Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) được đàm phán trong thập niên 90 của thế kỷ trước và được ủng hộ mạnh mẽ trên toàn cầu. Tuy nhiên, cần phải có 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân phê chuẩn CTBT, trong đó có Israel, Iran, Ai Cập và Mỹ thì hiệp ước này mới có hiệu lực. Nga đã phê chuẩn CTBT trong năm 2000.
|
Quốc kỳ Nga và Mỹ tại sân bay quốc tế Vnukovo ở Moskva. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đánh giá: “Mỹ tin rằng Nga có lẽ đã không tuân theo cam kết hoãn thử hạt nhân”.
Người đứng đầu DIA, Tướng ba sao Robert P. Ashley cáo buộc Nga có khả năng thử hạt nhân ở mức độ thấp, vượt quá mức được quy định trong CTBT.
Chính phủ Nga chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc này. Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga - ông Vladimir Shamanov - tuyên bố rằng Tướng Mỹ Robert P. Ashley đã có phát biểu “vô trách nhiệm”. Ông Shamanov khẳng định: “Thử hạt nhân không thể tiến hành bí mật”.
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) – ông Lassina Zerbo - cho biết chưa hề phát hiện thấy vụ thử hạt nhân nào.
Trong một diễn biến khác, hãng TASS đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 30/5 đã đệ trình lên Duma Quốc gia Nga dự luật về đình chỉ thực thi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết: “Hội đồng của Duma Quốc gia Nga sẽ bàn luận về dự luật này và chốt thời điểm để biểu quyết”.
Ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố Washington bắt đầu tiến trình rút khỏi INF và sẽ hoàn tất trong 6 tháng. Ngày 2/2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã đình chỉ thực thi INF.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức