Theo The Guardian, cơ quan chức năng Indonesia đang phải vật lộn để chống lại nạn tin giả tràn lan khiến cư dân đảo Sulawesi hoảng loạn sau thảm họa kép động đất – sóng thần ngày 28/9.
Những tin tức giả lan truyền bao gồm một trận động đất mạnh 8,1 độ richter sắp đến, một con đập có nguy cơ bị vỡ, khiến nỗi sợ hãi tại Sulawesi tăng lên – nơi con số thiệt mạng vì thảm họa kép đã lên đến hơn 1.400 và dự kiến tiếp tục tăng. Một số tin giả khác bao gồm Thị trưởng thành phố Palu thiệt mạng trong thảm họa, có chuyến bay miễn phí đến Palu cho các gia đình nạn nhân.
|
Binh lính Indonesia thu gom thi thể các nạn nhân từ đống đổ nát. Ảnh: Reuters. |
Những bức ảnh chụp thi thể la liệt cũng được đưa lên mạng xã hội tràn lan, trong khi chúng thực chất là ảnh từ các thảm họa khác.
Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia Indonesia đã xác nhận thông tin trên là giả mạo. Trong khi đó, người dân ở Palu cho biết các tin đồn vẫn đang được lan truyền.
“Tôi đã nói chuyện với mọi người ở Palu sáng nay và chúng tôi nghe được tin rằng sẽ có trận động đất mạnh nhất xảy ra vào sáng mai (5/10). Tôi đã nói với họ rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Nếu mọi người rời khỏi nhà, sẽ có kẻ đột nhập và lấy đồ của họ. Đó là lý do khiến chúng cố tình lan truyền thông tin giả mạo”, Badarudin, một người dân ở Palu, nói với Guardian.
Theo Badarudin, các tin đồn thường được truyền miệng do người dân Palu vẫn đang sống trong cảnh mất điện và có rất ít điểm sạc điện thoại cho người dân.
|
Ông Sutopo Purwo Nugroho đính chính bức ảnh giả liên quan vụ núi lửa phun trào sau thảm họa động đất, sóng thần. Ảnh chụp màn hình.
|
Người phát ngôn của cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho, liên tục sử dụng Twitter trong những ngày gần đây để bác bỏ các tin đồn, trong đó có nhiều thông tin liên quan tới vụ núi lửa Soputan phun trào trên đảo Sulawesi.
Nằm cách Palu khoảng 1.000km, núi lửa Soputan đã phun trào hôm qua 3/10. Tuy nhiên, những kẻ tung tin đồn đã sử dụng những bức ảnh và video giả mạo để khiến người dân tin rằng vụ phun trào núi lửa này nghiêm trọng hơn thực tế.
Một đoạn video do ông Sutopo chia sẻ quay cảnh dung nham núi lửa chảy qua các nông trại, trong khi đoạn video khác chiếu cảnh đám mây tro bụi di chuyển xuống một con đường. Tuy nhiên ông Sutopo khẳng định đây là một vụ phun trào núi lửa ở Nam Mỹ.
Cảnh sát Indonesia cho biết đã nhận diện được 4 nghi phạm bị cho là phát tán tin đồn thất thiệt. Các đối tượng này đến từ vùng Majene ở Tây Sulawesi.
Tính đến 4/10, đã có ít nhất 1.424 người thiệt mạng trong thảm họa kép tại Indonesia. Ít nhất 2.500 người khác đã bị thương và hơn 100 người vẫn đang mất tích. Hơn 70.000 ngôi nhà bị phá hủy khiến hàng chục nghìn người bị mất nhà cửa và phải sống tạm trong các lều tạm hoặc những nơi trú ẩn tạm bợ.
Theo Thu Hằng/ĐSPL