Các ứng cử viên tổng thống Mỹ luôn hiểu rằng trong một cuộc bầu cử sít sao, bất kỳ tin tức lớn nào trong những tuần cuối cùng của chiến dịch đều có thể làm thay đổi cuộc đua vào tháng 11. Được gọi là “bất ngờ tháng 10”, những tin tức đó có thể là một vụ tiết lộ tai tiếng về một ứng cử viên, chiến tranh bùng nổ hoặc bất ổn kinh tế, hoặc thậm chí là tin giả do đối thủ chính trị tung ra.
Ngay từ cuộc bầu cử năm 1840, các cử tri Dân chủ ở New York ủng hộ Tổng thống Martin Van Buren đã đợi đến giữa tháng 10 để cáo buộc đảng Whig trả tiền cho người dân Pennsylvania để họ bỏ phiếu ở New York - khi đó là một tiểu bang dao động quan trọng.
Một quan chức đảng Whig đã thừa nhận về âm mưu này. Tuy nhiên, đó không phải là vụ bê bối chấn động đem lại kết quả như đảng Dân chủ kỳ vọng. Van Buren vẫn thua ở New York và thất cử.
“‘Bất ngờ tháng Mười’ nói lên rằng thời điểm cận kề cuộc bầu cử là lúc tin tức lớn có thể tác động đến mọi thứ. Sự thật là, cử tri đưa ra quyết định dựa trên sự kết hợp giữa ấn tượng, tính cách, lòng trung thành đảng mà họ ủng hộ, khuynh hướng tư tưởng, cũng như tin tức và các vấn đề. Không bao giờ dễ dàng để nói chính xác rằng điều này có tạo nên sự khác biệt hay không”, David Greenberg, một nhà báo và nhà sử học chính trị tại Đại học Rutgers cho biết.
Trong hơn 1 thể ký qua, đã có những điều “bất ngờ tháng Mười” làm đảo lộn bầu cử tổng thống Mỹ.
Lá thư Morey năm 1880
Người Trung Quốc nhập cư là một vấn đề nóng hổi vào những năm 1870. Chỉ trong một thập kỷ, hơn 120.000 nam giới trưởng thành và nam thiếu niên Trung Quốc đã đến Mỹ theo hợp đồng làm đường sắt. Các tiểu bang miền Tây nói riêng lo lắng về dòng lao động nước ngoài đổ vào và đảng Dân chủ kêu gọi ngăn chặn ngay lập tức làn sóng nhập cư của người Trung Quốc.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa James Garfield có lập trường thận trọng hơn, kêu gọi đàm phán với Trung Quốc và để Quốc hội xem xét những hạn chế hợp lý đối với người nhập cư Trung Quốc.
Nhưng chỉ 12 ngày trước cuộc bầu cử năm 1880, một lá thư bất ngờ xuất hiện. Lá thư được cho là do Garfield viết trên giấy viết thư của Hạ viện, trong đó ứng cử viên đảng Cộng hòa nói với một doanh nhân Massachusetts tên là H.L. Morey rằng “cá nhân và công ty có quyền thuê lao động ở nơi họ có thể thuê với giá rẻ nhất”. Nói cách khác, dòng người Trung Quốc nhập cư có lợi cho việc kinh doanh.
Đảng Dân chủ đã in 500.000 bản “lá thư Morey” (đặt theo tên người nhận) và phát chúng ở các tiểu bang cạnh tranh gay gắt như California.
Đảng Cộng hòa phản ứng khá chậm, nhưng sau đó đã cử một nhóm điều tra tư nhân truy tìm người nhận lá thư ở Massachusetts. Không có ai tên là H.L. Morey.
Garfield tuyên bố lá thư là giả mạo và công khai chữ viết tay của mình bên cạnh lá thư để chứng minh nó là giả.
Tuy nhiên, bức thư giả mạo đã gây ra thiệt hại thực sự, khiến Garfield phải trả giá bằng California. Mặc dù Garfield cuối cùng vẫn thắng cử với 214 phiếu đại cử tri so với 155 phiếu của đối thủ, nhưng ông chỉ thắng được 0,02 điểm phần trăm về số phiếu phổ thông.
FDR suýt mất trắng phiếu bầu của người da màu năm 1940
Cuộc bầu cử năm 1936 báo hiệu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với cử tri da màu. Trước năm 1936, cử tri da màu là những người ủng hộ trung thành của đảng Cộng hòa. Nhưng khi ngày càng nhiều người Mỹ gốc Phi di chuyển khỏi miền Nam đến các thành phố phía Bắc, họ đã gia nhập các nhóm chủng tộc thiểu số đấu tranh cho việc làm và điều kiện làm việc tốt hơn. Sau khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, cử tri da màu chuyển sang ủng hộ Franklin D. Roosevelt (FDR) của đảng Dân chủ và các chương trình New Deal của ông.
Ông Roosevelt giành được 71% số phiếu bầu của người da đen vào năm 1936 và ông hy vọng sẽ làm được điều tương tự vào năm 1940, nhưng dư luận đã thay đổi. Khi nước Mỹ chuẩn bị tham gia Thế chiến thứ II, người Mỹ da màu đã kinh hoàng khi thấy tình trạng phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ và Tổng thống Roosevelt đã không làm gì để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, đối thủ đảng Cộng hòa, Wendell Wilkie, là người đấu tranh mạnh mẽ cho quyền công dân.
Ngày 28/10, một vụ việc đáng chú ý xảy ra đã suýt khiến FDR mất trắng phiếu bầu của người da màu.
Sau khi vận động tranh cử ở Madison Square Garden, thành phố New York, ông Roosevelt rời đi để đến ga tàu. Trợ lý báo chí của ông, Stephen Early bị hai cảnh sát chặn lại. Trong cơn tức giận, Early đã xô xát với một trong những cảnh sát. James Sloan, viên cảnh sát phải nhập viện sau đó, là người da màu.
Hai ngày trước cuộc bầu cử, FDR đã cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách tuyên bố thành lập Tuskegee Airmen và thăng hàm cho Benjamin O. Davis Jr. từ đại tá lên chuẩn tướng, trở thành sĩ quan da màu đầu tiên lên được cấp bậc này.
FDR đã giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có và chỉ mất một tỷ lệ nhỏ phiếu bầu của người da màu.
‘Bất ngờ tháng Mười’ năm 1980
Năm 1980, khủng hoảng con tin Iran đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử tổng thống. Hơn 50 công dân Mỹ đã bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran mà không có giải pháp chính trị nào được đưa ra. Ngày bầu cử sẽ đánh dấu tròn một năm họ bị giam cầm.
Ronald Reagan đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ giải cứu con tin, điều mà chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, bên trong chiến dịch tranh cử của Reagan, ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng Tổng thống Jimmy Carter thực sự đã đảm bảo việc giải thoát các con tin, nhưng đang chờ công bố vào những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử.
Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Ronald Reagan, William Casey, đã gọi kế hoạch mà họ cho là phía ông Carter có ý định thực hiện là “bất ngờ tháng Mười”.
Tạp chí Time đưa tin, “Chiến dịch của ông Reagan cho rằng phía ông Carter sẽ thực hiện cái mà họ gọi là ‘bất ngờ tháng Mười’ ngay trước Ngày bầu cử, trong đó Tổng thống đương nhiệm sẽ thổi phồng tầm quan trọng của một số sự kiện ở nước ngoài để cố gắng thu hút sự ủng hộ ở trong nước”.
Tất nhiên, điều đó đã không xảy ra. Đến Ngày bầu cử, các con tin vẫn còn ở Tehran và ông Reagan đã giành chiến thắng dễ dàng.
Bất ngờ thực sự xảy ra vào ngày 20/1, khi Iran thả các con tin chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức của ông Reagan. Sau đó, đảng Dân chủ cáo buộc ông Reagan đã ký một thỏa thuận bí mật với Iran để giam giữ các con tin cho đến sau khi ông nhậm chức.
Vụ bê bối Iran-Contra gây bất lợi cho George H.W. Bush năm 1992
Năm 1992, Tổng thống George H.W. Bush tái tranh cử để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 nhưng ông phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng. Trước hết, nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái và đây vốn không phải là tin tốt lành gì với một tổng thống đương nhiệm.
Cuộc bầu cử năm 1992 là cuộc đua giữa Tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hào với đối thủ đảng Dân chủ Thống đốc bang Arkansas, Bill Clinton.
Ông Bush vốn đã gặp bất lợi khi nhiều cử tri của đảng Cộng hòa quay lưng với ông và chuyển sang ủng hộ ứng cử viên thứ ba, tỷ phú Ross Perot.
Tháng 6/1992, đảng Cộng hòa lại phải chịu thêm một đòn nghiêm trọng. Caspar Weinberger, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Reagan, bị truy tố vì liên quan đến vụ bê bối Iran-Contra.
Ông Bush có liên quan gì tới vụ việc này? Bush là Phó Tổng thống của Ronald Reagan và ông đã cố gắng tránh xa vụ bê bối, trong đó ông Reagan bị cáo buộc đã cho phép bán vũ khí bất hợp pháp cho Iran để chuyển tiền cho Contra, một đội quân chống chủ nghĩa xã hội ở Nicaragua.
Weinberger là cái tên lớn nhất bị buộc tội, khiến người ta tin rằng tất cả mọi người trong chính quyền Reagan đều biết về vụ việc, bao gồm cả ông Bush. Mặc dù bản án của Weinberger không được công bố vào tháng 10, nhưng thời điểm tháng 6 vẫn không tốt cho ông Bush và cuối cùng ông đã thua cuộc trước đối thủ Bill Clinton.
Greenberg cho biết nền kinh tế tồi tệ và sự thất bại của Reaganomics là yếu tố lớn nhất dẫn đến thất bại của Tổng thống Bush, nhưng ông cũng thừa nhận rằng “không ai có thể biết chính xác những gì diễn ra trong tâm trí của từng cử tri khi họ đưa ra quyết định cận kề Ngày bầu cử”.
Bê bối lái xe khi say rượu của George W. Bush bị “đào” lại năm 2000
Trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, các cuộc thăm dò cho thấy đó sẽ là cuộc đua ngang tài ngang sức giữa George W. Bush và Phó Tổng thống Al Gore. Cuộc bầu cử năm đó có thể nói là được quyết định bởi một điều “bất ngờ tháng mười”.
Chỉ vài ngày trước Ngày bầu cử, Fox News đã đưa tin về một vụ việc chấn động. Năm 1976, George W. Bush từng bị bắt vì lái xe khi say rượu ở Maine sau một đêm tiệc tùng.
“Tôi đã phạm một số sai lầm. Thỉnh thoảng tôi uống quá nhiều, và tôi đã làm thế vào đêm đó. Tôi đã rút ra được bài học cho chính mình”, ông Bush nói với báo chí trong một tuyên bố.
Tin tức đó như một món quà vào phút chót cho Al Gore, người đã giành được nhiều phiếu phổ thông hơn ông Bush, nhưng lại thất cử sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết dừng kiểm phiếu lại ở Florida.
Chiến lược gia đảng Cộng hòa Karl Rove lập luận rằng “bất ngờ tháng Mười” của ông Bush đã khiến ông mất 5 tiểu bang trong cuộc bầu cử năm 2000 và chỉ đủ để chiến thắng khi Florida dừng kiểm phiếu lại.
FBI mở lại cuộc điều tra về email của bà Hillary Clinton năm 2016
Cuộc bầu cử năm 2016 lại quá nhiều “bất ngờ tháng 10”.
Ngày 7/10, Washington Post công bố một đoạn video năm 2005 ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump khoe khoang về việc tấn công tình dục phụ nữ.
Cũng vào ngày hôm đó, Wikileaks đã công bố bản ghi các bài phát biểu của bà Hillary Clinton trước các nhà tài trợ Phố Wall, trong đó cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ là người ủng hộ doanh nghiệp.
Sau đó, tờ New York Times đưa tin ông Trump đã không nộp thuế liên bang trong 18 năm.
Nhưng tất cả những tin tức gây chấn động đó đều không đáng kể so với những gì xảy ra vào ngày 28/10, chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử.
Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey đã triệu tập một cuộc họp báo để thông báo rằng cơ quan này đang mở lại cuộc điều tra về máy chủ email cá nhân của bà Clinton, một cuộc điều tra mà họ đã khép lại từ tháng 7.
Việc lật lại cuộc điều tra email, vốn là mục tiêu của đảng Cộng hòa, đã giáng một đòn chí mạng vào chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Bà Clinton đã thua cuộc bầu cử với tỷ lệ sít sao, mặc dù giành nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc hơn đối thủ Donald Trump.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN