"Chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề nhân đạo và tìm mọi cách có thể để đưa Mariupol ra khỏi vòng phong tỏa", ông Boychenko cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm 5/3.
“Ưu tiên của chúng tôi là thiết lập lệnh ngừng bắn để có thể khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời thiết lập hành lang nhân đạo để đưa thực phẩm cũng như thuốc men vào thành phố", ông nói thêm, theo AFP.
|
Thị trưởng thành phố Mariupol kêu gọi mở hành lang nhân đạo. Ảnh: Reuters.
|
Việc phong tỏa Mariupol sẽ giúp Moscow có lợi thế chiến lược, giúp kết nối với các lực lượng Nga đến từ Crimea, cũng như với quân đội của họ ở Donbas.
Cùng với Kherson và Odessa, Mariupol là thành phố mang ý nghĩa chiến lược của Ukraine, nằm giữa vùng Donbas và bán đảo Crimea. Thành phố này đã bị pháo kích, đồng thời bị cắt điện và nước giữa mùa đông lạnh giá.
Đầu tuần này, thị trưởng Mariupol đã cáo buộc quân đội Nga phá hủy các cây cầu và xe lửa để ngăn người dân rời đi. Ông Boychenko cũng cho biết trong 5 ngày qua, quê hương với khoảng 500.000 dân của ông đã bị tấn công dữ dội, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục phản kháng.
Giới chức ở Mariupol hôm 2/3 cho biết họ đã bị bao vây. Quân đội Nga đã pháo kích vào nhiều địa điểm dân sự, bao gồm các khu dân cư, bệnh viện và ký túc xá cho những người phải di tản do giao tranh.
Lực lượng Nga tăng cường tấn công cảng quan trọng ở Odesa
Các lực lượng trên bộ của Nga đã bắt đầu cuộc tấn công hướng tới một cảng quan trọng ở thành phố Odesa, phía nam Ukraine.
Việc phong tỏa thành phố cảng Mykolaiv trước đó được xem là bước đệm quan trọng để quân đội Nga tiến vào Odesa.
Trong khi đó, các đợt không kích và pháo binh tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước, bao gồm cả phía tây bắc thủ đô Kyiv và các thành phố phía đông bắc như Kharkiv và Okhtyrka.
Cuộc giao tranh mới nhất xảy ra ở thành phố Chernihiv, miền Bắc Ukraine, đã nâng số người thiệt mạng lên 47 người “sau một cuộc không kích vào khu dân cư”, Guardian dẫn lời một quan chức địa phương cho biết.
|
Khu vực Nga kiểm soát tính tới ngày 4/3 (giờ Việt Nam). Đồ họa: New York Times.
|
Singapore thực hiện động thái chưa từng có để trừng phạt Nga
Chính phủ Singapore sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga. Một cựu quan chức ngoại giao Singapore cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ chính quyền đảo quốc lên án một nước mà không có sự chấp thuận ràng buộc từ phía Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Lệnh trừng phạt bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng làm vũ khí, áp đặt biện pháp tài chính đối với một số ngân hàng Nga và các hạn chế đối với các giao dịch tiền điện tử, Bloomberg dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Singapore ngày 5/3.
Singapore cũng cấm các tổ chức tài chính của nước này cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho Ngân hàng Trung ương Nga.
Giới siêu giàu Nga mất hơn 80 tỷ USD vì lệnh trừng phạt của phương Tây
Theo RT, các tỷ phú hàng đầu của Nga đã mất hơn 80 tỷ USD giá trị tài sản trong tuần qua do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chỉ số Tỷ phú Bloomberg cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế xung quanh chiến sự Nga - Ukraine đã làm ''bốc hơi'' khoảng 1/3 tài sản của 20 tỷ phú giàu nhất nước Nga trong tuần qua. Tác động của các lệnh trừng phạt đối với giới tài phiệt, cùng với sự sụp đổ của đồng rúp và nền kinh tế Nga đã nhanh chóng kết thúc kỷ nguyên của toàn bộ tầng lớp tinh hoa Nga trên khắp thế giới.
Các chuyên gia Nga đánh giá những tác động tài chính có thể chỉ mới bắt đầu.
Tỷ phú bị tổn hại nhiều nhất về đồng USD là ông trùm Gennady Timchenko của Tập đoàn Volga khi tài sản sụt giảm từ mức 22 tỷ USD xuống còn 11 tỷ USD. Giám đốc điều hành Leonid Mikhelson của công ty khí đốt Nga Novatek, mất 10,5 tỷ USD, tài sản hiện còn 22 tỷ USD.
Tỷ phú Vladimir Potanin - một trong những người giàu nhất của Nga - chưa bị gọi tên vào các danh sách trừng phạt nhưng đã hao hụt tới 1/4 tài sản, xuống còn 25 tỷ USD.
Nhiều hãng truyền thông lớn dừng hoạt động ở Nga
"CNN sẽ ngừng phát sóng ở Nga trong khi chúng tôi tiếp tục đánh giá tình hình và các bước tiếp theo trong tương lai", người phát ngôn của hãng truyền thông cho biết hôm 4/3, theo Reuters.
Các tổ chức tin tức bao gồm BBC và Canadian Broadcasting Corp (CBC), cũng đã đình chỉ việc đưa tin từ Nga sau khi luật mới được thông qua.
“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ công việc của tất cả nhà báo của BBC News và nhân viên hỗ trợ của họ tại Nga, trong khi chúng tôi đánh giá toàn bộ tác động của sự việc không mong muốn này”, Tổng giám đốc BBC Tim Davie nói.
Hãng tin Bloomberg có trụ sở tại Mỹ cũng thông tin về việc tạm thời đình chỉ công việc của các nhà báo bên trong nước Nga.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về trách nhiệm hình sự do việc phổ biến thông tin sai lệch về các Lực lượng vũ trang của Liên bang Nga hôm 4/3.
Sáng kiến luật đã được Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang Nga xem xét và thông qua tại các phiên họp toàn thể, trong cùng ngày.
Theo Vân Đinh/Zing