Tại phía nam Dải Gaza hôm 15/10, hàng chục người dân xếp hàng dài tại các phòng tắm, nhiều người trong số họ đã không tắm trong nhiều ngày. Ahmed Hamid, 43 tuổi, cùng vợ và 7 con, trốn khỏi thành phố Gaza, hướng tới thành phố Rafah sau khi quân đội Israel hôm 13/10 cảnh báo người dân ở phía bắc vùng đất này hãy di chuyển về phía nam "vì an toàn của chính họ".
"Chúng tôi đã không tắm trong nhiều ngày. Ngay cả việc đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đến lượt", Hamid nói. "Không có thức ăn. Hàng hóa đều trầm trọng và giá cả đồ hộp có sẵn đều tăng cao. Thực phẩm duy nhất chúng tôi tìm thấy là cá ngừ đóng hộp và pho mát".
|
Người Palestine xếp hàng chờ lấy nước ở phía nam Dải Gaza ngày 15/10. Ảnh: Reuters. |
Nước đã cạn kiệt tại các địa điểm trú ẩn của Liên hợp quốc trên khắp Gaza trong khi hàng ngàn người chen chúc tại bệnh viện lớn nhất ở đây để tìm nơi ẩn náu cuối cùng trước một cuộc tấn công trên bộ của Israel.
Dân thường Palestine trên khắp Dải Gaza, vốn đã bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột, đang đấu tranh để sinh tồn trước một chiến dịch chưa từng có của Israel nhằm vào vùng đất này sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 khiến 1.300 người Israel thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
Israel đã cắt nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men, nước và điện tới Gaza, không kích các khu dân cư và yêu cầu khoảng 1 triệu cư dân ở phía Bắc Gaza sơ tán về phía Nam trước cuộc tấn công đã được lên kế hoạch. Cơ quan y tế tại Gaza cho biết, hơn 2.300 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 15/10 cho biết, ông được các quan chức Israel thông tin rằng, họ đã cấp nước trở lại ở miền Nam Gaza. Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ ở Gaza lại khẳng định, họ vẫn chưa thấy nước được cấp trở lại.
Trong suốt những ngày qua, người dân Gaza xếp hàng hàng giờ bên ngoài các tiệm bánh và chen lấn để mua bánh mì vì lo ngại thiếu lương thực. Tại Khan Younis, người dân đổ xô đến các nhà thờ Hồi giáo, nơi vẫn còn nguồn cung cấp nước sạch.
Các nhóm cứu trợ quốc tế kêu gọi bảo vệ hơn 2 triệu thường dân ở Gaza đồng thời yêu cầu thiết lập một hành lang khẩn cấp để chuyển hàng viện trợ nhân đạo. Ahmed al-Mandhari, giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới, bày tỏ quan ngại rằng không có dấu hiệu nào cho thấy hành lang như vậy sẽ sớm được mở.
Bác sĩ Mohammed Qandeel, làm việc tại bệnh viện Nasser ở khu vực phía Nam Khan Younis, cho biết “hiện không có viện trợ y tế từ bên ngoài, biên giới bị đóng cửa, mất điện và điều này gây nguy hiểm cao cho bệnh nhân”.
Các bác sĩ ở khu sơ tán bày tỏ bức xúc và lo ngại khi họ không thể di chuyển bệnh nhân một cách an toàn đến nơi khác, vì vậy, họ quyết định ở lại để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Hussam Abu Safiya, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Kamal Adwan ở Beit Lahia bày tỏ: “Chúng tôi sẽ không sơ tán bệnh viện ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng mạng sống của chúng tôi”.
Tại bệnh viện Shifa ở thành phố Gaza, trung tâm của khu sơ tán, các quan chức y tế ước tính có ít nhất 35.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em chen chúc trong khu vực trống rộng lớn, ở cầu thang và hành lang của tòa nhà bệnh viện, nhằm tránh những nguy hiểm của cuộc chiến.
Dải Gaza là một trong những vùng có mật độ dân cư đông nhất thế giới với 2,3 triệu dân Palestine sinh sống trên diện tích khoảng 365 km2. Khu vực này phụ thuộc vào các nguồn tiếp tế từ bên ngoài qua lãnh thổ Israel.
Thảo Nguyên (Theo AP, AFP)