Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát nghiêm trọng vượt ngoài tầm kiểm soát tại Ấn Độ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ nước láng giềng. Tuy vậy, New Delhi tỏ ra không hào hứng với đề nghị của Bắc Kinh.
Bắc Kinh đề nghị giúp đỡ, nhưng Ấn Độ không trả lời
Hôm 27/4, Bắc Kinh cho biết sẽ thiết lập một "quỹ dự trữ nhu yếu phẩm y tế" Covid-19 dành cho các quốc gia Nam Á.
Các nước nằm trong danh sách hỗ trợ của Trung Quốc gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Đáng chú ý, ngoài Afghanistan, tất cả quốc gia còn lại đều có chung đường biên giới trên bộ và trên biển với Ấn Độ.
Trung Quốc tuyến bố nước này tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các quốc gia Nam Á để thảo luận về viện trợ y tế chống đại dịch Covid-19. Ấn Độ được mời nhưng đã từ chối tham dự, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
"Tôi hy vọng rằng cuộc họp ngày hôm nay cũng có thể giúp Ấn Độ trong cuộc chiến chống lại đại dịch", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu hôm 26/4.
Trong khi chính quyền New Delhi im lặng trước đề nghị trợ giúp từ Bắc Kinh, các công ty tư nhân Ấn Độ vẫn tiếp tục đặt hàng trang thiết bị và nhu yếu phẩm y tế từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước.
|
Bãi hỏa táng tập thể ở New Delhi hôm 24/4. Ảnh: AP.
|
Khi được hỏi liệu hãng hàng không nhà nước Trung Quốc là Sichuan Airlines có dừng các chuyến bay hàng hóa tới Ấn Độ, đa phần chuyên chở nhu yếu phẩm y tế do các công ty tư nhân thu mua, Ngoại trưởng Vương Nghị nói đây là thỏa thuận riêng của các doanh nghiệp.
Sichuan Airlines sau đó cho biết đang thảo luận với nhà chức trách kế hoạch duy trì các chuyến bay chở hàng tới khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ.
Những tuần gần đây, Ấn Độ đã đề nghị Mỹ chuyển giao lô dự trữ vaccine AstraZeneca của nước này. Vaccine AstraZeneca đến nay vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ.
New Delhi cũng đề nghị Washington dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu 37 thành phần nguyên liệu cực kỳ quan trọng trong sản xuất vaccine Covid-19, là mặt hàng bị cấm xuất khẩu theo đạo luật Sản xuất quốc phòng trong bối cảnh Mỹ ưu tiên nhu cầu sản xuất vaccine trong nước.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden ban đầu đã lưỡng lự trước đề nghị giúp đỡ từ New Delhi. Thái độ do dự của Washington khiến người dân Ấn Độ phẫn nộ, cũng như trở thành mục tiêu chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc là nước lớn tiếng công kích Mỹ nhất. Tờ báo nhà nước Global Times chỉ trích Mỹ "ích kỷ và thờ ơ" trước đại dịch xảy ra ở Ấn Độ.
Lý do của Ấn Độ
Việc New Delhi bất chấp đại dịch đang hoành hành vẫn từ chối đề nghị giúp đỡ của Bắc Kinh cho thấy sự ngờ vực, thiếu lòng tin sâu sắc giữa hai cường quốc châu Á.
Cách hành xử của New Delhi đáng chú ý ở chỗ, chỉ một năm trước, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên gửi hàng hóa tiếp tế tới Vũ Hán, sau khi đại dịch bùng phát.
Tháng 2/2020, chính quyền Ấn Độ hỗ trợ 15 tấn vật tư y tế viện trợ Trung Quốc, đồng thời Thủ tướng Narendra Modi viết thư chia sẻ và thể hiện sự đoàn kết với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng kể từ đó đến nay, quan hệ song phương đã nhanh chóng lao dốc, một phần do xung đột ở biên giới khiến hàng chục binh sĩ hai bên thương vong.
Ngược lại, New Delhi đang thắt chặt quan hệ với Washington. Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác then chốt trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng và tham vọng của Trung Quốc tại khu vực. Đáp lại, New Delhi củng cố cam kết của mình trong khuôn khổ "Bộ Tứ", sáng kiến an ninh với sự tham gia của cả Mỹ, Australia và Nhật Bản.
|
Một người mặc đồ hóa trang virus corona trong lễ hội ở Mumbai hôm 28/3. Ảnh: AP.
|
Sau khi Mỹ lưỡng lự trước đề nghị trợ giúp của Ấn Độ, không ít ý kiến từ New Delhi chỉ trích Washington là một đối tác không đáng tin cậy.
Nhưng nhiều quan điểm trong nội bộ Ấn Độ không mấy mặn mà với việc chỉ trích Mỹ hay nhận sự trợ giúp của Trung Quốc. New Delhi tin rằng Bắc Kinh chỉ đang hành xử theo cách có lợi nhất, lợi dụng cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay để chia rẽ quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ.
"Luôn có mục tiêu phía sau bước đi trong những vấn đề như vậy của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn gửi tín hiệu tới Ấn Độ rằng Mỹ không phải đối tác có thể tin cậy", Kanwal Sibal, cựu ngoại trưởng Ấn Độ, cho biết.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Thụy Điển, Kazakhstan và Latvia, ông Ashok Sajjanhar, cho rằng New Delhi phải tính toán đường đi nước bước hết sức thận trọng.
"Ấn Độ sẽ trao lợi thế cho Trung Quốc nếu chấp nhận đề nghị giúp đỡ, xét tới việc Bắc Kinh luôn tìm kiếm sự thống trị ở sân khấu địa chính trị khu vực. Giúp đỡ Ấn Độ sẽ giúp Trung Quốc truyền đi thông điệp như vậy", ông Sajjanhar nhận định.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Sibal cũng cho rằng, với tư cách nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ có thể cân nhắc chấp nhận mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất vaccine.
"Sự thật là chúng ta vẫn tiếp tục giao thương với họ, mua vô số sản phẩm từ họ, bao gồm cả những tấm pin năng lượng Mặt Trời trị giá hàng nghìn USD", ông Sibal nói.
Lúc này, Ấn Độ đã nhận được trợ giúp y tế từ Anh, Singapore, Pháp và Đức. Về phía Washington, sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thay đổi lập trường, tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ y tế cho Ấn Độ. Lô hàng đầu tiên với 440 bình dưỡng khí, 960.000 bộ xét nghiệm Covid-19, 100.000 khẩu trang N95, cùng nhiều loại vật tư, thiết bị y tế khác đã được Mỹ đưa tới Ấn Độ ngày 30/4.
Theo Duy Anh/Zingnews