.L.). |
Năm 2016, ngôi làng này bỗng trở nên nổi tiếng khi đoạn clip 15 đứa trẻ đến trường bằng thang làm bằng dây leo. Ba lô của chúng được buộc vào nhau bằng dây thừng để đảm bảo an toàn khi leo lên vách đá dựng đứng. Đoạn video đã gây sốc cho hàng triệu người xem, ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhanh chóng, "làng vách đá" đã trở thành mục tiêu tiêu biểu trong chiến dịch xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc. Năm 2016, thị trấn đã được xây dựng một chiếc thang thép để thay thế chiếc thang làm bằng dây leo. Một năm tiếp đó, thị trấn cũng đã dựng lên được một tháp tiếp phát sóng di động.
Từ đây, sự xuất hiện của các kênh vật lý và kỹ thuật số đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cả làng. Ngay khi tháp di động hoàn thành, Mose Labo (22 tuổi, thành viên đội xây dựng bậc thang) đã mua một chiếc điện thoại thông minh và học cách đăng tải video.
Labo bắt đầu quay những cảnh quay "bất chấp trọng lực" về việc nhảy qua lan can thép và đi bộ qua những cây cầu treo. Những đoạn clip nhanh chóng thu hút được 126.000 người xem sau 5 tháng. Với một video, anh có thể kiếm được khoảng 1,6 triệu đồng từ người hâm mộ. Trong khi trước đó, mỗi tháng anh kiếm được chưa tới 3,3 triệu đồng.
Từ Labo, có thêm nhiều người dân trong làng cũng bắt đầu phát trực tiếp qua điện thoại. Bạn của anh, Mose Subure đã quảng cáo các sản phẩm nông nghiệp, giúp dân làng bán quả óc chó và các sản phẩm khác. Chen Guji, một người thu mua mật ong rừng 39 tuổi, đã bắt đầu phát trực tiếp vào năm 2018. Chen cũng đã kiếm được hơn 24 triệu đồng trong năm đầu tiên.
Thay đổi để thích nghi
Nhìn thấy tiềm năng đó, các công ty truyền thông, công nghệ điện tử cũng đã nhắm đến những đối tượng nông dân để giúp họ làm giàu bằng các ứng dụng phát trực tiếp.
Theo tờ UB Trivium, Tổng Giám đốc Bộ phận nội dung Thương mại điện tử của Taobao, Wen Zhong đã thông báo việc phát thảo "Kế hoạch phát triển làng Huanqiu Tech" đầy tham vọng. Kế hoạch này hứa hẹn sẽ biến các nông dân, tiểu thương ở Trung Quốc thành một nhóm người có khả năng sáng tạo nội dung.
|
Taobao lên kế hoạch giúp những người nông dân thoát nghèo bằng cách đưa họ lên "sàn" phát trực tiếp (Ảnh: Alizila). |
"Taobao sẽ đào tạo 1.000 người dẫn chương trình phát trực tiếp từ khắp 100 quận nông thôn, để giúp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi hi vọng rằng tính năng phát trực tiếp trên Taobao có thể giúp cho những người ở nông thôn dựa vào khả năng của mình để đạt được sự giàu có", vị giám đốc nói.
Từ đó, những sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ đến tay người tiêu dùng một cách sinh động, trực quan hơn. "Phát trực tiếp là con đường xóa đói giảm nghèo thông qua công nghệ nhanh nhất", vị giám đốc nói.
Trong tương lai, bộ phận từ thiện của Alibaba sẽ không chỉ cử những nhân viên xuất sắc đến các vùng nông thôn mà còn hợp tác với Taobao Livestreaming để nuôi dưỡng tài năng nông nghiệp kỹ thuật số.
Tờ Panda daily viết, hơn 10.000 phát, bán hàng trực tiếp ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã tham gia Lễ hội thu hoạch phát trực tiếp, kéo dài một tuần do tập đoàn Alibaba và Taobao Live tổ chức. Sự kiện này đã thu hút không chỉ những người có ảnh hưởng hàng đầu từ Taobao, mà còn cả những người phát trực tiếp trong làng bán sản phẩm. Trong đó, các mặt hàng bán chạy phải kể đến táo Tàu mùa đông, kiwi, lựu và mận.
|
Nhờ những đoạn clip phát trực tiếp trên mạng xã hội, không ít nông dân đạt được thu nhập cao nhất trước giờ họ từng có (Ảnh: Alizila). |
Tại Trung Quốc, phát trực tiếp là công cụ rất phổ biến để người bán tăng doanh số bán hàng. Kể từ tháng 9/2022, hơn 200.000 sự kiện phát trực tiếp đã được thực hiện trên Taobao để giúp những nông dân, tiểu thương thiếu kênh bán hàng. Qua đó, nó đã thu hút hơn 700 triệu lượt xem từ người tiêu dùng, tạo ra 4 triệu đơn hàng.
Ngoài ra, phải kể đến lễ hội thu hoạch được tổ chức ngày 23/9/2022. Trong đó, 390.000 chai tương ớt Fan Si Shu từ Yongshu (tỉnh Hồ Nam), tương đương 255 tấn ớt; 10 tấn hạt dẻ từ huyện Qinglong (tỉnh Hà Bắc), tương đương sản lượng của 700 cây hạt dẻ được bán hết.
Theo báo cáo trách nhiệm xã hội 2020-2021 của Alibaba, kể từ khi ra mắt chương trình người phát trực tiếp ở nông thôn vào tháng 3/2019, hơn 110.000 người tổ chức đã thực hiện 3,3 triệu sự kiện phát trực tiếp trên Taobao. Điều đó mang lại doanh thu 15 tỷ nhân dân tệ (2,08 tỷ USD) cho các sản phẩm nông nghiệp.
Tại Việt Nam, không ít chủ shop thời trang cũng đang "đau đầu" vì tình hình kinh doanh trở nên khó khăn. Giám đốc nghiên cứu thị trường Công ty Macromill Việt Nam Phạm Anh Tuấn nhận định, những shop thời trang hiện nay đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các kênh kinh doanh online (Shopee, Lazada, Zalo, Facebook, Tiktok,…).
Cụ thể, các shop online thường có lợi thế về mặt giá cả vì không phải chịu chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân viên… Nhờ vào nền tảng kỹ thuật, công nghệ, họ có thể tối đa mức độ phổ biến, tiếp cận người tiêu dùng, tăng khả năng nhận diện khách hàng quen để cung cấp trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, người bán hàng trực tuyến cũng có thể xoay vòng mẫu mã nhanh từ nhiều nguồn khác nhau.
"Dần dần, thị trường online (mua bán trực tuyến) sẽ chiếm lĩnh. Các tiểu thương bán trực tiếp tại cửa hàng sẽ thu hẹp quy mô và giảm bớt, chuyển dần sang mô hình online hoặc online-to-offline (thu hút khách đến cửa hàng thông qua kênh trực tuyến). Chỉ còn lại các chuỗi cửa hàng thời trang lớn sẽ dần chiếm lĩnh các mặt bằng", vị chuyên gia nói.
Theo Nguyễn Vy/Dân trí