Mỹ không kích Syria: Vì sao các bên đều tuyên bố chiến thắng?

Google News

(Kiến Thức) - Sau vụ Mỹ không kích Syria vào một loạt vị trí được cho là nơi chế tạo vũ khí hóa học tại Damascus và Homs kéo dài 60 phút, cả Syria và Mỹ đều đồng loạt tuyên bố mình là người chiến thắng.

Tiêu tốn hơn 240 triệu USD và phải sử dụng hơn 100 tên lửa các loại, vụ Mỹ không kích Syria vào đêm 14/4 có thể được xem là giải pháp khiến tất cả các bên thỏa mãn với những gì mà họ đạt được. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, cuộc không kích Syria sẽ không mang lại bất kỳ thắng lợi nào về mặt chiến lược nào cho tất cả các bên, kể cả khi họ chiến thắng thật sự.
Những con số không tưởng
Về phía liên minh Nga và Syria, ngay sau khi chiến dịch không kích Syria lần thứ nhất do Mỹ và đồng minh thực hiện, Moscow đã đưa ra tuyên bố phòng không Syria đã bắn hạ ít nhất 70 tên lửa hành trình trongg tổng số 103 tên lửa được Mỹ, Anh và Pháp sử dụng để tấn công 10 địa điểm tại Damascus và Homs.
Con số trên thực sự ấn tượng với một quốc gia sở hữu hệ thống phòng không không thực sự toàn diện như của Syria, thậm chí người Nga còn tuyên bố họ đã mất hơn 18 tháng để cải tổ hoàn toàn lực lượng phòng không Syria để sẵn sàng cho một cuộc chiến như đêm 14/4 với các tổ hợp phòng không cũ kỹ có từ 30 năm trước của Damacus.
Trong khi đó, con số thiệt hại và thương vong được phía chính quyền Syria đưa ra gần như không tưởng cho một chiến dịch không kích quy mô nhất được Mỹ thực hiện trong một vài năm trở lại gần đây. Theo đó, chỉ có khoảng vài chục dân thường Syria bị thương và một số cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong đó bao gồm cả trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh nằm ở ngoại vi Damascus, được cho là nơi Quân đội Syria sản xuất vũ khí hóa học.
My khong kich Syria: Vi sao cac ben deu tuyen bo chien thang?
Đống đổ nát tại Trung tâm nghiên cứu Bazrah ở ngoại ô Damascus sau khi trúng tên lửa hành trình. Ảnh: AP 
Trong khi đó, sau khi kết thúc các hoạt động không kích đại diện Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ và đồng minh đã sử dụng 105 tên lửa hành trình được triển khai từ nhiều nền tảng vũ khí khác nhau tấn công đồng thời một loạt các mục tiêu như phía Syria đã thông báo trước đó, nhưng điều quan trọng mà phía Mỹ đưa ra là tất cả các tên lửa của họ và đồng minh đều tấn công chính xác mục tiêu, không có tên lửa nào bị bắn hạ và thương vong cho dân thường bằng không.
Về thông tin phòng không Syria bắn hạ hơn 70 tên lửa của liên quân, Lầu Năm Góc cũng xác nhận rằng họ ghi nhận được khoảng 40 tên lửa đất đối không của Syria được bắn lên trong đêm 14/4 nhưng tất cả chúng đều không thể đánh chặn được các tên lửa Mỹ.
Và như theo cách Mỹ và đồng minh tuyên bố sau không kích thì họ thành công vượt xa mong đợi, khi các cơ sở quân sự được cho là nơi sản xuất vũ khí hóa học của Syria bị phá hủy hoàn toàn.
Sau 60 phút không kích, ai chiến thắng?
Ở thời điểm hiện tại rất khó để có thể xác định được rằng liên quân của Mỹ hay liên minh Nga và Syria dành được chiến thắng trong trận chiến trong đêm 14/4, bởi sự nhiễu loạn thông tin từ các bên liên quan và chẳng có bên nào chịu thừa nhận mình thất bại.
Nhưng nhìn chung cả Mỹ, Nga, Syria hay tất cả các quốc gia có liên quan đến cuộc chiến này đều hài lòng với kết quả mà họ đạt được sau đợt không kích kéo dài gần 60 phút trên bầu trời Damascus.
Sở dĩ nói như vậy là bởi Mỹ cùng hai nước đồng minh Anh và Pháp đã hiện thực hóa cam kết của mình sau hơn một tuần khẩu chiến trên nhiều mặt trận truyền thông. Mà điển hình nhất trong số đó là những dòng Tweet đầy thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội, xung quanh nghi vấn Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công thị trấn Douma trong ngày 7/4, sự kiện được cho là nguồn cơn của các động thái quân sự sau đó của Washington.
Có một điều cần phải lưu ý là Washington hay bất cứ đồng minh phương Tây nào đều hiểu rõ rằng, chiến dịch không kích đêm 14/4 sẽ không làm thay đổi cục diện chiến trường Syria hiện tại và nó chỉ là cách giúp Mỹ và các đồng minh thể hiện sức mạnh quân sự, lập trường nhất quán và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chính họ trên bàn đám phán về một giải pháp hòa binh cho Syria theo chiều hướng có lợi nhất.
Nhìn chung, Mỹ và các quốc gia đồng minh đã đạt được mục đích của mình sau đợt không kích bất kể nó có thành công hay không.
My khong kich Syria: Vi sao cac ben deu tuyen bo chien thang?-Hinh-2
Bản đồ ba mục tiêu không kích chính của liên quân Mỹ, Anh, Pháp. Mỹ tuyên bố, mục tiêu không kích tại Homs là một cơ sở tàng trữ vũ khí hoá học, một kho chứa thiết bị hoá học và trung tâm chỉ huy quan trọng. 
Bản thân chiến dịch không kích trên cũng tái khẳng định lại việc Mỹ sẽ không trển khai các hoạt động quân sự quy mô trên bộ tại Syria mà chỉ can thiệp gián tiếp thông qua chiến tranh ủy nhiệm, và dĩ nhiên cả những lợi ích về mặt kinh tế sau khi họ đã bỏ ra hơn 240 triệu USD cho chiến dịch không kích đầy tốn kém này hay gần hơn là làm hài lòng các đồng minh ở Trung Đông.
Về phía Nga và Syria, họ cũng đạt được điều mà mình muốn khi giảm thiểu tối đa thiệt hại trong đợt không kích đêm 14/4 xuống mức thấp nhất, khi có hẳn một tuần để chuẩn bị cho trận chiến trên bầu trời Damascus cùng với đó là việc bảo toàn được lực lượng chủ lực cho các chiến dịch giải phóng trong thời gian sắp tới. Cái giá mà họ phải trả cho sự thoái lui của Mỹ và các nước phương Tây cho một số vấn đề trong cuộc xung đột này được xem là chấp nhận được.
Theo đó, Quân đội Syria vẫn sẽ giữ được thế thượng phong của mình trong thời gian sắp tới điều mà họ đang cần nhất lúc này cho các chiến dịch giải phóng hoàn toàn thủ đô Damascus hay các khu vực chiến lược ở miền Nam và Đông Syria. Đây là “nút thắt” quan trọng để chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa ra các chiến lược tiếp theo của mình trong việc giải phóng hoàn toàn Syria trong tương lai.
Trong khi đó đối với Nga, họ cũng đạt được những thắng lợi nhất định trên nhiều phương diện không chỉ trong cuộc chiến ở Syria mà còn cả căng thẳng ngoại giao giữa Moscow và phương Tây kể từ đầu năm cho tới nay. Mặt khác nó cũng thể hiện được chiến lược đúng đắn của Nga cho vấn đề Syria bởi nếu thỏa hiệp họ sẽ mất nhiều hơn trong tương lai vì Syria không phải là điểm đến cuối cùng.
Qua đây có thể đưa ra một nhận định rằng, 60 phút căng thẳng trên bầu trời Syria vô hình chung đã làm hài lòng tất cả bên liên quan trong cuộc chiến này bởi những thứ mà họ đạt được, ít nhất là trong thời điểm tại. Và rất khó để nói trước được điều gì về cuộc chiến đã kéo dài hơn 7 năm tưởng chừng như không có hồi kết này khi lợi ích giữa các cường quốc không thể tìm thấy được một mẫu số chung, còn người chịu thiệt duy nhất chính là nhân dân Syria vốn đã quá mệt mỏi trong cuộc chiến vô nghĩa này.

Mời độc giả xem video: Phòng không Syria đánh chặn tên lửa Mỹ trên bầu trời Damascus trong đêm 14/4. (nguồn RT).

Trà Khánh