Vào năm 2016, hai ông lớn công nghệ là Facebook và Google đã bắt tay nhau hợp tác đầu tư với các công ty viễn thông Trung Quốc là TE SubCom và Dr.Peng Telecom & Media nhằm triển khai xây dựng dự án mang tên Mạng cáp quang Thái Bình Dương (Pacific Light).
Mạng cáp quang Thái Bình Dương được đánh giá là một dự án đầy tham vọng với mục tiêu mở rộng lưu lượng truy cập Internet giữa hai châu lục, theo kế hoạch sẽ kết nối các khu vực Mỹ, Hong Kong, Đài Loan và Philippines.
|
Được mệnh danh là con rắn khổng lồ, Pacific Light có chiều dài 12.800km. Ảnh: AP.
|
Nếu chính thức đi vào hoạt động, Pacific Light sẽ trở thành tuyến cáp quang dưới biển đầu tiên làm cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực Hong Kong và Mỹ. Với chiều dài 12.800 km cùng tốc độ truy cập được dự đoán lên tới 120 terabyte/giây, tuyến cáp quang này có khả năng cho phép 80 triệu cuộc họp video trực tuyến chất lượng cao diễn ra cùng lúc.
Tuy nhiên, dự án Pacific Light tuyến kết nối giữa Hong Kong và Mỹ đang phải hứng chịu nhiều làn sóng phản đối từ phía Mỹ.
Theo lời các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố, tuyến cáp quang 12.800km Pacific Light có thể sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các hoạt động tình báo Trung Quốc, vốn là mối hiểm họa tiềm tàng cho an ninh quốc gia dưới quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt trong thời điểm mối quan hệ giữa hai nước này đang tiến triển không mấy tốt đẹp.
Ngày 17/6, Team Telecom, một đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi các rủi ro bảo mật thông qua dịch vụ viễn thông quốc tế đã phải “nhắc nhở” Ủy ban Truyền thông Liên bang từ chối phê duyệt dự án này.
Theo Wall Street Journal, Pacific Light là một trong hàng chục tuyến cáp quang biển của Mỹ, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nghị sỹ Mỹ phải hướng sự chú ý đến vấn đề này do e ngại sự toàn vẹn của an ninh quốc gia. Không khí căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung đang thúc đẩy các yếu tố cạnh tranh chính trị hơn bao giờ hết.
Sự phát triển của kỷ nguyên số đi kèm lối sống ngày càng tập trung vào các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng video, hình ảnh đã làm tăng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu đáp ứng khả năng truyền tải dữ liệu xuyên suốt. Hiện nay 99% dữ liệu xuất hiện trên Internet mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều thông qua mạng lưới cáp quang ngầm dưới đại dương.
|
Tuyến Pacific Light sẽ nối trực tiếp giữa Hong Kong và Los Angeles. Ảnh: Pacific Light Data Communications Co.
|
Nhiều công ty công nghệ đang thúc đẩy đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu mới và các tuyến cáp quang biển nhằm lưu trữ và truyền tải dữ liệu thông tin. Tốc độ và khả năng bảo mật được xem như những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh các hoạt động nghiên cứu, truyền thông và thương mại. Các cơ sở hạ tầng Internet đang dần trở thành một phần trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị giữa các nước, phản ánh trong nhiều chính sách đối ngoại của các quốc gia.
Chia sẻ với Financial Times, ông Thomas Kurian, Giám đốc điện toán đám mây của Google xác nhận họ sẽ phải tìm những phương án mới cho tuyến cáp xuyên biển này.
"Chúng tôi đang tìm phương án thay thế. Chúng tôi luôn có kế hoạch thay thế. Khi chúng tôi nhìn vào một địa điểm chính, thì tốt nhất là có sẵn một địa điểm phụ để đảm bảo", ông Kurian chia sẻ.
Theo Minh Khánh/Zing