Dải Gaza tan hoang vì các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. Ảnh Getty
Chiến binh của Hamas phá vỡ hệ thống phòng vệ biên giới tối tân của Israel và xâm nhập vào lãnh thổ của Israel. Israel tuyên chiến với Hamas và rồi quân đội Israel tràn sang dải Gaza truy sát Hamas. Israel không kích dữ dội dải Gaza. Hai bên đã hai lần thoả thuận ngừng chiến tạm thời để trao đổi con tin và tù nhân, rồi lại tiếp tục chiến sự với nhau.
Đây là lần chiến tranh thứ 6 giữa Hamas và Israel kể từ khi Hamas được thành lập vào năm 1987. Đây cũng là lần chiến tranh dữ dội nhất và lâu dài nhất giữa Israel và Palestin kể từ khi lập quốc Israel hồi năm 1948. Đồng thời cũng còn là lần chiến tranh mà Israel bị tổn hại nặng nề nhất về con người và về chính trị.
Sau 100 ngày chiến tranh với nhau, Israel và Hamas đưa ra con số riêng về thiệt hại về người ở từng bên. Hamas cho biết đã có hơn 23400 người Palestin bị thiệt mạng, hàng chục ngàn người Palestin khác bị thương, khoảng 80% người dân ở dải Gaza phải rời khỏi nơi sinh sống lâu nay, dải Gaza bị tàn phá rất nặng nề, nhiều nơi không còn có thể là chỗ ở cho người dân. Ở phía Israel có khoảng 1200 người bị thiệt mạng, hơn 250 người bị Hamas bắt giữ làm con tin, trong số ấy đã có khoảng 100 người được Hamas trả tự do.
Điều đầu tiên cần phải đề cập đến sau 100 ngày chiến tranh giữa Hamas và Israel là hiện chưa thể biết đến bao giờ cuộc chiến tranh này mới kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào. Mọi nỗ lực ngoại giao trung gian của một số đối tác bên ngoài cho đến nay đều đã thất bại. Hamas đã đạt được mục tiêu ban đầu là khiến Israel bị bất ngờ, tình báo và quân đội Israel bị tổn hại uy danh, chính trường Israel bất ổn, xã hội Israel bất an và gây ra tổn thất lớn cho Israel.
Nhưng giờ Hamas phải đối phó quyết tâm của Israel huỷ diệt Hamas nên phải tiếp tục chiến tranh đến cùng và trường kỳ chiến tranh như có thể được. Hamas đã làm cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestin lại trở nên thời sự trong chính trị thế giới và khu vực. Israel đã hạ quyết tâm xoá sổ Hamas và triệt hạ hoàn toàn mối đe doạ an ninh xuất phát từ dải Gaza nên còn phải tiếp tục chiến tranh.
Mặt khác, Israel đưa ra những điều kiện tiên quyết cho giải pháp chính trị hoà bình mà Hamas sẽ không bao giờ có thể và sẵn sàng đáp ứng. Vì thế, nếu cứ tiếp tục như thế này thì chỉ có chiến sự tiếp diễn chứ chưa thể có được chút cơ hội nào cho giải pháp chính trị hoà bình. Israel không thể triệt tiêu được Hamas trong khi Hamas không thể đánh bại được Israel.
Sau 100 ngày chiến tranh giữa Hamas và Israel, chiến sự không chỉ giới hạn trong phạm vi giữa Hamas và Israel mà còn đã lây lan ra cả giữa Israel với Hezbollah ở Lebanon và với phe phiến quân người Houthi ở Yemen cũng như giữa phe phiến quân này với Mỹ, Anh và một số đồng minh khác ở Yemen và ở vùng Biển Đỏ. Không những chỉ có Trung Đông trở thành chiến địa mà còn cả Syria, Lebanon, Yemen và vùng Biển Đỏ cũng là những nơi tung hoành của bom đạn, tên lửa và thiết bị bay không người lái có trang bị vũ khí. Chiều hướng diễn biến tình hình này vô cùng nguy hại đối với hoà bình, an ninh và ổn định ở các khu vực liên quan.
Cuộc chiến tranh này, cho dù mới qua 100 ngày chứ chưa kết thúc đã làm Israel, Hamas, Palestin, dải Gaza và cả khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và vùng Biển Đỏ không còn như trước nữa. Hamas bị nhiều nước trên thế giới lên án vì đã phát động chiến tranh nhưng Israel cũng bị nhiều quốc gia trên thế giới phê phán nặng nề về cách thức tiến hành chiến tranh huỷ diệt ở dải Gaza. Nam Phi thậm chí còn cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng và đã khởi kiện Israel lên Toà án Công lý quốc tế của LHQ. Mối quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ả rập bị tổn hại nặng nề.
Tất cả các nước trên thế giới nhận thấy càng phải cấp thiết và cần thiết phải có giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestin nói chung chứ không phải chỉ cho lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel nói riêng mà cốt lõi trong đó là nhanh chóng chấm dứt chiến sự và thành lập nhà nước Palestin độc lập.
Và sau 100 ngày chiến tranh giữa Hamas và Israel, trên thế giới chưa thấy ai ở đâu đưa ra ý tưởng hay toan tính nào cho khu vực Trung Đông ở thời kỳ sau chiến tranh. Bất cứ giải pháp chính trị hoà bình nào cho cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel đều phải bao hàm cả kế hoạch và lộ trình cho thời kỳ sau chiến tranh.
Theo Đại sứ Trần Đức Mậu/Dân Việt