Ngạc nhiên lý do Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga

Google News

Giới phân tích nhận định việc rút khỏi hiệp ước INF sẽ cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên đất liền ở bất kỳ khu vực nào và mục tiêu có thể là để đối phó Trung Quốc hơn là khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang với Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Động thái này thoạt nhìn dường như là một cuộc tấn công vào đối thủ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mục tiêu sâu xa của kế hoạch là để đối phó Trung Quốc.
Fu Mengzi, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng kế hoạch rút khỏi INF của Tổng thống Trump là dấu hiệu cho thấy Washington đang chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi với Bắc Kinh.
“Sau khi rời khỏi hiệp ước INF, Mỹ sẽ thúc đẩy một giai đoạn phát triển quân sự và triển khai vũ khí mới”, ông Fu nói với SCMP.
INF là gì và tại sao Mỹ muốn rút?
INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết vào ngày 8/12/1987. Hiệp ước cấm Mỹ và Liên Xô triển khai các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn trên đất liền có tầm bắn từ 500 - 1.000 km và các tên lửa tầm trung tầm bắn từ 1.000 đến dưới 5.500 km.
Hiệp ước không ràng buộc đối với các loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu chiến trên biển. Tính đến tháng 5/1991, 2.692 tên lửa đạn đạo phóng trên đất liền đã bị loại bỏ theo hiệp ước, gồm 846 tên lửa của Mỹ và 1.864 tên lửa của Liên Xô.
Ngac nhien ly do My rut khoi hiep uoc hat nhan voi Nga
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, vũ khí mà Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF. Ảnh: Business Insider. 
INF được đánh giá là một thỏa thuận lịch sử, góp phần ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân ở châu Âu. Tuy vậy, vai trò của hiệp ước có dấu hiệu xuống cấp trong khoảng một thập kỷ trở lại đây.
Washington liên tục cảnh báo Moscow vi phạm INF với việc phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân.
“Chúng ta sẽ không để họ tiếp tục ngang nhiên vi phạm, phát triển vũ khí, trong khi chúng ta lại không được phép làm điều tương tự. Nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục phát triển hạt nhân còn chúng ta vẫn tuân thủ đúng cam kết, đó là điều không thể chấp nhận được", Tổng thống Trump nói trong cuộc vận động tranh cử tại bang Nevada.
Hiện tại, Mỹ không có tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền có tầm bắn trên 500 km. Nhưng Nga dường như đã có loại vũ khí này với sự phát triển của tên lửa Iskander. Bên cạnh việc cáo buộc Nga vi phạm INF, Trung Quốc cũng là một yếu tố để Tổng thống Trump muốn rút khỏi thỏa thuận này.
Trung Quốc không phải là một phần của INF, nên có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Bắc Kinh đang sở hữu danh sách dài các loại tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn, tầm trung đến liên lục địa. Tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có tầm bắn tối đa tới 15.000 km, đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm bắn của chúng.
Với bối cảnh hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại và không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ. Bên cạnh đó, căng thẳng quân sự giữa 2 nước liên tục gia tăng, đặc biệt là ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục khẳng định quyền tự do triển khai các hoạt động trên vùng biển quốc tế, tạo ra sự thách thức với tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc bị ràng buộc bởi INF khiến Mỹ không thể triển khai tên lửa đạn đạo trên đất liền ở khu vực Thái Bình Dương, đặt Mỹ vào thế bất lợi so với Trung Quốc. Đô đốc Harry Harris, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, từng nói với Quốc hội Mỹ trong năm 2017, rằng Mỹ không có khả năng đối phó với mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc nhắm vào căn cứ và tàu thuyền ở châu Á – Thái Bình Dương.
“Thực tế này là rất quan trọng bởi vì Mỹ không có khả năng đáp trả Trung Quốc ở lĩnh vực này do sự tuân thủ của chúng ta đối với INF ký kết với Nga”, đô đốc Harris từng nói tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Đặt thế giới vào tình huống nguy hiểm
Giới phân tích nhận định động thái rút khỏi INF sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn, đặt thế giới vào tình huống nguy hiểm. Trung Quốc sẽ sử dụng việc Mỹ rút khỏi INF để biện minh cho sự phát triển quân đội của họ. Với Nga, họ sẽ tiếp tục và công khai phát triển các loại vũ khí mà lâu nay bị nghi ngờ vi phạm hiệp ước.
Ngac nhien ly do My rut khoi hiep uoc hat nhan voi Nga-Hinh-2
 Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc, vũ khí mà Mỹ và Nga không thể phát triển sau khi ký thỏa thuận INF. Ảnh: China Daily.
Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng động thái của Tổng thống Trump sẽ giúp quân đội Mỹ tự do hơn trong việc phát triển và triển khai vũ khí thông thường và hạt nhân. “Theo nghĩa rộng, điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho sự an toàn của Nga hay Trung Quốc mà là cho cả thế giới”, ông Liu nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với Interfax, cựu Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev, người đã ký INF, gọi tuyên bố của Tổng thống Trump là “hành động liều lĩnh”, một quyết định đe dọa hòa bình thế giới.
John Kirby, nhà phân tích quân sự và ngoại giao của CNN, giải thích hiệp ước không được thiết kế để giải quyết tất cả vấn đề của Mỹ với Liên Xô và Nga hiện nay, nhưng đem lại một số biện pháp ổn định chiến lược ở châu Âu. Nếu Mỹ thực sự rút khỏi INF, châu Âu sẽ là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, giới phân tích kỳ vọng tuyên bố rút khỏi INF của Tổng thống Trump chỉ là lời đe dọa đối với Nga chứ không phải là một quyết định mang tính pháp lý.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn