Lý do khiến Trung Quốc khó thành công với chiến lược 'zero COVID-19'

Google News

Một nhà khoa học nổi tiếng từng giúp Trung Quốc khống chế dịch SARS cho rằng việc duy trì cách tiếp cận “zero COVID-19” của nước này sẽ khó đạt hiệu quả.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong cuộc phỏng vấn với Phoenix TV hôm 9/11, ông Guan Yi, nhà khoa học nổi tiếng từng giúp Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát virus SARS lần thứ 2 vào năm 2004, cho rằng phương pháp tiếp cận “không khoan nhượng với COVID-19” của nước này sẽ khó thành công vì virus đã hoàn toàn thích nghi với con người và chúng ta không thể loại bỏ nó.
Ly do khien Trung Quoc kho thanh cong voi chien luoc 'zero COVID-19'
 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở tây bắc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Ông nhấn mạnh.“Chính quyền địa phương đang áp dụng chiến lược ‘zero COVID-19’ đối với các đợt bùng dịch lẻ tẻ. Nhưng nếu vẫn duy trì cách tiếp cận này, tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta sẽ sụp đổ. Tôi nghĩ sẽ không có kết quả nếu chúng ta đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các ca mắc bệnh. Tương tự bệnh cúm, virus SARS-Co-2 gây đại dịch COVID-19 đã thích ứng với cơ thể người và sẽ tồn tại lâu dài với chúng ta. Đó là sự thật cho dù có muốn hay không. Chúng ta không nên tuyên bố chiến thắng COVID-19 quá sớm, nếu không chúng ta sẽ đánh giá thấp tác động của nó đối với con người”.
Ông Guan cho rằng chúng ta có thể ngăn chặn đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng SARS năm 2002-2003 vì virus chưa hoàn toàn thích nghi với con người. Ông Guan là nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mèo cầy là vật chủ trung gian lây truyền virus SARS. Vào tháng 1/2020, chuyên gia này từng nhận định với trang Caixin rằng tác động của virus SARS-CoV-2 sẽ tồi tệ hơn gấp 10 lần so với SARS.
Ly do khien Trung Quoc kho thanh cong voi chien luoc 'zero COVID-19'-Hinh-2
 Nhân viên cộng đồng giao thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho một cư dân Thuỵ Lệ trong thời gian phong toả. Ảnh: Xinhua
Trong cuộc phỏng vấn với Phoenix TV, ông Guan cho biết một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu gần đây có liên quan đến một loạt các ca mắc ở các tỉnh khác nhau. Từ trường hợp này, ông cho rằng Trung Quốc nên tìm hiểu mức độ kháng thể của người dân sau tiêm chủng, thay vì dành quá nhiều nguồn lực cho việc xét nghiệm để xác định các trường hợp dương tính.
“Mức độ kháng thể vô hiệu hóa virus do vaccine tạo ra và nó có thể tồn tại trong bao lâu. Chỉ bằng cách xác định điều đó, bạn mới có thể xác định hiệu quả của vaccine. Chúng ta cũng phải tìm hiểu khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu sau khi tiêm vaccine. Một số người có thể sẽ hết kháng thể khi mà mùa đông chưa kết thúc, vì lượng kháng thể giảm xuống có thể vượt quá tốc độ phân phối vaccine”.
Ly do khien Trung Quoc kho thanh cong voi chien luoc 'zero COVID-19'-Hinh-3
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Thuỵ Lệ, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Trung Quốc đang thực hiện xét nghiệm bắt buộc hàng loạt mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới ở khu vực nào đó. Trong khi đó, xét nghiệm máu xác định kháng thể sẽ giúp tìm ra liệu vaccine có tạo ra đủ kháng thể để bảo vệ một người trước nguy cơ mắc bệnh nặng hay không. Với hàng tỷ dân đã được tiêm chủng, các nhà khoa học hiện có nhiều dữ liệu hơn để so sánh các loại vaccine, nhưng vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất cho mức kháng thể có thể bảo vệ con người trước COVID-19. Ông Guan cho rằng các nhà sản xuất vaccine cần có trách nhiệm cập nhật cho công chúng về hiệu quả của vaccine đối với các biến thể khác nhau.
Ông cho biết Trung Quốc đang điều hành một phòng thí nghiệm ở Sán Đầu để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị COVID-19 và phát triển loại thuốc uống kháng virus cho căn bệnh này. Chuyên gia này nói rằng rất khó để các nhà khoa học ở các quốc gia hợp tác cùng xây dựng mạng lưới giám sát toàn cầu, tương tự như mạng lưới giám sát dịch cúm, vì căng thẳng giữa các nước và chính trị hóa nghiên cứu. Ông cho rằng nếu không có mạng lưới toàn cầu để theo dõi các đột biến của virus và xác định vaccine thích hợp, sẽ rất khó để phát triển các loại vaccine hiệu quả.
Trung Quốc đã bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại cho người dân sau khi hoàn thành tiêm chủng cho gần 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân và bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải vật lộn với những đợt bùng phát dịch lẻ tẻ. Đợt bùng phát mới nhất đã lan ra ít nhất 20 tỉnh và khu vực.
Đây được đánh giá là đợt bùng dịch lây lan rộng nhất tại Trung Quốc kể từ sau đợt bùng phát ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019. Hôm 9/11, Trung Quốc ghi nhận 43 ca nhiễm cộng đồng có triệu chứng, 19 ca nhập cảnh và 74 ca không triệu chứng, sau nhiều ngày xét nghiệm hàng loạt và cách ly nhiều khu vực.
Theo Hải Vân/Báo Tin tức