|
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vui mừng bắt tay nhau sau khi thỏa thuận Sochi Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về Syria được ký kết |
Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận như thế nào?
Ngày 22/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành đàm phán suốt 7 giờ về tình hình Syria ở Sochi, Nga. Sau cuộc đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận và công bố Bản ghi nhớ gồm 10 điểm nội dung.
|
Đoàn đại biểu hai bên gặp gỡ báo chí sau khi ký thỏa thuận Sochi |
Thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được chủ yếu xoay quanh mối quan tâm lớn của phía Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề người Kurd. Theo nội dung của thỏa thuận, quân đội Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ bắt đầu tiến vào khu vực bên phía Syria của biên giới Syria –Thổ Nhĩ Kỳ ngoại trừ khu vực quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát trong chiến dịch “Con suối Hòa bình” từ 12 giờ trưa ngày 23/10. Trong 150 giờ (6 ngày) tiếp theo, các nhân viên và vũ khí của Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) sẽ được vận chuyển tới khu vực cách đường biên giới 30 km và quân đội Nga - Syria sẽ tuần tra trong khu vực hành lang sâu 32 km tính từ đường biên giới.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đọc nội dung bản thỏa thuận. |
Ngoài ra, thỏa thuận cũng cho phép chiến dịch “Con suối Hòa bình” mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động ở miền bắc Syria diễn ra trong một khu vực hạn chế mà họ hiện đang kiểm soát và phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiến hành các cuộc tiến công mới.
Hãng truyền hình Mỹ CNN cho rằng người Kurd sẽ buộc phải nhượng bộ. Bản thỏa thuận này yêu cầu YPG hoặc Quân đội Dân chủ Syria (SDF) phải rút khỏi một số khu vực xung đột. Người Kurd Syria có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép quân đội Syria được Nga hậu thuẫn tiến vào các khu vực vốn nằm dưới sự kiểm soát của họ. Quan trọng hơn là, thỏa thuận này cũng có nghĩa là người Kurd có một “người bảo lãnh” mới. “Người bảo lãnh” này rõ ràng là không phải là Washington đã quyết định rút quân, mà chính Moscow đã trở thành kẻ thay thế.
|
Hãng CNN nhận định Mỹ là bên thua thiệt nhất sau khi hai ông Putin và Erdogan ký thỏa thuận về Syria |
Thỏa thuận mang gì đến cho Mỹ?
Rõ ràng, hai ông Putin và Erdogan đã trở thành những nhà môi giới quyền lực chủ yếu của địa chính trị trong khu vực. CNN chỉ ra rằng Putin và Erdogan dường như không có ý định vẽ lại đường biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không khuyến khích phong trào ly khai. Trên cơ sở đó, Moscow ít nhất thu được hai lợi ích. Thứ nhất là thành công của chính sách đối ngoại. Vào ngày hội đàm, ông Putin đã tuyên bố Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý duy trì “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Syria. Thứ hai, Moscow hiện đã được đảm bảo rằng Ankara phải tiến hành đàm phán trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad.
Trong trò chơi đa phương này, người thua cuộc về địa chính trị lớn nhất chính là Washington. Việc rút quân đội Mỹ này có thể nói chính là gửi tặng Moscow một “món quà”. Còn việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận này càng khiến Mỹ lâm vào tình trạng “đã xấu lại càng tồi tệ hơn”.
|
Xe bọc thép của lực lượng quân cảnh Nga tại thành phố Manbij, miền Bắc Syria. |
Trên thực tế, chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergey Shoigu, đã tuyên bố rằng người Mỹ nên rút khỏi Syria. Trước khi quy định 120 giờ theo thỏa thuận ngừng bắn Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đáo hạn; ngày 22/10, ông Shoigu đã lớn tiếng nhắc nhở “chỉ còn lại 1 giờ 31 phút” cho việc quân đội Mỹ rời khỏi Syria.
Tổng thống Assad ủng hộ thỏa thuận
Được biết, ngay sau khi thỏa thuận 10 diểm với Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết, Tổng thống Nga Putin đã gọi điện cho Tổng thống Syria Bashar al Assad để thông báo tin này. Ông Putin nói, khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria là nhiệm vụ chủ yếu. Tổng thống Adsad đã bày tỏ ủng hộ hiệp nghị Nga – Thổ Nhĩ Kỳ về Syria và bày tỏ cảm ơn ông Putin. Ông cũng nói rằng lính biên phòng Syria đang chuẩn bị hợp tác với quân đội Nga.
|
Tình hình miền Bắc Syria ngày 23/10: màu Tím là khu vực quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát; Xanh Lam: khu vực quân đội chính phủ Syria kiểm soát và tuần tra; Xanh Lá cây: khu vực lực lượng người Kurd phải rút đi. Dải đất kéo dài dọc biên giới là "khu vực an ninh" rộng 30 km. |
Tổng thống Assad từng tuyên bố rằng chính phủ Syria kiên quyết phản đối việc chiếm lãnh thổ Syria vì bất kỳ lý do gì và những người theo đuổi mục tiêu ly khai phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại ở miền bắc Syria.
Ngày 22 tháng 10, khi tình hình đang căng thẳng, Tổng thống Assad đã đích thân đến thăm thị trấn Habit, tiền tuyến của tỉnh Idlib, thăm hỏi các binh sĩ tham gia chiến dịch Idlib và gặp gỡ Tư lệnh Sư đoàn Những con hổ, Thiếu tướng Hassan. Khi gặp các sĩ quan và binh sĩ tiền tuyến, ông Assad gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một “tên trộm” đang “đánh cắp lãnh thổ”.
|
Tổng thống Syria Assad thăm, động viên sư đoàn "Những con Hổ" ở mặt trận tỉnh Idlib ngày 22/10. |
Nhưng ông Assad nói, nhiệm vụ tiếp theo của Quân đội Ả Rập Syria là tiếp tục tiến vào khu vực Nam Idlib. Khi phát biểu động viên binh lính, ông nói: Chúng ta đã nói và sẽ tiếp tục nói rằng chiến dịch Idlib mang tính quyết định và sẽ chấm dứt sự hỗn loạn và chủ nghĩa khủng bố trên khắp Syria.
Theo Thu Thủy/VietTimes