Nhìn lại động đất 7,4 độ richter 2022 và thảm họa kép 2011 tại Nhật Bản

Google News

Trận động đất mạnh 7,6 độ richter ở Nhật Bản ngay trong ngày đầu năm 2024 khiến mọi người nhớ lại cơn địa chấn 7,4 độ richter 2022 và thảm họa kép năm 2011 tại nước này.

Động đất mạnh 7,6 độ richter làm rung chuyển nhiều khu vực ở Nhật Bản ngay ngày 1/1/2024, kích hoạt cảnh báo sóng thần lớn ở tỉnh Ishikawa, Kyodo News dẫn lời giới chức Nhật Bản.
Cơn địa chấn ngay ngày đầu năm này khiến chúng ta nhớ lại vụ động đất 7,4 độ richter năm 2022 và thảm hoạ kép năm 2011.
Động đất 7,4 độ richter năm 2022 ở Nhật Bản
Trận động đất mạnh 7,4 độ richter ngày 16/3/2022 ở Nhật Bản khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Nhiều tuyến đường giao thông hướng về phía đông bắc Nhật Bản cũng đã bị hư hại nặng sau động đất.
Nhin lai dong dat 7,4 do richter 2022 va tham hoa kep 2011 tai Nhat Ban
Trận động đất 7,4 độ richter ở Nhật Bản khiến đồ đạc trong nhà dân bị rơi vỡ. Ảnh: Reuters. 
Ngay sau khi động đất xuất hiện vào đêm 16/3, dịch vụ tàu siêu tốc Shinkansen đã phải tạm dừng hoạt động ngay lập tức, và ít nhất một tuyến đường cao tốc lớn trong khu vực buộc phải phong tỏa để kiểm tra mức độ an toàn.
Trận động đất có cường độ mạnh đã khiến mặt tiền của nhiều tòa nhà bị hư hại và các mảnh vỡ rơi tung tóe xuống phía dưới. Các khu vực ở thủ đô Tokyo cũng ngay lập tức bị mất điện sau trận động đất, nhưng phần lớn đã được nối lại sau 3 tiếng đồng hồ.
Thảm họa kép động đất - sóng thần 2011
Vụ động đất mạnh 7,6 độ richter hôm 1/1/2024 mới đây cũng khiến nhiều người liên tưởng tới ký ức kinh hoàng về thảm họa động đất sóng thần vào ngày 11/3/2011 từng xảy ra ở cùng khu vực. Thảm họa năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người.
Ngày 11/3/2011, vào lúc 14h46 chiều (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi Thái Bình Dương, cách Tōhoku khoảng 70 km về phía Đông với tâm chấn ở độ sâu khoảng 29 km so với mực nước biển đã làm rung chuyển Đông Bắc Nhật Bản khoảng 6 phút.
Đây là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản, và là trận động đất mạnh thứ tư trên thế giới theo thống kê hiện đại, bắt đầu vào năm 1900. Ảnh hưởng của trận động đất đã được cảm nhận trên khắp thế giới, từ các vịnh hẹp ở Na Uy cho đến tảng băng ở Nam Cực.
Nhin lai dong dat 7,4 do richter 2022 va tham hoa kep 2011 tai Nhat Ban-Hinh-2
Sóng thần ập vào thành phố Miyako City. Ảnh: Reuters. 
Trận động đất gây ra sóng thần hủy diệt cực mạnh có độ cao lên tới 40,5m (tương đương chiều cao tòa nhà 13 tầng) ở Miyako thuộc tỉnh Iwate của Tōhoku, di chuyển với tốc độ 700 km/h, san phẳng gần như tất cả các thị trấn ven biển và thâm nhập đến 10km trên đất liền sau khi tràn đê sông Natori ở khu vực Sendai, gây ngập một diện tích ước tính khoảng 561 km2.
Các con sóng đã tràn qua và phá hủy các bức tường chắn sóng thần bảo vệ tại một số địa điểm; nước dâng lớn đã phá hủy các tòa nhà ba tầng, nơi nhiều người tụ tập.
Theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, đã có 19.759 người thiệt mạng do thảm họa ngày 11/3/2011 (tính cả những trường hợp qua đời vì các nguyên nhân có liên quan tới thảm họa như mắc bệnh hoặc tự tử). Cũng theo cơ quan này, 2.553 người khác vẫn đang mất tích.
Nhin lai dong dat 7,4 do richter 2022 va tham hoa kep 2011 tai Nhat Ban-Hinh-3
Những người may mắn sống sót đi giữa đống đổ nát do thảm họa kép gây ra. Ảnh: Reuters. 
Thảm họa kép năm 2011 cũng đã tàn phá hơn 120.000 ngôi nhà. Số người phải di dời trong những năm qua đã giảm đều đặn, song tính đến tháng 12/2022, vẫn còn hơn 31.000 người phải tạm trú tại Tohoku, Kanto, và một số vùng khác ở Nhật Bản. Trong khoảng 21.000 người phải di dời, phần lớn là người dân từng sinh sống tại tỉnh Fukushima.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), thảm họa kép này có thể gây thiệt hại lên tới 235 tỷ USD. Đánh giá của WB cho thấy, mức độ tàn phá đối với nhà ở, kết cấu hạ tầng, công nghiệp và nông nghiệp ở các tỉnh Fukushima, Iwate và Miyagi rất nghiêm trọng. Ngoài việc khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trận động đất và sóng thần còn gây ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Sau thảm họa kép năm 2011, Nhật Bản đã chi hơn 83 triệu USD để sử dụng các tia laser theo dõi mọi chuyển động dù là nhỏ nhất của Trái đất. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng những công trình có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước động đất.
Nhật Bản rất coi trọng kỹ năng chống chọi với thảm họa, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã thường xuyên được tham gia những buổi diễn tập về kỹ năng sinh tồn khi xảy ra thiên tai.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Thương tâm cảnh hoang tàn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất kinh hoàng.

 

Thảo Nguyên (TH)