"Một số vụ nổ xảy ra ở các quận Darnytskyi và Dniprovskyi của thủ đô. Một số dịch vụ đã ngừng hoạt động. Tôi sẽ thông tin chi tiết hơn sau", ông Klitschko viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Theo Reuters, một nhân chứng cũng cho biết đã nhìn thấy khói trong thành phố. Trước đó ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Kiev, đã có còi báo động không kích.
Nga chưa có bình luận hay xác nhận thông tin.
Quan chức Ukraine nói nhiều vụ nổ rung chuyển thủ đô Kiev.
Theo New York Times, Kiev tương đối yên ắng trong những tuần gần đây nhưng vẫn có nguy cơ bị tấn công. Trong khi đó, cả Ukraine và Nga đều tuyên bố đã gây ra những tổn thất quyết định trong trận chiến giành kiểm soát thành phố Sievierodonetsk.
Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine từ 24/2, tuyên bố đáp lại lời kêu gọi của người dân miền Đông Ukraine và muốn "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" nước này.
Kiev và các nước phương Tây phản đối và cho rằng chiến dịch là vô lý, sau đó Mỹ và châu Âu liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga, đồng thời cung cấp vũ khí đến chiến trường Ukraine.
Trong diễn biến mới nhất, Nga triển khai giai đoạn hai của chiến dịch tập trung ở miền Đông, cố gắng giành kiểm soát những "điểm nóng" quan trọng. Lực lượng của Moskva và Kiev dường như đang giằng co tại thành phố chiến lược Sievierodonetsk.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 4/6 cáo buộc Nga tấn công nhà thờ và các địa điểm văn hóa lịch sử khác ở Ukraine, trong khi đó truyền thông Nga nói Kiev tiếp tục pháo kích khu vực Donbass gây thương vong cho dân thường. Nga và Ukraine đều phủ nhận tấn công các mục tiêu dân sự.
Về ngoại giao, các cuộc đàm phán giữa các bên chưa có tiến triển mới, sau nỗ lực gần nhất nhằm vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine, đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới. Các nước châu Âu và Nga tiếp tục căng thẳng sau khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 4/6 nói không nên "xúc phạm" Nga nếu muốn mở đường cho giải pháp ngoại giao. "Chúng ta không nên làm Nga bẽ mặt để khi xung đột kết thúc, có thể xây một lối thoát bằng con đường ngoại giao. Tôi tin rằng vai trò của Pháp là một bên hòa giải", ông Macron nói. Dĩ nhiên Kiev sau đó đã chỉ trích bình luận này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III cho biết trên Twitter rằng ông sẽ bắt đầu chuyến đi trong tuần tới từ Colorado đến Singapore và Bangkok rồi đến Brussels. Khi đến Brussels, ngày 15/6, ông dự định gặp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, bao gồm các nhà lãnh đạo quốc phòng từ khắp nơi trên thế giới, để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông cho biết cũng sẽ gặp các đại diện của NATO để thảo luận về Phần Lan và Thụy Điển.
Theo Phương Anh/VTC