Hong Kong trong ngày cuối cùng thuộc Anh 20 năm trước Ngày 30/6/1997, người dân Hong Kong đổ xô tới các bưu điện để có con dấu tem thư của ngày lịch sử, ngày cuối cùng thành phố của họ thuộc về nước Anh.
Trong ánh phản chiếu của những tấm gương đã mờ, chiếc bóng đổ từ quạt trần bên trên và bộ bàn ghế lưng cao vuông vắn, một quán trà đặc trưng của Hong Kong vào thế kỷ trước không khác gì những thước phim trong A Phi Chính Truyện hay Tâm Trạng Khi Yêu của đạo diễn Vương Gia Vệ.
Đó là những năm tháng người Hong Kong thường dùng bữa sáng với bánh dứa nướng, nui cùng thịt nguội và trứng, bánh sandwich kẹp thịt cùng trà sữa tại những quán ăn gọi là cha chaan teng, hoặc trà quán.
Thế nhưng, South China Morning Post (SCMP) cho biết những quán ăn từng một thời đi vào phim ảnh của người Hong Kong đang biến mất dần. Cùng với đó là các hiệu may, tiệm tạp hóa gia đình, tiệm cắt tóc, đánh giày, quán ăn ngoài trời, cửa hàng băng đĩa và bách hóa tổng hợp của Trung Quốc đại lục.
|
Một trà quán truyền thống trong phim Tâm Trạng Khi Yêu. Ảnh: SCMP. |
Giá mặt bằng 'trên trời'
Các cửa tiệm "vang bóng một thời" của Hong Kong đang bị thay thế bằng những chuỗi cà phê từ phương Tây, shop bán điện thoại, hiệu thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, trang sức. Tất nhiên, không thể thiếu các trung tâm thương mại.
Jimmy Pang, một nhà bình luận văn hóa và là người xuất bản sách, nói rằng có nhiều nguyên nhân đằng sau sự đi xuống này: công nghệ phát triển nhanh chóng, giá thuê mặt bằng tại Hong Kong quá cao, xu hướng tiêu dùng của những người nhập cư và du khách từ Trung Quốc đại lục, các gia đình không tìm được người tiếp quản việc kinh doanh và cả sự mất mát trong di sản của thành phố.
Trong khi đó, Danny Lau, Chủ tịch Danh dự Trọn đời của Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hong Kong, nói rằng giá thuê mặt bằng quá "khủng khiếp" đã khiến nhiều cửa hiệu nhỏ lẻ phải chuyển ra xa trung tâm, thậm chí đóng cửa.
SCMP dẫn số liệu của chính phủ Hong Kong cho biết giá thuê bằng mặt bán lẻ ở đảo Hong Kong, Cửu Long và Tân Giới vào năm 1998 lần lượt là 116 USD, 140 USD và 92 USD/m2. Đến năm 2016, giá mặt bằng tại các khu vực này lần lượt là 192 USD, 171 USD và 166 USD/m2.
"Cái giá phải trả là Hong Kong dần mất đi sự hấp dẫn của nó và không còn sự độc đáo nữa. Các cửa hàng tại Hong Kong đã bị chuẩn hóa, họ bán những mặt hàng tương tự nhau. Những cửa tiệm lưu giữ được văn hóa truyền thống của Hong Kong thì đóng cửa rồi", ông Lau nói.
|
Tiệm cắt tóc truyền thống nằm trong số những loại hình kinh doanh đang bị thu hẹp hoặc biến mất ở Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Người tiêu dùng giàu lên
Sự thờ ơ của người tiêu dùng cũng là một nguyên nhân quan trọng. Trong quá khứ, cửa hiệu bách hóa đại lục nổi tiếng ở Hong Kong nhờ các sản phẩm dệt may rẻ tiền nhưng "siêu bền". Người Hong Kong thích mua trữ các loại áo dạ, chăn bông để sử dụng cho chính mình hoặc gửi về cho người thân ở đại lục.
"Vào những ngày ấy, một chiếc áo choàng bông kiểu Trung Quốc sẽ giúp bạn chống chọi mùa đông của thập kỷ", ông Pang nói.
Những năm gần đây, du khách Trung Quốc kéo đến Hong Kong ngày càng nhiều với sức mua mạnh mẽ. Thế nhưng, người đại lục không hề cứu vãn sự ra đi của các cửa tiệm bách hóa đại lục.
"Du khách đại lục tôn sùng hàng hóa nước ngoài. Một khi đã có tiền và đến đây, dĩ nhiên họ sẽ tìm kiếm những thứ không dễ kiếm ở đại lục. Họ còn nghĩ hàng trong các cửa hàng bách hóa Trung Quốc là lỗi thời", Pang nhận định.
|
Những cảnh đánh giày kiểu cũ như này ngày càng hiếm ở Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Có ít nhất 4 cửa hàng bách hóa chuyên bán các sản phẩm từ Trung Quốc đã đóng cửa từ năm 2004 đến nay. Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã làm sụp đổ nhiều cửa tiệm bách hóa của Nhật Bản.
Trung tâm thương mại lớn liên tục mọc lên tại thành phố này trong khi các cửa hàng gia đình không còn đất sống.
Ông Lau nói rằng sự biến mất của các tiệm hàng hóa nhỏ sẽ khiến Hong Kong ngày càng bị thương mại hóa.
"Tất cả cảm giác ấm áp và nhân ái có với nhau theo những giao dịch kiểu cũ đã không còn. Giờ đây chúng ta có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng phải trả cái giá cao hơn", ông nói.
Cái chết của những cửa tiệm nửa thế kỷ
Các tiệm may truyền thống tại thành phố này cũng đứng trước tình cảnh khó khăn không kém. Vào thời hoàng kim, danh sách khách hàng của các tiệm may Hong Kong bao gồm cả Nữ hoàng Anh Elizabeth II, "Vua nhạc Pop" Michael Jackson và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Thế nhưng, sự đóng cửa của hiệu may 79 năm tuổi Yee On Tai Tailor and Woollen vào năm 2016 đã đánh dấu sự đi xuống của ngành này. Yee On Tai từng là một trong bốn tiệm may lớn nhất Hong Kong.
Cuối năm 2016, tiệm ăn Man Wah Cafe and Bakery tại Mong Kok cũng đóng cửa sau 40 năm hoạt động. Sự ra đi của Man Wah là ví dụ cho sự thoái trào của các trà quán truyền thống để nhường chỗ cho các loại hình kinh doanh ăn uống mới.
|
Một tiệm ăn ngoài trời ở Hong Kong. Ảnh: AFP. |
Người Hong Kong hiện tại có quá nhiều lựa chọn, họ có thể ăn sáng tại các quán cà phê như Starbucks và Pacific Coffee, hoặc tìm đến các cửa hàng đồ ăn nhanh như Maxim’s, McDonald’s hoặc Cafe de Coral.
Đối với các tiệm ăn ngoài trời, chính quyền Hong Kong chỉ cho phép người hôn phối thừa kế giấy phép hoạt động của các quán ăn này. Cuối cùng, khắp thành phố chỉ còn 26 quán ăn ngoài trời.
Những quán ăn được xem là một phần màu sắc, sự đa dạng và sức sống của thành phố, là nguồn cung cấp thức ăn với giá cả phải chăng đang đứng trước nguy cơ biến mất một khi không ai còn sống để thừa kế những giấy phép trên.
Theo Phương Thảo/ Zing News