Từ đầu thập niên 1970, Chủ tịch CHDCND
Triều Tiên Kim Nhật Thành được cho là đã ra lệnh mỗi sư đoàn đóng dọc khu phi quân sự liên Triều (DMZ) phải đào ít nhất 2 đường hầm sang Hàn Quốc.
Di chuyển 30.000 binh sĩ/giờ
Theo chuyên trang an ninh Globalsecurity.org, vào ngày 15.11.1974, trong lúc tuần tra ở phía tây DMZ, binh sĩ Hàn-Mỹ thấy hơi bốc lên từ mặt đất. Đây là dấu hiệu cho thấy có đường hầm dưới lòng đất. Giới chức miền Nam lập tức cho khoan xuống khu vực này và phát hiện có đường hầm cách mặt đất khoảng 45 m, rộng 1,2 m và cao 0,9 m, đủ lớn cho một trung đoàn và pháo hạng nặng di chuyển mỗi giờ. Đường hầm này dài 3.500 m với 1.000 m nằm ở phía nam Giới tuyến quân sự (MDL) giữa hai miền và khi bị phát hiện thì bên trong đã được lắp nhiều bóng đèn, dây điện, đường ray xe lửa... Nó chỉ cách Seoul 65 km.
|
Bản đồ vị trí 4 đường hầm của Triều Tiên - Ảnh: Learnlearn.net |
Đến ngày 19.3.1975, đường hầm thứ hai ở DMZ bị phát hiện theo lời khai của ông Kim Bu-sung, một cựu quan chức thuộc Ban Liên lạc của đảng Lao động Triều Tiên. Ông này từng tham gia xây dựng đường hầm rồi đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 1974. Đường hầm thứ hai có hình vòm, xuyên qua đá, cách mặt đất 50-160 m, rộng 2 m, cao 2 m, dài 3.500 m, trong đó có 1.100 m nằm ở phía nam MDL. Nó có 3 lối ra và đủ rộng để khoảng 3.000 binh sĩ cùng pháo và xe tăng di chuyển mỗi giờ. Đường hầm này cách Seoul 101 km.
Cũng theo lời khai của ông Kim Bu-sung, miền Nam phát hiện đường hầm thứ 3 vào ngày 17.10.1978. Nó có kích thước và hình vòm giống đường hầm thứ hai, cũng xuyên qua đá, nằm cách mặt đất 73 m, dài 1.635 m, trong đó có 435 m nằm ở phía nam MDL và chỉ cách Seoul 44 km. Theo Globalsecurity.org, Triều Tiên dự kiến xây dựng 5 lối ra cho đường hầm này, cho phép 30.000 binh sĩ di chuyển mỗi giờ. Đường hầm thứ tư được phát hiện vào ngày 3.3.1990 và cũng có hình vòng cung xuyên qua đá, nằm sâu 145 m dưới lòng đất và dài 2.052 m, trong đó có 1.052 m nằm phía nam MDL. Đường hầm thứ tư cách Seoul 203 km, cũng cho phép 30.000 binh sĩ di chuyển mỗi giờ.
Đến nay, Hàn Quốc đã mở cửa 2 trong số 4 đường hầm trên để du khách tham quan. Trong khi đó,
Bình Nhưỡng chỉ thừa nhận sự tồn tại của đường hầm thứ tư. Ngày 9.3.1990, Triều Tiên tuyên bố việc đào đường hầm này nhằm “tái thống nhất hòa bình”, theo Globalsecurity.org.
Dân Hàn lo ngại
Từ năm 1990 đến nay, miền Nam chưa phát hiện thêm một đường hầm tương tự nào.
Hồi tháng 5.2012, Chỉ huy Lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ ở Hàn Quốc Neil H.Tolley cho rằng Triều Tiên có thể đã xây hàng ngàn đường hầm và căn cứ quân sự ngầm. Báo The New York Times dẫn lời giới chức quân sự Mỹ nhận định dù không chắc Triều Tiên đào đường hầm ở đâu nhưng họ tin rằng chúng chỉ giới hạn ở miền Bắc.
Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn lo ngại Triều Tiên đang xây nhiều đường hầm dưới lòng đất miền Nam và sẽ dùng để đánh úp. Xuất phát từ lo ngại này, một số người dân miền Nam đang tự đứng ra thành lập nhóm chuyên săn tìm các đường hầm của miền Bắc.
The New York Times dẫn lời ông Kim Jin-cheul, 47 tuổi và thuộc nhóm người trên, tin rằng binh sĩ Triều Tiên đang đào nhiều đường hầm mở rộng tới tận Seoul. Ông Kim Jin-cheul bày tỏ nỗi lo sợ: “Hãy tưởng tượng các binh sĩ Triều Tiên bất ngờ chui lên và bắt cả thành phố này làm con tin”. Tương tự, ông Lee Jong-chang, 78 tuổi, cho biết: “Tôi làm công việc này (săn đường hầm - NV) để không bị tấn công”.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Theo Thanh niên