Năm 2020, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc làm nên lịch sử khi là bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành giải "Phim xuất sắc nhất" tại lễ trao giải Oscar. Nội dung kể về một gia đình sống trong căn hộ bán hầm, bồn cầu được xây còn cao hơn cả nơi ăn ngủ. Hàng ngày, họ vật lộn trong cái nghèo và âm mưu thoát khỏi cuộc sống dưới đáy thông qua cách "bám trụ" vào một gia đình giàu có.
Ở phần cuối của bộ phim có cảnh mưa lớn nhấn chìm căn hộ bán hầm của gia đình các nhân vật chính, đẩy họ vào thảm kịch cuộc đời. Hình ảnh này khiến nhiều người liên tưởng tới "thảm kịch đời thực" của gia đình 3 thành viên cũng sống tại một căn hộ bán hầm, phải bỏ mạng trong cơn mưa lịch sử tại thủ đô Seoul hôm 8/8. Phim tuy hư cấu nhưng lại lột tả "bức tranh đen tối" trong thực tế hàng ngày đối với nhiều người dân nghèo ở Hàn Quốc.
|
Cuộc sống hiếm khi thấy ánh sáng mặt trời của ông Kim Ssang-seok. Ảnh: The New York Times |
Cuộc sống của ông Kim Ssang-seok chính là một minh chứng. Sống tại một căn hộ bán hầm, mỗi ngày, ánh mặt trời chỉ rọi vào nhà ông trong 30 phút. Khi ông mở chiếc cửa sổ duy nhất trong nhà, tất cả những gì ông nhìn thấy là bánh xe đang lăn trên đường.
Không chỉ ông Kim mà những người hàng xóm cũng phải chịu cảnh sống chung với thứ mùi khó chịu, khép nép dưới chân những tòa chung cư cao tầng. "Họ (những người sống ở tòa chung cư) có xu hướng chọn căn hộ ngày càng cao hơn để không phải ngửi thấy mùi hôi thối dưới này. Có lẽ, trong mắt họ, chúng tôi giống một lũ lợn", ông Kim chán nản.
Tại xã hội Hàn Quốc, từ lâu vẫn tồn tại khái niệm "thìa vàng, thìa bạc, thìa đồng và thìa đất" như cách phân chia cấp bậc xã hội. Trong khi "thìa vàng" là những người có thu nhập hàng năm 200 triệu won (4 tỷ đồng) có thể coi là cuộc sống vô lo vô nghĩ, thì nhưng chiếc "thìa đất" dù cố chăm chỉ siêng năng nhưng vẫn không thể thoát được sự phân biệt giai cấp và cũng không bao giờ dám mơ tưởng bản thân sẽ tạo ra sự khác biệt.
Nguyễn Nguyễn (Theo The New York Times)