Theo hãng thông tấn Yonhap, phát biểu tại diễn đàn đối tác an ninh giữa hai nước ở thủ đô Seoul, Bộ trưởng Jeong cũng cho rằng việc chuyển giao Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) sẽ mang tới cơ hội cho liên minh này có một "bước nhảy vọt mới".
Ông nhấn mạnh rằng đứng trước thời kỳ chuyển tiếp về an ninh, liên minh sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các bước tiến táo bạo của hai nước hướng tới hòa bình, đồng thời coi đây là một "nhân tố cốt yếu" của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và lòng tin, hai nước sẽ cùng hướng tới mục tiêu chung. Ông Jeong nói: "Con đường đi tới hòa bình có thể không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng chúng ta không thể dừng ở đây".
Seoul và Washington đang thúc đẩy việc chuyển giao OPCON "dựa trên các điều kiện". Sau khi chuyển giao, Hàn Quốc sẽ nắm quyền chỉ huy các hoạt động tác chiến thời chiến, trong khi Mỹ đóng vai trò hỗ trợ.
Cũng theo Bộ trưởng Jeong, liên minh Hàn-Mỹ sẽ đóng một vai trò trung tâm trong việc thực hiện chiến lược an ninh của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nhằm đạt được "hòa bình thông qua sức mạnh".
Các phát biểu trên của Bộ trưởng Jeong được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những đồn đoán về nguy cơ chia rẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ liên quan cách tiếp cận của hai nước trong việc xử lý vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên và tiến trình ngoại giao với Bình Nhưỡng, trong khi hai bên nỗ lực duy trì sự nhất trí.
Trong một động thái thiện chí, ngày 26/11, Chỉ huy lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Charles Brown tuyên bố các máy bay ném bom của Mỹ sẽ không bay qua vùng trời Hàn Quốc theo đề nghị của Seoul nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan vấn đề trên, cùng ngày 26/11, Hội đồng Tư vấn thống nhất quốc gia Hàn Quốc công bố kết quả khảo sát 1.000 cử tri nước này, theo đó 64% số người được hỏi ủng hộ nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, cho rằng điều này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, 20,4% không ủng hộ nới lỏng nhiều đối với các biện pháp trừng phạt và 11,6% phản đối nới lỏng trừng phạt.
Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 23-25/11, trong bối cảnh tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa rơi vào bế tắc, trong đó Triều Tiên muốn nới lỏng và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy những bước đi cơ bản cho việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Mỹ muốn có thêm các biện pháp cụ thể hơn từ phía Bình Nhưỡng.
Cũng trong cuộc khảo sát trên, trả lời về chuyến thăm Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, 60,1% người được hỏi dự đoán động thái này sẽ tác động tích cực đến các nỗ lực phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Minh Tâm/TTXVN