Bằng cách đo đạc và phân tích những sóng gây sốc từ các vụ nổ dưới lòng đất, kể cả vụ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất và mới nhất ngày 3/9, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc tin rằng, tất cả các cuộc thử nghiệm này đều được thực hiện ở cùng một ngọn núi tại địa điểm thử nghiệm Punggye-ri.
|
Hình ảnh vị trí bãi thử tên lửa Punggye-ri chụp từ vệ tinh hồi tháng 4/2017 do Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp chụp. Ảnh: SCMP |
Nhóm nghiên cứu thí nghiệm địa vật lý và địa chấn này đã đưa ra tuyên bố trên trang web của họ ngày 4/9. Nhà nghiên cứu địa vật lý Ôn Liên Hạnh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, dựa trên dữ liệu thu thập được từ hơn 100 trung tâm giám sát động đất ở Trung Quốc, biên độ sai số không vượt quá 100 mét, tuy nhiên ông không bình luận gì thêm.
Nhóm ước tính, năng lượng được phát ra trong cuộc thử nghiệm mới nhất là khoảng 108,3 kiloton TNT, gấp 7,8 lần so với số lượng phát ra từ bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima ở Nhật vào năm 1945.
Một nhóm các nhà khoa học ở Na Uy cũng ước tính, lượng năng lượng do vụ nổ phát nổ tại Punggye-ri vào ngày 3/9 gấp 10 lần so với quả bom thả xuống Hiroshima.
Ông Vương Nại Yên, cựu Chủ tịch của Hiệp hội Hạt nhân Trung Quốc và là nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nói rằng, nếu những phát hiện của nhóm ông Ôn đáng tin cậy, có nguy cơ thảm họa môi trường nghiêm trọng.
Chỉ cần thêm một cuộc thử nghiệm nữa có thể khiến toàn bộ quả núi này tự chôn vùi, để lại một lỗ hổng mà từ đó bức xạ có thể thoát ra và trôi dạt khắp khu vực, kể cả Trung Quốc.
Vụ thử nghiệm ngày 3/9 của Triều Tiên đã kéo theo trận động đất kéo dài 8 phút sau đó. Theo giải thích của các nhà chức trách địa chấn Trung Quốc, đó là do hiện tượng vùi lấp bị kích hoạt bởi vụ nổ dưới lòng đất.
Ông Vương cho biết thêm, không phải mọi ngọn núi đều thích hợp cho việc thử nghiệm hạt nhân. Bởi lẽ, ngọn núi phù hợp phải cao nhưng dốc lại phải bằng phẳng. Dựa trên thực tế diện tích đất đai hạn hẹp của Triều Tiên, rất có thể Triều Tiên không có quá nhiều đỉnh núi thích hợp để lựa chọn làm nơi thử hạt nhân.
Ông Vương nói: "Nếu bom được đặt ở đáy của các đường hầm khoan theo chiều dọc, vụ nổ sẽ làm ít thiệt hại hơn. Tuy nhiên, các đường hầm dọc rất khó và tốn kém để xây dựng, và nó không dễ dàng để đặt cáp và cảm biến thu thập dữ liệu từ vụ nổ. Dễ dàng hơn nhiều là xây một đường hầm nằm ngang kéo sâu vào tâm núi, nhưng điều này làm tăng nguy cơ mọi thứ bị thổi bay lên trời."
"Một quả bom nặng 100 kiloton là một quả bom tương đối lớn. Chính phủ Triều Tiên nên ngừng các cuộc thử nghiệm vì chúng gây ra một mối đe dọa lớn không chỉ đối với Triều Tiên mà còn cho các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc ", ông Vương cho biết.
Tuy nhiên, ông Vương cũng cảnh báo rằng, có thể các tính toán của nhóm ông Ôn là sai. Các đợt sóng động đất di chuyển ở các tốc độ khác nhau thông qua các loại đá khác nhau, do đó, không dễ dàng đưa ra dự đoán chính xác dựa trên dữ liệu địa chấn.
Trong thời gian này, các nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm cả Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia, sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các cuộc thử hạt nhân do Triều Tiên thực hiện. Các báo cáo về phóng xạ của chính phủ Trung Quốc đưa ra hôm 4/9 cho thấy không có gì bất thường.
Theo Hà Thu/Tiền Phong