Đây có phải là cái tên gọi đầu tiên của vùng đất này không? Không, theo thổ ngữ Quechua thì “Machu Pikchu” có nghĩa là “Đỉnh núi già”. Nhưng dân địa phương bây giờ lại gọi khu vực hiểm trở đó là “Huayna Pikchu - Đỉnh núi trẻ”, cũng chính là sự mô tả thuần túy về thực trạng kiến tạo địa hình nơi đây. Vậy đâu là cái tên thật?
Vị vua bù nhìn không biết vâng lời
Thế kỷ XVI, ở châu Mỹ là cuộc càn quét của người da trắng từ bên kia đại dương tới đang lan tràn khắp châu lục khiến các đế chế bản xứ sụp đổ. Còn giữa vùng Nam Mỹ là cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu giữa Atahualpa (1497-1533) và Huáscar (1503-1532), hai kẻ có tham vọng thừa kế ngai vàng Vương quốc Inca của Vua cha Huayna Cápac (1464-1527) vừa quá cố.
|
Phế tích còn lại của pháo đài Sacsayhuamán danh bất hư truyền. |
Để dung hòa những thực lực nguy hiểm vây quanh mình, Francisco Pizarro (1475-1541) - viên thủ phó khét tiếng của đạo quân viễn chinh Tây Ban Nha - đã đưa Manco Cápac, một người con khác của Huayna Cápac lên ngôi vua, lấy tước hiệu là Manco Cápac I. Nhưng vị vua “bù nhìn” này không phải là kẻ nhu mì như F. Pizarro vẫn tưởng.
Vào một tối nọ, ông đã lặng lẽ “đào nhiệm” cùng với ấn kiếm và chiếc đĩa vàng lớn - biểu tượng của mặt trời. Kể từ đó trở đi, cuộc khởi nghĩa chống ách thực dân của Manco Cápac I ngay tại kinh đô Cusco của đế chế Inca đã làm người Tây Ban Nha lo lắng. Quân khởi nghĩa còn tấn công cả pháo đài Sacsayhuaman huyền thoại và thậm chí cả tổng hành dinh của Pizarro nữa.
Nhưng Manco I không thể thắng thế lực thực dân nhiều vũ khí. Ba người con trai của Manco Cápac I cũng nối nghiệp cha kế tiếp nhau kháng chiến và hy sinh. Nhưng với cái chết của người con út lại là một “điềm gở”: báo hiệu sự cáo chung của đế chế Inca - một nền văn minh lừng lẫy trong toàn bộ lịch sử của nhân loại.
Francisco de Toledo - viên tướng bạo tàn của quân Tây Ban Nha - đã phục kích bắt được nhà Vua cuối cùng Túpac Amaru, rồi ra lệnh hành quyết ông. Bậc kế nhiệm tiêu biểu trong cuộc đấu tranh này là José Gabriel Condorcanqui (1738-1781), một người phiên dịch đã trở thành nhà lãnh đạo của quân khởi nghĩa được tôn vinh là Túpac Amaru II…
Đi tìm vùng đất bị quên lãng
Như vậy là không còn sự đe dọa với quyền lực của những nhà cai trị mới nữa, và cũng chẳng có ai nghĩ tới việc đi tìm các địa danh khởi nghĩa lừng lẫy một thời cả. Vì vậy thành phố Vilcabamba, nơi vị Vua Inca cuối cùng đã rời bỏ trước khi ông bị bắt, vẫn được tạo hóa “bảo quản” rất tốt. Bắt đầu một thời kỳ kéo dài đúng 3 thế kỷ, khi sự yên tĩnh tuyệt đối bao trùm khắp nơi đây…
Xứ Peru khi ấy còn là một vùng đất hoang sơ, nhiều nơi thuộc lãnh thổ này vẫn chưa có chân người Âu tới “khai hóa”, cho đến khi nhà khoa học người Italia Antonio Raimondi (1826-1890) quyết định “thâm nhập” vào nơi đây. Trong nửa cuối thế kỷ XIX, ông đã dành trọn 20 năm của cuộc đời mình để thám hiểm mảnh đất này theo cả 4 hướng.
Tuy không phải là một nhà khảo cổ chuyên nghiệp, nhưng sự thông thái của A. Raimondi cùng những năng lực khoa học của ông đã mang tới những “xung lượng” khổng lồ cho việc nghiên cứu quá khứ của tộc người Inca được A. Raimondi uyên bác diễn đạt trong cuốn khảo cứu bất hủ “El Peru”. Giới khoa học toàn cầu hầu như bao trùm mối lưu tâm bởi sự học hỏi về một dân tộc trong dĩ vãng, một thời được coi là cường thịnh nhất châu Mỹ.
Đến đầu thế kỷ XX, Giáo sư sử học gạo cội người Mỹ Hiram Bingham (1875-1956) đã tới Peru, lần theo dấu chân thuở trước của A. Raimondi khiến ông luôn bị chinh phục bởi vẻ đẹp hùng vĩ, cũng như nền văn hóa rực rỡ tại các địa danh mà người Inca từng cư ngụ. Từ những tài liệu lưu trữ của nhà nhân chủng học cự phách người Bolivia Antonio de la Calancha (1584–1684), đồng thời dựa trên nhiều tài liệu chỉ dẫn khác, Giáo sư H. Bingham biết được rằng người Inca có một thủ đô chính trị, được họ gọi là Vitcos. Và một địa danh “thần thánh” khác - nơi chưa có người da trắng nào tới được: Vilcabamba, nơi ẩn náu cuối cùng của người Inca.
Tại những khu vực núi non lởm chởm đá tai mèo, bao quanh là các khu rừng rậm cận nhiệt đới ken dày không có lối đi, cắt ngang bởi những con sông hung dữ đầy thú dữ rình rập… Sử gia H. Bingham, người thậm chí không biết đến ngôn ngữ cũng như tập tục của dân bản địa, lại “dám” lạc vào đấy với 3 “con bài” rất mạnh: ý chí khám phá, trực giác nhạy bén và một mớ… tiền giấy Mỹ kim. Là một người vốn thận trọng và kiên nhẫn, ông sẵn sàng bỏ tiền ra mua mọi điều bí mật, cũng như những thông tin đáng giá ngàn vàng.
Sau rốt H. Bingham lọt vào được “sào huyệt” Machu Picchu của một nền văn minh đã biến mất - trong một ngày của cái năm 1911 đáng ghi nhớ ấy, sau đúng một năm tự mày mò theo kinh nghiệm của một người da đỏ - kẻ đã bán những “viên đá chỉ đường” cho ông.
Với nhà sử học H. Bingham, thì Machu Picchu không phải chỉ là một di chỉ khảo cổ đơn thuần. Cái thành phố bằng đá xám đen này đã làm đầy những giấc mơ trong nhiều đêm dài thao thức trước đấy của Giáo sư H. Bingham.
Sau nhiều giờ hành trình với xe hỏa, một con tàu với đường ray bé xíu nom như thứ đồ chơi: lúc đầu chạy ven một nhánh sông nhỏ, để tiếp tục sau đó dọc bờ Urubamba cuộn sóng. Sau khi xuyên qua những khu hoang phế, tàu đến một cây cầu bắc qua sông, rồi với 8km đường núi ngoằn ngoèo treo trên độ cao 400m so với mặt sông… Rồi đột nhiên thấy Machu Picchu nhô lên trên đỉnh một ngọn đồi và trải dài với diện tích bao quanh chừng 2km2. Địa danh huyền thoại này chia làm 3 phần: nhà thờ, dinh thự và nhà dân.
Giữa phần văn hóa gây ấn tượng của Machu Picchu là ngôi giáo đường hoang phế khổng lồ, được dựng lên từ những tảng đá hoa cương cực lớn, tòa nhà thờ với 3 ô cửa sổ huyền thoại từng được sử gia H. Bingham giải nghĩa.
Vượt lên trên tất cả các tòa nhà khác và lôi cuốn du khách bởi chính điểm kiến trúc tuyệt hảo là Intihuatana - nơi thờ thần mặt trời; hay “buộc - giữ” mặt trời theo cách gọi của người Inca: với một cái gậy bằng đá cao đúng 62cm, dựng theo ý niệm cơ bản của tập tục Inca. Và một cây gậy khác nhỏ hơn - vẫn còn lưu giữ được, sau khi người Tây Ban Nha cố sức hủy diệt chốn biểu tượng thiêng liêng này.
Khu dinh thự của giới quyền quý Inca thể hiện những giá trị nghệ thuật phong phú, như cái tháp mái tròn mà H. Bingham từng so sánh. Rồi hàng loạt vòi nước, cùng hệ thống dẫn nước được “lắp đặt” giữa các khối đá bên trong các dinh thự, đã chinh phục được lòng ngưỡng mộ của giới kiến trúc tân kỳ về trình độ khắc đá điêu luyện nơi đây.
Machu Picchu đồng thời là thành phố của các bậc thang. Hầu như tất cả mọi kiến trúc đều được dựng trên những cao độ khác nhau, liên quan với nhau bằng những bậc thang bất tận làm từ đá tảng. Chỗ thì phẳng phiu, chỗ lại lồi lõm.
Sự phòng thủ cho “trái tim” Machu Picchu xem ra rất thuận lợi, bởi 2 cánh đông và tây là những sườn núi dựng đứng khó trèo, phía bắc là cái “cuống họng hẹp” với con đường độc đạo khó thâm nhập, còn phía nam dựa vào đỉnh Huayna Picchu.
Những con đường lát đá gập ghềnh của người Inca để lại từ thuở xưa, cho phép vài người trèo lên tới đỉnh để quan sát cả một vùng rộng lớn. Bên dưới là một dòng sông cuồng nộ Urubamba hầu như bao bọc 2 ngọn núi này, khiến các thế lực thù địch trong thực tế khó mà chinh phục được kinh đô Machu Picchu.
Theo Trần Quang Long/ Công an nhân dân