|
Một tiêm kích F-16 (Ảnh: AP). |
Phát biểu tại cuộc họp hôm 1/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố lực lượng Nga đã thực hiện hơn 1.400 vụ đánh chặn thành công trong tháng 10.
Ông Shoigu cho biết con số này bao gồm 37 máy bay chiến đấu của Ukraine, gần gấp đôi số tiêm kích F-16 mà các quốc gia phương Tây định cấp cho Kiev.
"Nếu lực lượng phòng không của chúng tôi tiếp tục hoạt động hiệu quả như vậy, toàn bộ phi đội F-16 sẽ bị bắn hạ trong khoảng 20 ngày", ông Shoigu cảnh báo.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay mà lực lượng quân sự nước này bắn hạ vào tháng trước chủ yếu là các máy bay MiG-29 và Su-25 do Liên Xô thiết kế. Ông Shoigu từng tuyên bố rằng quân đội Nga đã sử dụng "các tổ hợp mới" để cải thiện khả năng đánh chặn.
Tass dẫn một nguồn tin cho biết, Nga đã sử dụng máy bay cảnh báo sớm A-50, hay còn gọi là "Radar bay", để phát hiện các mục tiêu của Ukraine sớm hơn và ở tầm thấp hơn. Các cuộc tấn công được cho là hiệu quả nhờ tên lửa phòng không tầm xa bắn từ hệ thống S-400, được trang bị đầu đạn mới và được dẫn đường bằng dữ liệu từ radar trên không.
Kể từ khi bắt đầu xung đột với Moscow, Kiev đã hối thúc các đồng minh cung cấp vũ khí ngày càng tiên tiến. Các phi công Ukraine đang được huấn luyện để lái F-16.
Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đã cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine trong vài năm tới. Đây là một phần trong chương trình chuyển đổi sang các máy bay quân sự hiện đại hơn của các nước này.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đầu tuần này tuyên bố, các máy bay F-16 đầu tiên được chính phủ của ông phân bổ trong vòng hai tuần tới sẽ được đưa đến một căn cứ quân sự ở Romania, nơi tiến hành huấn luyện cho lực lượng Ukraine.
Các thông tin về số lượng F-16 mà Ukraine có thể nhận được hiện không nhất quán. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 8 tuyên bố ông đã được Hà Lan và Bỉ hứa cấp 42 máy bay chiến đấu này, nhưng tuyên bố chung của các nhà tài trợ không đề cập đến con số cụ thể.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Rutte cho biết toàn bộ phi đội F-16 của Hà Lan có 42 máy bay và họ sẽ cần giữ lại một số chiếc cho mục đích huấn luyện.
Các nước ủng hộ Ukraine cho rằng vũ khí do phương Tây cung cấp sẽ trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột, bao gồm hệ thống pháo phóng loạt HIMARS, tên lửa hành trình Storm Shadow, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Tổng thống Zelensky từng ca ngợi cam kết cấp F-16 cho Ukraine hồi tháng 8 là bước đi "lịch sử, mạnh mẽ và đầy động lực".
Tuy nhiên, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, Tướng James B. Heckler, hồi tháng 8 cảnh báo rằng việc để các phi công Ukraine có đủ trình độ thành thạo điều khiển F-16 có thể phải mất 4-5 năm. Điều đó có nghĩa là khi Ukraine nhận F-16, tiêm kích này có thể giúp ích cho Kiev, nhưng đây không phải là "viên đạn bạc" có thể thay đổi cuộc chơi.
Trong khi đó, Nga đã bác bỏ quan điểm trên, cảnh báo số vũ khí mới được cung cấp của phương Tây "sẽ bốc cháy như những vũ khí còn lại".
Theo Thành Đạt/Dân trí