Giẫm đạp kinh hoàng ở Ấn Độ, hơn 110 người thiệt mạng
Ngày 2/7, cảnh sát địa phương cho biết, một vụ giẫm đạp kinh hoàng tại một buổi lễ tôn giáo ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, khiến ít nhất 116 người thiệt mạng. Số thi thể được xác nhận ban đầu phần lớn là phụ nữ và trong đó có 3 trẻ em.
Vụ giẫm đạp xảy ra khi các tín đồ của đạo Hindu tập trung trong buổi lễ tôn vinh thần Shiva ở thành phố Hathras của bang Uttar Pradesh, cách thủ đô New Delhi 140km về phía Đông Nam.
Thông tin ban đầu cho biết vụ giẫm đạp đẫm máu xảy ra ngay sau khi buổi lễ của nhà truyền giáo Bhole Baba kết thúc và mọi người bắt đầu rời khỏi nơi tụ tập.
|
Ít nhất 116 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp. Ảnh: AP. |
Tổng thanh tra Aligarh Range Shalabh Mathur cho biết dường như tình trạng ngột ngạt trong điều kiện nắng nóng tại địa điểm diễn ra sự kiện khiến những người tham dự cảm thấy khó chịu. Sau đó, người dân bắt đầu bỏ chạy, gây ra tình trạng giẫm đạp.
Ông Ashish Kumar - người quản lý khu vực Hathras (nơi xảy ra vụ việc) - phát biểu: "Vụ giẫm đạp xảy ra do tình trạng quá tải vào thời điểm mọi người đang cùng rời khỏi địa điểm tổ chức buổi lễ tôn giáo".
Vụ giẫm đạp kinh hoàng ở Itaewon, Hàn Quốc
Ít nhất 151 người thiệt mạng và 150 người bị thương trong vụ giẫm đạp chết chóc khi một đoàn người chen chúc vào một con hẻm trong khu phố “ăn chơi” Itaewon ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào khoảng 10 giờ 20 phút tối 29/10/2022.
Theo lời nhân chứng, cảnh hỗn loạn xảy ra chỉ vài phút trước khi vụ giẫm đạp bắt đầu, và lực lượng cảnh sát tại chỗ gặp khó khăn trong việc kiểm soát trong lúc đám đông ngày càng quá khích và bực bội.
|
Cảnh sát đến hiện trường điều tra tại khu Itaewon ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Reuters. |
Trong số các nạn nhân, có 26 người nước ngoài tử vong, gồm 5 công dân Iran, 4 công dân Trung Quốc, 4 công dân Nga và hai người Mỹ, hai người Nhật và công dân từ các nước gồm Pháp, Australia, Việt Nam, Uzbekistan, Na Uy, Kazakhstan, Sri Lanka, Thái Lan và Áo.
Đa số nạn nhân thiệt mạng là nữ, với ít nhất 97 người. Các chuyên gia cho rằng phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn vì cơ thể vốn nhỏ bé hơn nam giới. Những bộ trang phục Halloween cồng kềnh càng khiến họ chịu áp lực lớn hơn.
Vụ giẫm đạp ở Indonesia khiến 133 người chết
Vụ bạo loạn khiến 133 người chết tại sân vận động Kanjuruhan là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử thể thao Indonesia và là một trong những vụ giẫm đạp chết chóc trong lịch sử bóng đá thế giới.
Sân Kanjuruhan, nơi xảy ra vụ giẫm đạp và bạo loạn hôm 1/10/2022, có sức chứa thiết kế chỉ 38.000 chỗ nhưng trong ngày xảy ra giẫm đạp, số vé được bán ra lên tới 42.000 chiếc.
Vụ việc xảy ra sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10 với tỷ số 2-3. Do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay vào cả đám đông trên sân lẫn trên khán đài để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.
|
Người hâm mộ tràn vào sân bóng trong một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang. Ảnh: AP. |
Có thể thấy trong vụ việc trên, sự cố dẫn đến thảm kịch ở sân Kanjuruhan bắt nguồn từ hành động lao vào sân của các cổ động viên quá khích. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu như cảnh sát không sử dụng hơi cay, thì có thể sẽ không dẫn đến bi kịch với nhiều người chết như vậy.
Ngoài thiệt hại về người, vụ bạo loạn cũng phá huỷ nhiều phương tiện. Cảnh sát địa phương cho biết, tổng cộng có 13 phương tiện bị hư hỏng.
Giẫm đạp ở Iran khiến 56 người chết
Vào ngày 7/1/2020, một cuộc giẫm đạp đã xảy ra ở Kerman, phía đông nam của Iran trong lễ tang của tướng Iran Qasem Suleimani. Hậu quả là 56 người đã chết.
|
Đám đông khổng lồ đưa tang tướng Suleimani. Ảnh: AP.
|
Ông Suleimani được người Iran xem là anh hùng dân tộc vì dẫn dắt lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng. Ông qua đời vào ngày 3/1/2020 trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ bên ngoài sân bay Baghdad.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Giẫm đạp làm hàng chục người thiệt mạng tại Israel
Thảo Nguyên (TH)