Sau khi Nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà, từ cửa ngõ sân bay cho tới từng ngõ ngách, hàng quán, nhà hàng, khách sạn ... đâu đâu cũng phủ một màu đen, thậm chí dân không cười nói, không selfie.
Sau 2 tiếng đồng hồ bay, máy bay chúng tôi đáp xuống phi trường Suvarnabhumi (Bangkok). Ngay tại cửa khẩu làm hải quan, toàn bộ màn hình đều chuyển màu đen với hình ảnh của Nhà vua Bhumibol Adulyadej và những dòng thông báo rằng Nhà vua đã tạ thế.
|
Màn hình tại cửa khẩu thông báo Quốc vương Bhumibol băng hà. Ảnh Ngọc Thọ. |
Thủ tục thông quan diễn ra khá nhanh chóng khi tôi chỉ cần phải nhìn thẳng vào một cái “mắt thần” để quét võng mạc và nhận lại hộ chiếu đã được cộp dấu. Suốt quãng đường dài từ ga đến cho tới nơi lấy hành lý, tôi đã ngỡ ngàng khi toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay đều mặc quần đen, áo đen, thậm chí phụ kiện cũng màu đen.
|
Anh Yingsawad người đón đoàn chúng tôi từ sân bay. |
Đón chúng tôi tại sân bay với tấm biển ghi họ tên từng người vừa đủ để nhìn rõ, anh Yingsawad - một cán bộ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), làm việc cho văn phòng chính của FAO đóng tại Bangkok (Thái Lan) rất giỏi tiếng Anh. Yingsawad nói anh là người Thái Lan và như những người Thái khác, Yingsawad mặc quần đen, áo đen và đi giày đen.
Chỉ có điều khác, trên cánh tay trái của anh còn đeo một tấm băng màu đen. Sau khi chia sẻ với những mất mát của Yingsawad và người dân Thái Lan, tôi hỏi anh: Dải băng đen này là gì? Yingsawad đáp: Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người được chúng tôi rất kính trọng, xem như cha mẹ, cả cuộc đời ngài đã làm rất nhiều việc cho người dân và quốc gia này, lẽ thường khi người “cha” mất, chúng tôi để tang là đúng rồi.
|
Nhân viên hãng di động AIS với nét mặt đượm buồn. Ảnh Ngọc Thọ. |
Trên đường ra xe đón, tôi có đề nghị Yingsawad đứng đợi tôi đi đổi một ít tiền Bath, Yingsawad rất kiên nhẫn đứng trông đồ. Tại quầy đổi tiền, tất cả nhân viên cũng đều mặc đồ màu đen. Và cửa hàng mạng di động bán sim 4G liền kế bên, những nhân viên ngồi ngay ngắn với đồng phục màu đen nhanh chóng hướng dẫn du khách xếp hàng tuần tự và chuyển đổi sim cho các khách nước ngoài. Nữ nhân viên nhà mạng AIS hỗ trợ chúng tôi tháo lắp, chuyển đổi từ sim Việt Nam sang Thái Lan cỡ chừng 30 tuổi.
Hằn lên trên khuôn mặt của chị là sự mệt mỏi và buồn bã trông thấy rõ. Một mình cùng lúc thao tác 3 chiếc máy điện thoại, chỉ sau chừng chưa đầy 1 phút, việc tháo lắp sim và cài đặt cho nhà mạng đã xong. Sau khi thanh toán tiền, nữ nhân viên mỉm cười nói lời cảm ơn đại ý rằng nếu chưa có điều gì hài lòng xin được lượng thứ.
Tôi đã nghe đâu đó câu nói của người Thái rằng họ là vương quốc của nụ cười. Thế nhưng, những ngày này, tôi có cảm nhận những nụ cười đó đã tê tái đi rất nhiều trước sự ra đi của vị Vua rất mực được tôn kính ở xứ sở này
Yingsawad nói: Chúng tôi dù là dân thường hay quan chức Chính phủ đều xem Quốc vương Bhumibol như cha mẹ. Dẫu biết “sinh lão bệnh tử” là điều không ai tránh khỏi thế nhưng chúng tôi đã quen với sự trị vì và hiện diện của người ở bên cạnh. Không có người, chúng tôi làm sao có thể được như bây giờ. Sự ra đi của người là cú sốc quá lớn đối với mỗi người dân Thái Lan.
|
Người lái xe đón chúng tôi tại phi trường. Ảnh Ngọc Thọ. |
Người lái xe đón chúng tôi cũng mặc đồ đen nhanh nhẹn giúp chúng tôi đưa đồ lên xe để kịp về khách sạn. Ngồi trên xe nhìn qua lớp cửa kính, tôi thấy rõ hầu hết tài xế từ taxi, xe con, xe tải đều vận đồ đen.
Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi đã thấy những cửa hàng đóng cửa sớm hơn. Số cửa hàng còn lại thì giảm bớt ánh sáng và đường phố Bangkok ngoài âm thanh của còi tàu xe thì gần như không hề có tiếng nhạc. Với những du khách nước ngoài đến với Thái Lan nhiều lần, những ngày này, người Thái Lan trầm lặng hơn.
|
Màn hình tại trung tâm Bangkok đều chuyển sang màu đen. Ảnh Ngọc Thọ. |
Nhìn qua cửa kính, tôi thấy rõ nhiều quãng đường từ sân bay về tới khách sạn, tại nhiều cơ quan, trường học, những dải băng trắng dài hàng trăm mét được người dân Thái Lan kết lại để bày tỏ sự mất mát to lớn trước sự ra đi của Nhà vua.
|
Những dải băng trắng kéo dài thể hiện sự đau thương của dân tộc này. Ngọc Thọ. |
“Nhiều biển quảng cáo đã được tắt đèn, một số biển quảng cáo khác mang tính giải trí thì được tháo xuống, những màn hình đen với hình ảnh của quốc vương được trình chiếu như bạn thấy đấy, chưa bao giờ nước Thái Lan, người Thái Lan buồn như thế này” - người lái xe đưa đón chúng tôi nói.
Một chiếc xe tuk tuk vượt xe của chúng tôi với những người ngồi trên xe cũng toàn mặc đồ đen. Chỉ có điều khác lạ với ngày thường, những chiếc xe đó cắm theo một chiếc cờ trắng - một chỉ dấu cho thấy họ đang trong những ngày mất mát, đau thương nhất.
Khách sạn mà đoàn chúng tôi được đặt sẵn có vị trí khá thuận lợi cho việc đi lại. Xe vừa đỗ vào sân khách sạn thì những nhân viên cũng trong trang phục đen đứng đợi sẵn ở sân để chờ bê đồ cho khách.
Hai màn hình máy tính Apple ngay khu vực chờ của khách sạn cũng được thay màn hình chờ bằng hình ảnh Nhà vua và chuyển sang nền đen. Một nhân viên của khách sạn nói những điều đó không cần ai phải hướng dẫn cả mà mỗi người Thái Lan những ngày này đều ý thức rõ hơn về những hành động của mình trước sự ra đi của vị cha già của dân tộc. “Người Thái Lan đi nhẹ, nói khẽ và bớt đùa giỡn, cười cợt đi” - một nhân viên khác của khách sạn cho biết.
|
Màn hình máy tính tại phòng chờ của khách sạn treo nền đen cùng ảnh quốc vương. Ảnh Ngọc Thọ. |
Còn Pui - nhân viên của khách sạn nơi tôi ở cho tôi biết, anh chưa từng gặp Quốc vương nhưng cả gia đình anh đều xem người như ông, cha của mình vậy. Pui nói anh sẽ mặc đồ đen trong vòng 1 tháng và để tang nhà vua.
|
Hành khách ngồi đợi xe buýt cũng mặc toàn đồ đen. Ảnh Ngọc Thọ. |
Đối diện khách sạn chúng tôi ở có một quán mì Thái Lan khá ngon. Khách hàng của quán chủ yếu là thanh niên. Chủ quán cho biết, những ngày này, quán không bật loa đài. Tầm 30 phút ngồi tại quán, để tìm được một vị khách bước vào mà không mặc đồ đen có lẽ là quá khó. Trừ một vài vị khách Tây mặc đồ tối màu, gần như toàn bộ người Thái Lan đều chuyển sang vận đồ đen.
Đối diện với quán là bến xe buýt liên tục những chuyến xe chở kín hành khách tấp vào - những chuyến xe buýt với những hành khách cũng chỉ mặc đồ đen.
Tại khu coffee và ăn uống ngoài trời của khách sạn, tôi thấy những bạn trẻ Thái Lan sành điệu thay vì ngồi ở những nơi dễ được chú ý và nhìn thấy đã chọn cho mình những góc tĩnh lặng hơn và tất nhiên đều mặc đồ đen. Điều đặc biệt, suốt quãng đường hàng chục km từ sân bay về tới khách sạn, đi ăn, mua sắm một số vật dụng cần thiết... tôi chưa từng thấy một bạn trẻ Thái Lan nào chụp ảnh selfie tự sướng.
Mỗi người Thái Lan từ già tới trẻ, phụ nữ hay đàn ông đều có một cách thể hiện sự tiếc thương và kính trọng của mình đối với quốc vương. Gần như những ngày này, người Thái đang sống vì nhau, nhìn nhau nhiều hơn. Còn với tôi, ngày đầu tiên trong chuyến hành trình này ở Thái, điều tôi thấy rõ là nước Thái Lan, người Thái Lan chưa bao giờ buồn đến thế...
Theo Trần Ngọc Thọ/Dân Việt