Mỹ từng chiêu mộ và huấn luyện biệt đội "cảm tử" hạt nhân

Google News

Quân đội Mỹ từng tuyển dụng và huấn luyện một biệt đội cảm tử có nhiệm vụ lao vào hàng ngũ của kẻ thù với chiếc ba lô chứa bom hạt nhân đeo trên lưng.

Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), quân đội Mỹ bắt đầu đẩy mạnh phát triển công nghệ hạt nhân, họ triển khai tất cả các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật từ vũ khí chống ngầm cho tới tên lửa chiến trường được thiết kế nhằm vô hiệu một cách nhanh chóng lực lượng quân địch. SADM (đạn phá hủy nguyên tử đặc biệt) ra đời trong hoàn cảnh đó.
SADM nặng 27 kg được bọc trong vỏ nhôm và sợi thủy tinh. Mặc dù kích thước không quá lớn, có thể nhét vừa trong một chiếc ba lô nhưng SADM có sức công phá khủng khiếp, bằng 1/16 vụ nổ hạt nhân ở Hiroshima, Nhật Bản. Quân đội Mỹ được cho là sở hữu hàng chục vũ khí hạt nhân "tí hon" này vào những năm 1960,1970.
My tung chieu mo va huan luyen biet doi
 Phương tiện vận chuyển H-912 dùng để chứa SADM được trưng bày trong Bảo tàng nguyên tử Quốc gia mỹ. (Ảnh: Flickr)
Một lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ gọi là Đội A với các thành viên từ Thủy quân lục chiến và Hải quân SEALs được huấn luyện theo một quy trình nghiêm ngặt để sử dụng SADM. SADM có thể tấn công vào các sân bay, cảng, trung tâm công nghiệp và nhiều mục tiêu khác. Các chỉ huy quân đội Mỹ vào thời điểm đó tin rằng chỉ cần vài binh sỹ mang theo vũ khí này là đủ để công phá hàng loạt xe tăng và đoạt mạng hàng chục nghìn binh sỹ địch.
Theo ông Mark Bentley, một cựu binh Mỹ từng được tuyển mộ vào Đội A, ông và các đồng đội đều tự hiểu rằng một khi khoác ba lô mang SADM trên vai, họ đang nhận một nhiệm vụ tự sát, không có đường trở lại. Bên cạnh đó, một người sẽ phải ở lại cho tới cùng để chắc chắn rằng kẻ thù không phát hiện ra hoặc vô hiệu hóa quả bom.
"Quân đội sẽ không để một quả bom như vậy và chạy đi, bỏ lại nó vì họ không thể chắc chắn rằng có ai nhận ra nó hay không. Sẽ có người phải ở đó để chắc chắn rằng nó không bị đánh cắp", cựu binh 89 tuổi nhớ lại.
Mặc dù vậy, SADM chưa bao giờ được sử dụng. Tới năm 1989, Đội A của ông Bentley giải tán. Lầu Năm Góc chưa bao giờ đưa ra lý do chính thức lý giải nguyên nhân loại bỏ vũ khí này, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nhiệm vụ SADM nhiều khả năng sẽ không thể thành thành công trong một kịch bản chiến tranh tổng lực.
Thêm vào đó, sẽ là một thảm họa nếu quân địch phát hiện và vô tình bắn hạ máy bay chở theo binh sỹ mang theo SADM. Nhiều người cũng tin rằng sẽ an toàn hơn nhiều khi triển khai một chiêu bài cũ nhưng hiệu quả ném bom từ một máy bay hạt nhân.
Theo Song Hy/VTC News