Đó có thể là lý do ông chủ Nhà Trắng hôm 3-10 có bước đi chiến thuật đầy tính toán.
Ông thừa nhận đã yêu cầu Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông ta, Hunter Biden. Chưa hết, ông còn công khai thúc giục một chính phủ nước ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ của Mỹ. Lần này, cái tên được ông nhắc đến là Trung Quốc.
Joe Biden là một trong những đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và hiện chưa có bằng chứng gì cho thấy ông Biden và con trai làm gì sai trái ở Ukraine. Cũng không có bằng chứng cựu phó tổng thống Mỹ nhận tiền từ Trung Quốc.
Dù vậy, không nên lẫn lộn giữa "tính toán, chiến thuật" với "tài giỏi" hoặc "khôn ngoan".
Theo các chuyên gia, việc ông Trump thừa nhận nhờ Ukraine điều tra ông Biden là một sai phạm có thể bị luận tội - lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích chính trị. Đó là lý do Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát chính thức mở cuộc điều tra luận tội nhằm vào nhà lãnh đạo Mỹ.
Tuy nhiên, việc đưa ra lời kêu gọi tương tự với Trung Quốc thậm chí còn bị xem là sai phạm tồi tệ hơn. Lý do là ông Trump đã công khai đề nghị một đối thủ địa chính trị hàng đầu can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Đáng chú ý, trước khi nói "Trung Quốc nên điều tra hai cha con ông Biden", ông Trump thông báo rằng một phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Mỹ vào tuần tới để tham gia vòng đàm phán mới về thương chiến. "Nếu họ không làm những gì chúng ta muốn, chúng ta có sức mạnh rất lớn" - ông chủ Nhà Trắng cảnh báo.
Phát biểu này khiến người ta nhớ đến những gì ông Trump bị tố đã làm để gây sức ép lên Ukraine trong việc điều tra đối thủ.
Theo bản ghi chép cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine hồi tháng 7, ông Trump nêu vấn đề điều tra ông Biden ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói muốn mua thêm tên lửa Javelin của Washington để đối phó lực lượng nổi dậy tại miền Đông.
Lần này, giới chức Trung Quốc có thể phỏng đoán rằng Bắc Kinh có thể phải giúp ông Trump tái đắc cử nếu muốn có một thỏa thuận thương mại có lợi.
Có nhiều lý do giải thích việc ông Trump đang tự đẩy mình vào thế khó.
Trước hết, ông Trump từng thành công với chiến lược bôi nhọ đối thủ trong các thuyết âm mưu và kêu gọi sự hỗ trợ của các chính phủ nước ngoài khi đối đầu với bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, ông Trump thậm chí còn chưa có được những quyền lực của một tổng thống như lúc này.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ có thể tin rằng bằng cách công khai nói về những gì đã làm, mọi chuyện sẽ trở nên không có gì đáng xấu hổ và hoàn toàn bình thường, thay vì bị xem là hành vi lạm quyền và vi phạm lời thề khi tuyên thệ nhậm chức.
Chưa hết, cũng có khả năng ông Trump đang nghĩ rằng mình bất khả chiến bại.
Theo P.Võ/NLĐ