Cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen bị sĩ quan cảnh sát đè chết hôm 25/5, đã khiến người dân đổ ra đường biểu tình dẫn đến tình trạng bạo lực ở thành phố Minneapolis và nhiều khác trên khắp nước Mỹ.
Vụ việc cũng thu hút sự chú ý của Tổng thống Donald Trump và khiến người tiền nhiệm Barack Obama cùng cựu phó tổng thống Joseph Biden lên tiếng, theo New York Times.
Chính quyền Mỹ tuyên bố họ đã bắt giữ Derek Chauvin - viên cảnh sát ghì đầu gối vào cổ ông Floyd trước khi người đàn ông da đen 46 tuổi này tử vong tại bệnh viện.
Video cho thấy sĩ quan Chauvin đè đầu gối lên cổ ông Floyd trong hơn 8 phút, và nạn nhân đã cầu xin “đừng, đừng, tôi không thể thở được”, trước khi tử vong. Hôm 29/5, sĩ quan Chauvin bị bắt giữ và bị buộc tội giết người.
|
Video ghi lại cảnh Floyd bị viên cảnh sát ghì đầu gối lên cổ. Ảnh: Chụp màn hình. |
Tổng thống Trump: "Tôi thấu hiểu nỗi đau và thương tổn"
Trong cuộc họp hôm 29/5, Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố về vụ án của ông Floyd. Sau đây là bài phát biểu của ông:
"Tôi muốn bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc và niềm cảm thông chân thành nhất từ người dân cả nước đến gia đình của George Floyd. Đây là vụ việc khủng khiếp. Thật kinh khủng, những gì xảy ra thật kinh khủng. Tôi đã yêu cầu Bộ Tư pháp xúc tiến cuộc điều tra liên bang về cái chết của anh ấy và triển khai ngay lập tức, càng nhanh càng tốt.
Đây là vấn đề của địa phương, nhưng chúng tôi coi đây là vấn đề cấp liên bang, và điều này thật khủng khiếp. Tất cả chúng ta đều thấy những gì diễn ra, và thật khó để hình dung ra được điều gì khác ngoài những gì chúng ta thấy.
Vụ việc không bao giờ nên xảy ra và không được phép xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm thực thi công lý. Tôi đã nói chuyện với các thành viên trong gia đình của Floyd - những người tuyệt vời, và chúng tôi sẽ thông tin trong thời gian tới.
|
Người dân ở Kentucky đổ xuống đường biểu tình hôm 29/5 về cái chết của Floyd. Ảnh: AP. |
Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng phải đưa ra tuyên bố, và quan trọng là những người biểu tình phải xuống đường ôn hòa và chúng ta ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa. Không thể để tình trạng hỗn loạn và vô luật pháp ở Minneapolis tiếp diễn, và chúng tôi hiểu rất rõ điều này.
Tôi tin rằng điều quan trọng bây giờ là gia đình Floyd có ký ức đẹp về anh ấy. Hãy để mọi thứ trở thành kỷ niệm đẹp. Những kẻ cướp bóc không được phép lấn át tiếng nói của những người biểu tình ôn hòa. Những kẻ này đang khiến những gì xảy ra trở nên tồi tệ và đau đớn hơn. Điều này thật tệ cho bang Minnesota và thành phố Minneapolis vĩ đại.
Vì vậy, chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan hành pháp địa phương, với người dân và với gia đình nạn nhân. Chúng tôi hy vọng vụ việc nhận được sự quan tâm một cách đúng chừng mực.
Tôi thấu hiểu nỗi đau và thương tổn. Người dân thực sự đã trải qua nhiều đau thương. Gia đình của George có quyền đòi công lý, và người dân Minnesota có quyền sống bình an.
Luật pháp và trật tự sẽ thắng thế. Người Mỹ sẽ tôn vinh ký ức về George và gia đình Floyd. Sẽ rất có ý nghĩa với chúng tôi và với bản thân tôi nếu mọi việc được quan tâm đúng mức. Đây là vụ việc khủng khiếp, và vì vậy chúng tôi sẽ thông tin lại nhanh nhất có thể".
|
Người biểu tình giơ biểu ngữ đòi công lý cho Floyd ở New York hôm 29/5. Ảnh: Reuters. |
Cựu phó tổng thống Biden: "Nước Mỹ có vết thương hở"
Trước khi Tổng thống Trump phát biểu khoảng vài giờ, cựu phó tổng thống Biden kêu gọi đòi "công lý cho George Floyd", đồng thời ngụ ý chỉ trích ông Trump vì phản ứng của ông với các cuộc biểu tình. Dưới đây là bài phát biểu ngắn của ông Biden:
"Tôi vừa có cơ hội nói chuyện với gia đình Floyd. Họ là những người thân thiện, đàng hoàng, đáng kính, yêu thương nhau. Và một lần nữa chúng tôi nghe thấy những từ đó, và họ cũng nghe thấy, rằng "tôi không thể thở được". Đó là minh chứng cho hành động tàn bạo không gì khác hơn ngoài việc chối bỏ quyền công dân và quyền con người của một người da đen ở Mỹ.
Thật vô nhân đạo đối với anh ấy. Và điều đó tước đi mạng sống của George Floyd, cũng như đã tước đi của Eric Garner một trong những bản năng cơ bản của con người: hít thở. Rất đơn giản, rất cơ bản, và rất tàn bạo.
Bạn biết đấy, điều tương tự đã xảy ra với (Ahmaud) Arbery, với Breonna Taylor, với George Floyd. Chúng tôi đã gọi to tên của họ. Chúng tôi đã khóc vì đau đớn và kinh hoàng. Chúng tôi đã khắc ghi những cái tên đó vào trái tim bị dày vò bấy lâu nay. Họ là những cái tên mới nhất được thêm vào danh sách vô tận... có niên đại hơn 400 năm. Đàn ông da đen, phụ nữ da đen, trẻ em da đen.
Tội lỗi tử thuở khai sinh ra đất nước này vẫn còn làm vấy bẩn nước Mỹ đến tận ngày hôm nay và đôi khi chúng ta cố gắng bỏ qua nó. Chúng ta tiếp tục tiến lên với hàng nghìn nhiệm vụ khác trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nó vẫn luôn ở đó, và trong những ngày này, chúng ta thấy rất rõ rằng nước Mỹ có vết thương hở.
|
Một người biểu tình bị thương do đạn cao su trong cuộc đụng độ ở thành phố Minneapolis, Mỹ, hôm 28/5. Ảnh: Reuters. |
Không ai trong chúng ta có thể quay lưng. Không ai trong chúng ta có thể im lặng. Không ai trong chúng ta có thể nghe câu "tôi không thể thở được" mà chịu ngồi im được nữa...
Mỗi ngày, người Mỹ gốc Phi sống cuộc sống bất an và bị tổn thương liên tục, thầm tự hỏi ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. Hãy tưởng tượng nếu mỗi lần chồng hoặc con trai, vợ hoặc con gái rời khỏi nhà, bạn lại lo sợ họ gặp nguy hiểm trước những mối đe dọa từ người xấu và cảnh sát tồi...
Hãy tưởng tượng cảnh sát gọi cho bạn chỉ vì bạn ngồi trong Starbucks hoặc thuê phòng trên Airbnb... Đây là quy tắc mà người da đen ở đất nước này phải thích nghi, nên họ không cần phải tưởng tượng ra những thứ đó. Một điều không thể phủ nhận là họ đã tức giận, thất vọng và kiệt sức.
Nhưng đó không phải là lời hứa mà nước Mỹ dành cho họ. Từ rất lâu rồi, chúng ta đã cam kết rằng Mỹ là quốc gia cho mọi người. Đây không phải là lúc để đăng ảnh cháy nổ trên Twitter. Đây không phải là lúc kích động bạo lực.
Đây là cuộc khủng hoảng quốc gia, và chúng ta cần sự lãnh đạo sáng suốt ngay bây giờ... để thực hiện các biện pháp chống nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Đây là lúc để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật mất lòng này. Đây là lúc để chúng ta đối mặt với vết thương hở và sâu của nước Mỹ.
Chúng ta cần công lý cho George Floyd. Chúng ta cần cải cách lực lượng cảnh sát đạt chuẩn mực cao hơn để từ đó, cảnh sát tồi phải chịu trách nhiệm và sửa chữa mối quan hệ giữa lực lượng hành pháp với cộng đồng mà họ từng thề sẽ bảo vệ. Chúng ta cần phải cùng nhau đứng lên như một quốc gia với cộng đồng da đen, với tất cả cộng đồng thiểu số và cùng nhau trở thành một nước Mỹ...
|
Người biểu tình vụ việc của Floyd mặc áo có dòng chữ "tôi không thể thở được". Ảnh: AFP. |
Nếu chúng ta lại cho phép vết thương này đóng vảy một lần nữa mà không điều trị tận gốc, vết thương sẽ không bao giờ thực sự lành lặn. Linh hồn của nước Mỹ đang bị đe dọa. Với danh nghĩa một quốc gia, chúng ta phải cam kết theo đuổi công lý... Chúng ta phải thực hiện đúng lời hứa của nước Mỹ, lời hứa chưa bao giờ được trọn vẹn, rằng: Tất cả đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng, không chỉ khi tạo hóa sinh ra họ mà còn bình đẳng trong suốt cuộc đời.
Một lần nữa, cảm ơn gia đình của George vì đã dành thời gian để nói chuyện với tôi. Tôi hứa với các bạn sẽ làm hết sức có thể để đòi công lý cho anh trai, cho người anh em họ của các bạn...
Cựu tổng thống Obama: "Phân biệt chủng tộc không thể là điều bình thường"
Cái chết của Floyd cũng khiến cựu tổng thống Barack Obama lên tiếng hôm 29/5. Ông nhấn mạnh rằng nạn phân biệt chủng tộc không thể là điều bình thường ở Mỹ vào năm 2020:
"Tôi muốn chia sẻ với các bạn cuộc hội thoại giữa tôi và một vài người bạn về video quay George Floyd bị một sĩ quan cảnh sát ghì cổ úp mặt xuống đường ở bang Minnesota.
Đầu tiên là email từ một doanh nhân người Mỹ gốc Phi trung niên.
'Này ông bạn, tôi phải kể cho ông nghe về vụ George Floyd ở Minnesota bị thương. Tôi đã khóc khi xem video đó. Nó làm tôi suy sụp. ‘Đầu gối ghì trên cổ' là hình ảnh ẩn dụ cho cách hệ thống này đè nén người da đen xuống dưới, phớt lờ tiếng kêu cứu của họ. Mọi người không quan tâm. Thực sự bi thảm'.
Một người bạn khác của tôi gửi bài hát nổi tiếng của ngôi sao 12 tuổi Keedron Bryant để mô tả nỗi thất vọng của mình.
Dù hoàn cảnh của bạn tôi và Keedron có thể khác nhau, nhưng nỗi thống khổ trong lòng họ là như nhau. Đây là điều mà tôi và hàng triệu người khác đều cảm nhận được.
Mọi người giờ đây đều muốn cuộc sống 'trở lại bình thường' sau khi bị đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế xáo trộn. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng đối với hàng triệu người Mỹ, bị phân biệt đối xử vì khác chủng tộc cũng là một điều 'bình thường' nhưng rất bi thảm, đau đớn và điên rồ. Dù đó là khi họ phải chật vật với hệ thống chăm sóc sức khỏe, hoặc hệ thống tư pháp hình sự, khi chạy bộ xuống đường phố, hoặc thậm chí chỉ xem chim trong công viên.
Đây không nên là điều bình thường trong năm 2020 ở Mỹ. Đây không thể là điều bình thường. Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta lớn lên trong một quốc gia hết mình vươn tới lý tưởng cao nhất, chúng ta phải trở nên tốt đẹp hơn.
Trách nhiệm điều tra vụ việc xoay quanh cái chết của George Floyd và thực thi công lý giờ đây chủ yếu nằm trên vai các quan chức bang Minnesota. Nhưng trách nhiệm cùng nhau tạo nên 'điều bình thường mới' lại nằm trong tay tất cả chúng ta - không phân biệt chủng tộc hay xuất phát điểm, chủ yếu là các nam, nữ nhân viên ngành hành pháp - để từ đó xóa đi dấu vết của sự phân biệt đối xử trong cộng đồng và trong trái tim mỗi người".
Theo Thủy Tiên/Zingnews.vn