Giẫm đạp tại sân vận động ở El Salvador khiến 12 người thiệt mạng
Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ giẫm đạp kinh hoàng tại sân vận động ở El Salvador hôm 20/5.
AP đưa tin, vụ việc xảy ra khi người hâm mộ chen lấn để vào sân xem trận tứ kết giữa đội Alianza và FAS tại sân vận động Monumental ở Cuscatlan (El Salvador). Sau đó, đến khoảng phút thứ 16 của trận đấu, trên khán đài bắt đầu nhốn nháo khi có những người bị thương được đưa xuống khu vực đường biên trên sân.
|
Vụ giẫm đạp tại sân vận động Estadio Cuscatlan khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan Cảnh sát quốc gia El Salvador (PNC) thông báo: “Đã có tình trạng chen lấn của những người hâm mộ cố gắng vào xem trận đấu giữa Alianza và FAS tại sân vận động Custatlan”.
Theo Bộ trưởng Y tế Salvador Francisco Alabi, các đội cấp cứu đã được triển khai và những người bị thương được chuyển đến các bệnh viện địa phương.
“Khoảng 90 người, bao gồm cả trẻ vị thành niên, đang được điều trị vết thương - hầu hết đều trong tình trạng ổn định”, ông Alabi cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Juan Carlos Bidegain cho biết, lực lượng phản ứng nhanh của cơ quan dân phòng đã có mặt tại hiện trường và hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Hàng trăm nhân viên cảnh sát và binh sĩ cũng có mặt tại sân cùng nhiều xe cứu thương.
Tổng thống El Salvador Nayib Bukele cho hay, cảnh sát quốc gia và văn phòng tổng chưởng lý sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc.
Vụ giẫm đạp khiến 125 người chết ở sân vận động Indonesia
Vụ bạo loạn khiến 125 người chết tại sân vận động Kanjuruhan hôm 1/10/2022 là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử thể thao Indonesia và là một trong những vụ bạo loạn chết chóc trong lịch sử bóng đá thế giới.
Được biết sân Kanjuruhan, nơi xảy ra vụ giẫm đạp và bạo loạn hôm 1/10, có sức chứa thiết kế chỉ 38.000 chỗ nhưng trong ngày xảy ra giẫm đạp, số vé được bán ra lên tới 42.000 chiếc.
Vụ việc xảy ra sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10 với tỷ số 2-3. Do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay vào cả đám đông trên sân lẫn trên khán đài để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.
Có thể thấy trong vụ việc trên, sự cố dẫn đến thảm kịch ở sân Kanjuruhan bắt nguồn từ hành động lao vào sân của các cổ động viên quá khích. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu như cảnh sát không sử dụng hơi cay, thì có thể sẽ không dẫn đến bi kịch với nhiều người chết như vậy.
|
Người hâm mộ tràn vào sân bóng trong một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang. Ảnh: AP. |
Ngoài thiệt hại về người, vụ bạo loạn cũng phá huỷ nhiều phương tiện. Cảnh sát địa phương cho biết, tổng cộng có 13 phương tiện bị hư hỏng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu mở cuộc điều tra toàn diện liên quan đến vụ việc. Trong chỉ đạo được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Widodo yêu cầu bộ trưởng các bộ thể thao, thanh niên và cảnh sát Indonesia vào cuộc rà soát, đánh giá lại việc đảm bảo an ninh trong các trận đấu bóng đá. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng ra lệnh đình chỉ tất cả trận đấu thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia (BRI Liga 1) cho đến khi công tác đánh giá an toàn, an ninh hoàn tất.
Thảm họa sân Lima, 328 người thiệt mạng (tháng 5/1964, Peru)
Ngày 24/5/1964, khi Peru và Argentina đá với nhau ở vòng loại Olympic tại thủ đô Lima, Peru, đã có khoảng 53.000 khán giả đến sân. Khi Argentina dẫn trước 1-0 trong bối cảnh trận đấu chỉ còn 6 phút, Peru ghi bàn nhưng không được trọng tài công nhận, các cổ động viên chủ nhà tức giận ùa vào sân.
|
Cảnh sát khống chế một cổ động viên quá khích trên sân vận động quốc gia của Peru trước khi thảm kịch xảy ra. Ảnh: Bettmann/CORBIS. |
Cảnh sát đã phải can ngăn bằng cách dùng hơi cay. Nhưng họ chỉ làm cho mọi thứ thêm khủng khiếp hơn bởi sân bóng... không có cửa.
Tất cả chỉ ra vào bằng một đường hầm nối thẳng lên phố. Mà cổng của đường hầm lại đóng khi trận đấu bắt đầu. Thế nên mọi người tranh nhau tìm lối ra gần nhất, dẫn tới tình trạng giẫm đạp lên nhau. Vì hàng ngàn người ở trong hầm nên có rất ít không khí để thở.
Hậu quả là 328 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương do ngạt thở hoặc do đa chấn thương vì bị giẫm đạp. Tuy nhiên, theo Bola, số người thiệt mạng ở thảm họa tại Peru có thể cao hơn 328.
Thảm họa sân Accra, 126 người thiệt mạng (tháng 5/2001, Ghana)
Khoảng 126 người đã thiệt mạng trong t vụ giẫm đạp tại sân vận động Accra trong trận đấu bóng đá giữa đội Hearts of Oak và Asante Kotoko. Đây được coi là thảm kịch tồi tệ nhất dính tới bóng đá ở châu Phi. Khi chỉ còn 5 phút là kết thúc trận đấu, các cổ động viên đội Asante Kotoko bắt đầu giật ghế khỏi khán đài và ném xuống đường piste. Cảnh sát đáp trả bằng cách bắn hơi cay và đạn cao su nhằm giải tán đám đông. Điều này gián tiếp dẫn tới màn giày xéo lên nhau trong hoảng loạn để tự cứu thân của hàng chục nghìn người hâm mộ.
Thảm họa sân Dasharath, 93 người thiệt mạng (tháng 3/1988, Nepal)
Thảm họa sân Dasharath đã xảy ra vào ngày 12 tháng 3/1988 ở Kathmandu, thủ đô Nepal trong trận đấu giữa chủ nhà Janakpur và Liberation Army của Bangladesh. Mọi thứ không có gì đáng nói cho đến khi một cơn mưa đá lớn trút xuống sân, nó khiến hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để tìm lối ra.
Nhưng đám đông không thể thoát ra ngoài vì cửa sân bóng bị khóa, gây ra một vụ giẫm đạp chết người. 93 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương ở vụ việc này.
Thảm họa sân Hillsborough, 96 người thiệt mạng (tháng 4/1989, Anh)
Đây chính là vụ Hillsborough kinh điển vẫn được báo chí Anh nhắc đi nhắc lại. Trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest hồi tháng 4/1989, cảnh sát đã cho phép thêm 5.000 người hâm mộ vào sân bất chấp các khán đài đã kín người từ trước. Cộng với việc các sân bóng lắp hàng rào khiến nhiều người bị mắc kẹt. Họ giẫm đạp lên nhau và kết cục là 96 người thiệt mạng.
Thảo Nguyên (TH)