Nga đang tìm cách “lấn sân” Mỹ ở Trung Đông?

Google News

Việc Nga cải thiện quan hệ với các nước vùng Vịnh cho thấy chiến lược “khôn khéo” của Điện Kremlin nâng ảnh hưởng với các đồng minh Mỹ ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay (3/3) bắt đầu chuyến công du một loạt quốc gia Arab vùng Vịnh, trong đó có Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh vai trò của Nga tại khu vực Trung Đông đang ngày càng được củng cố, thách thức mọi tham vọng của các đời chính quyền Mỹ biến khu vực này thành “sân nhà”.
Trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 5 ngày (từ 3/3-7/3), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao khu vực để thảo luận về tình hình Syria và các điểm nóng khác, cũng như tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Chuyến đi được xem là nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Nga và các quốc gia vùng Vịnh, mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và văn hóa.
Nga dang tim cach “lan san” My o Trung Dong?
 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik.
Đây cũng là chuyến đi chuẩn bị cho Diễn đàn hợp tác Nga- Arab tại thủ đô Moscow dự kiến vào tháng 4 tới. Theo giới quan sát, việc Nga ngày càng cải thiện quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh cho thấy một chiến lược “khôn khéo” của điện Kremlin trong việc nâng tầm ảnh hưởng với một số đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.
Nhận định này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang tham vọng biến khu vực này “sân nhà”, với sáng kiến thành lập một liên minh quân sự giữa các nước Arab theo mô hình Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phát biểu hôm 25/2 vừa qua tại một hội nghị mang tên “Mối quan hệ kiểu mẫu trong một thế giới bất ổn”, Ngoại trưởng Lavrov cũng đã đặt câu hỏi về những tham vọng của Mỹ khi muốn thành lập “một NATO Arab”, bao gồm 6 quốc gia vùng Vịnh Persic, cùng với Ai Cập và Jordan. Theo Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, Mỹ đang tìm cách vẽ lại bức tranh địa chính trị, song theo một cách gây cản trở sự phát triển tự nhiên của các sự kiện và ngăn chặn sự hình thành các trung tâm tăng trưởng mới.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiến hành thảo luận với môt loạt quan chức của những nước liên quan, trong đó có 6 nước vùng Vịnh Persic là Bahrain, Qatar, Kuwait, UAE, Oman và Saudi Arabia, cùng với Ai Cập và Jordan. Một trong những mục đích chính là thống nhất lập trường của 8 nước nhằm hiện thực hóa sáng kiến “NATO Arab”.
Muốn chấm dứt nỗi khổ viêm đại tràng - Hãy thực hiện ngay 4 bước này
"Bảo bối" giúp người hội chứng ruột kích thích thoát nỗi ám ảnh
Tài trợbifina.vn
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner cũng đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ công du các quốc gia Arab vùng Vịnh nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình Trung Đông, mà Mỹ ấp ủ trong suốt 2 năm qua, với cách tiếp cận nhìn từ khía cạnh kinh tế.
Ông Kushner nói: “Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến và chia sẻ với các nước đồng minh vùng Vịnh về kế hoạch hòa bình do Mỹ đề xuất, đặc biệt là triển vọng kinh tế nếu đạt được hòa bình tại Trung Đông. Nếu có cơ hội giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy nhiều cơ hội hơn cho người dân Palestine, người dân Israel và người dân trong khu vực”.
Tờ Le Figaro của Pháp từng đăng tải bài viết nhan đề: “Liệu Nga có là ông chủ mới của Thế giới Arab?”, đã phần nào cho thấy cuộc tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Nga và Mỹ tại Trung Đông. Có thể nói, với cuộc can thiệp vào Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad, địa vị của Nga tại khu vực đang ngày càng được củng cố và thậm chí thời gian gần đây có phần lấn lướt Mỹ.
Tác giả bài viết khi đó nhận định, một chuỗi các sự kiện phức tạp nổ ra từ năm 2011 đã đẩy Nga vào đấu trường này. Có thể nói, Nga là cường quốc duy nhất có liên hệ với mọi bên để có thể đóng vai trò trung gian. Nga hợp tác chặt chẽ với Iran trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria và cũng chính Nga chủ động xích lại với Qatar để thúc đẩy nước này đối thoại với Saudi Arabia.
Tất cả những điều này đã một lần nữa cho thấy vai trò không thể phủ nhận của Nga tại Trung Đông và chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Lavrov cũng không nằm ngoài mục đích “gia cố” các mối quan hệ với mọi tác nhân trong vùng, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, thách thức mọi tham vọng của Mỹ./
Theo Thu Hoài/VOV