Theo đài CNN, Mỹ “lãng phí rất nhiều tiền của ở Afghanistan”. Đài này dẫn một số trường hợp như Mỹ chi hơn 500 triệu USD cho phi đội máy bay chỉ hoạt động khoảng 1 năm; một khách sạn khổng lồ trị giá 85 triệu USD chưa bao giờ mở cửa và đang bị hư hỏng; trang phục ngụy trang cho quân đội Afghanistan trị giá 28 triệu USD; một cơ sở chăm sóc sức khỏe nằm ở biển Địa Trung Hải…
Trên đây là một phần khiếu nại "lãng phí, gian lận và tham nhũng" nhằm chống lại nỗ lực tái thiết của Mỹ ở Afghanistan - trị giá 145 tỉ USD - do chính Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR, thành lập năm 2008) chịu trách nhiệm giám sát.
Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán chuyên sâu về chi tiết những phát hiện này phần lớn diễn ra ngoài lề theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ với lý do lo ngại về an ninh.
Trong hơn 20 năm can thiệp vào Afghanistan, Lầu Năm Góc ước tính Mỹ mất tổng cộng 825 tỉ USD. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đưa ra con số cao hơn nhiều: hơn 2.000 tỉ USD, bao gồm chi phí dài hạn như chăm sóc cựu chiến binh…
Dưới đây là 10 trường hợp "lãng phí, gian lận và tham nhũng" đáng chú ý do đài CNN đối chiếu trong nhiều năm.
1. “Tấm chăn mùa đông” của Kabul
Bảo vệ đứng gác gần nhà máy điện Tarakhil. Ảnh: AP
Nhà máy điện Tarakhil được đưa vào vận hành năm 2007 như một máy phát điện dự phòng cho thủ đô Kabul - Afghanistan trong trường hợp nguồn cung cấp điện từ Uzbekistan bị ảnh hưởng.
Nhà máy hiện đại, rộng lớn này có các tuốc-bin chạy bằng nhiên liệu diesel do một công ty kỹ thuật khổng lồ cung cấp. Vấn đề là Afghanistan có rất ít nguồn cung cấp dầu diesel và phải vận chuyển nhiên liệu bằng xe tải - khiến hoạt động vận hành nhà máy quá đắt đỏ.
Bản thân việc xây dựng nhà máy đã tiêu tốn 335 triệu USD và chi phí nhiên liệu hằng năm ước tính là 245 triệu USD. Đánh giá gần đây nhất của SIGAR cho biết tốt nhất nó chỉ được sử dụng ở mức 2,2% công suất vì chính phủ Afghanistan không đủ khả năng cung cấp nhiên liệu.
2. Phi đội máy bay chở hàng trị giá hơn 500 triệu USD
Binh sĩ Afghanistan lên một chiếc G222 năm 2010. Ảnh: Không quân Mỹ
Lực lượng không quân non trẻ của Afghanistan cần máy bay chở hàng. Năm 2008, Lầu Năm Góc chọn G222 - loại máy bay do Ý thiết kế để cất và hạ cánh trên đường băng gồ ghề - hỗ trợ cho Kabul.
Năm đầu tiên, Giám đốc SIGAR John Sopko dẫn lời một sĩ quan không quân Mỹ cho biết các máy bay “rất bận rộn”. Nhưng chúng chỉ hoạt động trong khoảng 1 năm rồi “đắp chiếu”.
Sáu năm sau, 16 chiếc máy bay bàn giao cho Afghanistan được bán để làm phế liệu với giá 40.257 USD. Chi phí của dự án ban đầu lên tới 549 triệu USD.
3. Trung tâm thủy quân lục chiến trị giá 36 triệu USD trong sa mạc
Giám đốc Sopko cho biết trung tâm trên rộng gần 6.000 m2, toạ lạc ở tỉnh Helmand. Năm 2010, thủy quân lục chiến Mỹ gia tăng quân số ở Helmand, khu vực chết chóc nhất của Afghanistan.
Trại Leatherneck. Ảnh: Alchetron
Một trung tâm chỉ huy và kiểm soát tại căn cứ Trại Leatherneck ra đời, trị giá 36 triệu USD. Tuy nhiên, nó không được sử dụng, ngay cả sau khi về tay người Afghanistan.
4. 28 triệu USD cho trang phục ngụy trang không phù hợp
Năm 2007, quân phục mới được đặt hàng cho quân đội Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Wardak cho biết ông muốn một mẫu trang phục ngụy trang đặc biệt, "Spec4ce Forest", từ công ty HyperStealth của Canada.
Tổng cộng 1,3 triệu bộ trang phục đã được đặt hàng, mỗi bộ có giá 43-80 USD, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu là 25-30 USD. Đáng nói là chúng chưa bao giờ được kiểm tra hoặc đánh giá trên thực địa.
Theo giám đốc Sopko, SIGAR tính toán nếu thay đổi trang phục khác vào năm 2017, khoản tiền tiết kiệm được có thể lên 72 triệu USD trong 1 thập kỷ.
Trang phục "Spec4ce Forest". Ảnh: HyperStealth
5. 1,5 triệu USD mỗi ngày để chống sản xuất thuốc phiện
Mỹ đã chi 1,5 triệu USD mỗi ngày cho các chương trình chống ma tuý (từ năm 2002-2018). Theo báo cáo gần đây nhất của SIGAR, sản lượng thuốc phiện ở Afghanistan đã tăng 37% vào năm 2020 so với năm trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý "Taliban là nhân tố chính góp phần khiến cây thuốc phiện tồn tại trong những năm gần đây”.
6. 249 triệu USD cho con đường chưa hoàn thiện
Một con đường vành đai rộng lớn xung quanh Afghanistan được tài trợ bởi nhiều khoản và các nhà tài trợ. Tuy nhiên, con đường dài 233 km ở phía Bắc, giữa các thị trấn Qeysar và Laman, trị giá 249 triệu USD được giao cho các nhà thầu nhưng chỉ hoàn thành 15% dự án, theo SIGAR.
Báo cáo kết luận trong khoảng thời gian từ tháng 3-2014 đến tháng 9-2017, không có công trình xây dựng nào trên đoạn này và những gì được xây dựng đã bị xuống cấp.
7. Khách sạn 85 triệu USD chưa bao giờ mở cửa
Một khu phức hợp khách sạn và căn hộ dự kiến đi vào hoạt động bên cạnh Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, bắt nguồn từ khoản vay 85 triệu USD của chính phủ Mỹ.
Năm 2016, SIGAR cho biết "khoản vay 85 triệu USD đã biến mất, các tòa nhà không bao giờ được hoàn thành và không thể ở được". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ không quản lý việc xây dựng và đó là "nỗ lực của tư nhân".
Cây thuốc phiện trồng ở tỉnh Nangarhar. Ảnh: AP
8. Quỹ không đúng mục đích
Lầu Năm Góc đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm về Hoạt động Kinh doanh và Ổn định (TFBSO) mở rộng từ Iraq đến Afghanistan vào năm 2009. Hơn một nửa số tiền TFBSO thực sự chi - 359 triệu USD trong tổng số 675 triệu USD - là dành cho các chi phí gián tiếp và hỗ trợ, thay vì trực tiếp đến các dự án ở Afghanistan, theo SIGAR.
Họ đã xem xét 89 hợp đồng mà TFBSO thực hiện và nhận thấy "7 hợp đồng trị giá 35,1 triệu USD được trao cho các công ty sử dụng cựu nhân viên TFBSO làm giám đốc điều hành cấp cao”.
Một cuộc kiểm toán cũng kết luận rằng quỹ đã chi khoảng 6 triệu USD để hỗ trợ ngành công nghiệp khăn san (len), 43 triệu USD cho một trạm khí nén tự nhiên và 150 triệu USD cho các biệt thự cao cấp dành cho nhân viên công ty.
9. Cơ sở chăm sóc sức khoẻ trên biển
Một báo cáo năm 2015 về việc không quân Mỹ tài trợ cho các cơ sở y tế ở Afghanistan cho thấy hơn 1/3 trong số 510 dự án mà họ được cung cấp tọa độ không tồn tại trên thực tế.
13 cơ sở "không nằm ở Afghanistan, với 1 cơ sở nằm ở Địa Trung Hải”. 30 cơ sở "nằm ở một tỉnh khác với tỉnh mà không quân Mỹ đã báo cáo”. 189 cơ sở không có cấu trúc vật chất nào trong phạm vi 120 m tính từ tọa độ được báo cáo. Dưới một nửa số vị trí này không có cấu trúc vật chất nào trong vòng 800 m tính từ tọa độ được báo cáo.
10. Ít nhất 19 tỉ USD bị "lãng phí, gian lận và tham nhũng"
SIGAR cho biết trong số 63 tỉ USD - nằm trong khoản tái thiết Afghanistan của Mỹ - mà họ xem xét, có 19 tỉ USD bị “lãng phí, gian lận và tham nhũng".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Lodewick tuyên bố “một số cơ quan và ban ngành của chính phủ Mỹ đã phản đối báo cáo của SIGAR là không chính xác và gây hiểu lầm".
Theo Phạm Nghĩa/NLD