Tu chính án thứ 20 của Mỹ tuyên bố rằng quyền lực của tổng thống, kèm theo quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang, sẽ chuyển giao cho tổng thống đắc cử vào ngày 20/1.
Vai trò của quân đội ở đâu?
Cả các quan chức quốc phòng và dân sự đương chức cũng như đã nghỉ hưu đều nhấn mạnh rằng quân đội không có vai trò gì trong việc chuyển giao quyền lực này và sẽ không can thiệp.
“Chúng tôi tin tưởng vào sự kiểm soát dân sự đối với quân đội và chúng tôi tôn trọng các nhà lãnh đạo dân sự được bầu và bổ nhiệm của chúng tôi”, tướng về hưu George Casey, người từng giữ chức tham mưu trưởng lục quân trong quá trình chuyển đổi quyền lực từ cựu tổng thống George W. Bush sang tổng thống đắc cử lúc bấy giờ là Barack Obama sau cuộc bầu cử năm 2008.
|
Ông Trump trong một lần phát biểu trước các tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội Mỹ
|
Tướng lĩnh cấp cao nhất của Mỹ, chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mark Milley, đã nói thẳng rằng quân đội sẽ không có vai trò gì trong vấn đề này, đề cập các câu hỏi về việc chuyển giao quyền lực trong một cuộc phỏng vấn của đài NPR gần đây.
“Đây không phải là lần đầu tiên ai đó gợi ý rằng có thể có một cuộc bầu cử gây tranh cãi”, tướng Milley nói với NPR. “Và nếu có, nó sẽ được tòa án và quốc hội Mỹ xử lý một cách thích đáng. Quân đội Mỹ không có vai trò gì trong việc xác định kết quả của một cuộc bầu cử ở Mỹ. Không. Không có vai trò nào ở đó”.
Cựu bộ trưởng không quân Deborah Lee James cho biết bà đồng ý với ông Milley rằng không có vai trò nào đối với quân đội đang tại ngũ trong hoàn cảnh này.
Bà James nói: “Nếu có tình trạng bất ổn, hoặc điều gì đó tương tự ở cấp địa phương, Vệ binh Quốc gia của chúng tôi sẽ được các thống đốc điều động”. “Rõ ràng là chúng ta không muốn thấy bạo lực ở mọi cấp độ, mọi nơi và tôi cũng tin rằng khi tất cả được nói ra và thực hiện thì đây sẽ là một quá trình chuyển đổi hòa bình”.
Câu hỏi về việc liệu sự chuyển giao quyền lực này có diễn ra trong hòa bình hay không là điều đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc chuyển đổi trước đây, ngay cả trong các lần gây tranh cãi, cuối cùng cả hai chính đảng đều đặt đất nước lên hàng đầu.
“Từ góc độ quân sự, năm 2008 là một sự chuyển giao trong chiến tranh. Và cả tổng thống và các nhân viên đã làm việc rất chăm chỉ để đảm bảo công việc suôn sẻ”, tướng Casey nói.
Đây không phải là lần đầu tiên một cuộc chuyển giao quyền lực gây tranh cãi đã làm dấy lên câu hỏi về vai trò của quân đội hoặc lòng trung thành của quân đội nằm ở đâu.
“Trở lại khi tổng thống Richard Nixon đang gặp vấn đề, bộ trưởng Quốc phòng Jim Schlesinger nói với quân đội rằng “nếu bạn nhận được bất kỳ lệnh trực tiếp nào từ Nhà Trắng, hãy nói với tôi. Đừng làm bất cứ điều gì cho đến khi các anh nói với tôi”, Larry Korb, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ và là cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Ronald Reagan, nói.
“Mọi người nói rằng việc là bất hợp pháp về mặt kỹ thuật, nhưng đã phát huy tác dụng”, ông Korb nói, ám chỉ chuyện bộ trưởng Schlesinger đã tìm cách lần lữa và bất tuân tổng thống.
Tổng thống đắc cử có nhiều lựa chọn
Deborah Pearlstein, giáo sư luật hiến pháp và đồng giám đốc Trung tâm Dân chủ Hiến pháp Floersheimer tại Trường luật Cardozo cho biết nếu ứng cử viên Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden đắc cử, sau trưa 20/1, ông sẽ quyết định chi nhánh thực thi pháp luật nào, chẳng hạn như Cảnh sát Tư pháp Mỹ hoặc Mật vụ. Ông Biden dự kiến sẽ chỉ đạo cơ quan được chọn để đưa ông Trump rời Nhà Trắng.
“Nếu Donald Trump vẫn ngồi trong Phòng Bầu dục, Joe Biden sẽ quyết định đâu là lực lượng liên bang có liên quan mà ông ấy sẽ chọn sử dụng”, giáo sư Pearlstein nói.
Bà Pearlstein nói trong khi điều đó có thể bao gồm việc sử dụng quân đội, “có nhiều lựa chọn hợp pháp. Sử dụng quân đội là một trong những lựa chọn hợp pháp ít rõ ràng nhất mà ông ấy có và là một trong những lựa chọn khó khăn nhất về mặt chính trị”.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, trợ lý Andrew Bates của ông Biden cũng đề nghị chiến dịch tranh cử của ông sẵn sàng đối phó với khả năng ông Trump sẽ không rời đi nếu thất cử.
“Chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ vi phạm ra khỏi Nhà Trắng”, ông Bates nói với McClatchy.
Giáo sư Pearlstein cho biết trong tình huống đó, Mật vụ có thể sẽ là cơ quan được ưu tiên hơn vì cơ quan này đã chịu trách nhiệm bảo vệ các cựu tổng thống và do tính nhạy cảm của vấn đề.
“Nếu ông ấy từ chối rời đi, tôi tưởng tượng những người ủng hộ ông ấy cũng đổ ra đường phố và những nơi khác,” bà nói. "Đó là điều mà tổng thống mới muốn xử lý rất cẩn thận”.
Theo Anh Minh/Tiền Phong