Một trong những nguồn tin trên cho biết động thái này của Mỹ nhằm duy trì áp lực từ các lệnh trừng phạt Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2 năm nay. Washington đang kỳ vọng sẽ có được những cam kết cụ thể của Bình Nhưỡng tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, trong việc từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp quốc (ICAO), với 192 quốc gia thành viên, đã và đang hợp tác với chính quyền Bình Nhưỡng trong việc mở một đường bay có thể xuyên qua không phận của cả 2 miền Triều Tiên.
Các hãng hàng không hiện tại vẫn phải chọn hướng bay gián tiếp qua lãnh thổ Triều Tiên do lo ngại mối đe dọa được báo trước từ các vụ phóng tên lửa của nước này, vốn từng được tận mắt chứng kiến bởi một số hành khách trên các chuyến bay dân dụng.
Nhưng một khi không phận của Triều Tiên trở nên an toàn, các hãng hàng không quốc tế sẽ có thể tiết kiệm đáng kể nhiên liệu và thời gian trên một số đường bay của mình giữa châu Á, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, và Triều Tiên có thể hồi sinh ngành hàng không thương mại của nước này.
Theo các nguồn tin trên Reuters, ICAO đã sẵn sàng để giúp cải thiện hệ thống hàng không của Triều Tiên bằng việc điều hành các khóa đào tạo giữa các nhân viên hàng không quân sự và dân sự của nước này. Triều Tiên cũng đồng thời nhờ ICAO giúp nước này tiếp cận với các biểu đồ hàng không do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, Mỹ đã làm nản lòng cơ quan của Liên Hợp Quốc trong việc giúp đỡ Triều Tiên với chương trình hàng không của mình, do chính quyền Washington muốn “tịch thu lại tất cả những điều thuận lợi khích lệ” cho đến khi Bình Nhưỡng đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình phi hạt nhân hóa của mình.
“Họ sẽ siết chặt tất cả các thuận lợi có sẵn và đảm bảo không còn kẽ hở nào, cho đến khi Triều Tiên thực thi các hành động thích đáng,” các nguồn tin này cho biết.
ICAO không thể áp đặt các quy tắc ràng buộc đối với các Chính phủ, mà chỉ có thể cảnh báo từ xa thông qua các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật được các quốc gia thành viên chấp thuận.
Giới chức Bộ ngoại giao Mỹ và người phát ngôn của ICAO hiện vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề trên, cũng như chưa có sự phản ứng nào từ phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, cũng như của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Vào năm 2017, Mỹ đã từng gửi đề xuất lên Liên Hợp Quốc về việc đóng băng tài sản của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo, như một phần trong lệnh trừng phạt mới với chính quyền Bình Nhưỡng, song biện pháp này đã bị bãi bỏ trong cuộc đàm phán giữa 15 nước thành viên của Liên Hợp Quốc.
Theo thống kê mới được công bố trong tháng 1 vừa qua của Trung tâm Hàng không CAPA, các hãng hàng không bao gồm Air Koryo và Air China Ltd mới chỉ phục vụ dưới 200,000 chỗ ngồi/năm tại thị trường Triều Tiên. Số lượng này thấp hơn rất nhiều so với 13 triệu chỗ ngồi/năm tại thị trường Hàn Quốc.
Cũng theo CAPA, những bên được hưởng lợi nhiều nhất nếu việc hạn chế đường bay tại Triều Tiên được gỡ bỏ sẽ là những máy bay chở khách của các hãng hàng không Korean Airlines và Asiana Airlines Inc.
Mỹ còn khẳng định sẽ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa với Triều Tiên, do lo ngại Bình Nhưỡng sẽ không thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, mặc dù Washington đã hứa sẽ nới lỏng một số điều khoản để phục vụ cho mục đích cứu trợ nhân đạo.
Dù vậy, cả 2 miền Triều Tiên đã nhanh chóng thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị. Giới chức Mỹ cảnh báo tiến trình này đang đi quá nhanh khi tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên vẫn chưa được đáp ứng đủ.
Một nguồn tin khác cho biết với Reuters rằng động thái tạo điều kiện cho việc cứu trợ nhân đạo của Mỹ thực chất có mục đích xoa dịu Hàn Quốc, do việc Washington chưa sẵn sàng nhượng bộ với Bình Nhưỡng đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía chính quyền Seoul.
“Tuy nhiên, họ vẫn nói rõ rằng sẽ không có việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế, cho đến khi nào họ thấy được một sự tiến bộ đáng kể từ phía Triều Tiên,” nguồn tin này cho biết.
Theo Việt Anh/Tiền Phong