Hơn 104km2 diện tích rạn san hô, nơi có đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới đã bị tàn phá khủng khiếp vì nạn săn trai tượng dưới đáy biển. Thủ phạm không ai khác chính là những ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép Biển Đông.
|
Biển Đông tan hoang sau khi tàu cá Trung Quốc săn trộm trai tượng.
|
Những kẻ săn trộm dùng tàu công suất lớn tách vỏ những con trai tượng khổng lồ có thể nặng tới 230kg. Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và bán rất được giá. Mỗi lần tàu cá Trung Quốc cào trai tượng, rạn san hô lại thêm một lần trơ trụi. Chỉ sau vài lần tận diệt, rạn san hô là nơi trú chân cho các loài cá trở nên thảm hại hơn bao giờ hết. Chưa kể rạn san hô có tính tiếp nối, nếu một khu vực bị phá hủy thì những nơi khác cũng bị ảnh hưởng không kém.
58km2 diện tích rạn san hô cũng bị ảnh hưởng do hoạt động xây dựng trái phép đảo nhân tạo. Thông tin trên đưa ra ngày 12/7 tại Hội nghị Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ.
Cùng ngày 12/7, tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế đã công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông, trong đó có phần chỉ rõ Trung Quốc đã có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái Biển Đông do các hoạt động săn bắt trai tượng, san hô trái phép.
John McManus, chuyên gia sinh vật biển ở Đại học Miami, người làm nghiên cứu đánh giá tác động Biển Đông cho biết 10% san hô nông ở quần đảo Trường Sa và 8% ở quần đảo Hoàng Sa đã bị tiêu diệt hoàn toàn do săn bắt trai tượng.
|
Trai tượng là một sản vật quý, rất có giá trị nhưng bị người Trung Quốc tận diệt.
|
Trung Quốc gần đây ngang ngược tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, nơi mỗi năm luân chuyển 5.000 tỉ USD lưu lượng thương mại toàn cầu. Trung Quốc cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có chứa nhiều dầu mỏ, khí đốt nên tìm cách chiếm đoạt. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết hai chuỗi đảo này hầu như không có dầu khí.
Để ngang ngược thực hiện âm mưu chiếm đoạt Biển Đông, Trung Quốc đã cho bồi lấp trái phép đảo nhân tạo trong hơn 2 năm qua. Khoảng 1.300 ha đảo mới đã được công nhân Trung Quốc xây dựng liên tục ở Biển Đông, theo chuyên gia Greg Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược.
Tuy nhiên chuyên gia McManus nói rằng tác động của xây đảo nhân tạo trái phép không nhiều bằng sự tàn phá của tàu săn trộm trai tượng. McManus nói: “Họ chẳng khác gì cày xới đáy biển để tìm kiếm một hai con trai”.
Tại Trung Quốc, vỏ trai tượng được chạm khảm thành các tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức, còn thịt được coi như đặc sản quý. Trước đây Biển Đông số lượng trai tượng rất nhiều nhưng khi tàu cá Trung Quốc ồ ạt tới đây, trai tượng đang ngày càng khan hiếm.
|
Một cửa hàng bán đồ trang sức làm từ trai tượng.
|
Giá trai khổng lồ đã tăng gấp 40 lần trong vòng 5 năm qua khiến ngư dân Trung Quốc ra sức vơ vét, săn lùng loài trai quý sống ở dưới đáy Biển Đông. Đồ trang trí làm từ vỏ trai khổng lồ được cho là mang lại may mắn và điềm lành nên được người Trung Quốc rất ưa chuộng.
Nhà báo Victor Robert Lee đăng tải trên tạp chí The Diplomat hồi tháng 1 rằng ngư dân Trung Quốc dùng chân vịt cỡ lớn thả xuống rạn san hô rồi cho thuyền đi vài vòng xung quanh để nghiền nát trai tượng. Hành động táo tợn này không chỉ giết hại san hô mà ảnh hưởng toàn bộ hệ sinh thái biển.
McManus kết luận: “35 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và 6 rạn ở quần đảo Hoàng Sa đã bị phá hủy do nạn săn trai tượng. Trong số này, ít nhất 25 rạn san hô đang gặp nguy hiểm thực sự. Mọi thứ ở đây coi như đã chết”.