Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão

Google News

Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.

Loi canh bao cho ca the gioi tu hai sieu bao

Trong tuần qua, hai nửa địa cầu đã chao đảo trước những cơn bão Noru và Ian, mang đến sức tàn phá khủng khiếp tại khu vực nơi chúng quét qua.

Ngay sau khi bão Noru quét qua Philippines hôm 26/9, ở phía bên kia bán cầu, Cuba và một số khu vực của nước Mỹ lại sắp phải hứng chịu cơn bão Ian. Đây được cho là một trong những cơn bão mạnh nhất quét qua Mỹ những năm gần đây.

Mayelin Suarez, một người bán hàng rong, gọi đêm bão Ian đi qua là "đêm đen tối nhất trong đời”.

"Chúng tôi suýt mất mái nhà", Suarez nói với Reuters. "Con gái tôi, chồng tôi và tôi phải buộc mái bằng dây thừng để nó không bay đi”.

Nghiên cứu cho thấy các cơn bão đã trở nên mạnh hơn trên toàn thế giới trong suốt bốn thập kỷ qua. Biến đổi khí hậu đang làm cho những cơn bão này trở nên dữ dội hơn và có sức tàn phá lớn hơn. Điều đó cũng đòi hỏi thế giới cần làm nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho những hiện tượng cực đoan ngày càng nghiêm trọng này.

Hậu quả lớn

Tại Philippines, cơn thịnh nộ của bão Noru đã ảnh hưởng đến hơn 141.312 hecta đất nông nghiệp, gây thiệt hại cho 82.158 nông dân và ngư dân, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp nước này.

Những thiệt hại về nông nghiệp trong cơn bão Noru đang làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực của đất nước trong những tháng qua, khiến lạm phát leo dốc lên gần mức cao nhất kể từ năm 2018. Chính phủ cho biết họ sẽ cung cấp các khoản viện trợ, khoản vay và hạt giống cho nông dân bị ảnh hưởng.

Hơn 74.000 người đã phải sơ tán khỏi nhà trước khi cơn bão đổ bộ. Khi quét qua Philippines, siêu bão Noru gây ra thiệt hại lớn, làm tốc mái nhà, sập đường dây điện và làm hư hại nhiều công trình.

Loi canh bao cho ca the gioi tu hai sieu bao-Hinh-2

Trẻ em chơi đùa với những con sóng ở bờ biển sau cơn bão Ian ở Havana (Cuba) ngày 28/9. Ảnh: Reuters.

Ở bên kia địa cầu, Cuba và nhiều khu vực của nước Mỹ cũng đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Theo các nhà chức trách, cơn bão Ian đã tấn công Cuba vào hôm 27/9 với mưa lớn và sức gió lên tới hơn 200 km/h, gây mất điện toàn quốc và khiến ít nhất hai người thiệt mạng.

Trước khi mặt trời lặn, nhiều người dân bất chấp mưa gió tìm kiếm thức ăn và vật dụng cơ bản, xếp hàng dưới các mái che để mua một miếng gà hoặc một chai dầu.

Các tỉnh phía tây của Cuba, nơi cơn bão đổ bộ, đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các video được chia sẻ trên mạng xã hội từ thị trấn Coloma, dọc theo bờ biển phía nam của nước này, cho thấy nước ngập đến đầu gối nhiều người dân dù họ ở trong nhà.

Bão đến khi Cuba tiếp tục phục hồi sau một trong những giai đoạn khó khăn tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Tình trạng mất điện, thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu kéo dài có khả năng làm phức tạp thêm nỗ lực hồi phục của đất nước.

Trong khi đó, tại bang Florida (Mỹ), hơn 2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh bị mất điện khi cơn bão Ian đổ bộ vào chiều 28/9, mang theo sức gió “thảm khốc”.

Guardian cho biết vẫn chưa rõ về mức độ thiệt hại khi hệ thống điện và thông tin liên lạc ngừng hoạt động. Các nhân viên dịch vụ khẩn cấp buộc phải đến nơi trú ẩn trước tình hình tồi tệ của cơn bão.

Nhiều khu dân cư ven biển gần như bị nhấn chìm hoàn toàn, các tòa nhà bị hư hại, cây cối và đường dây điện bị đổ.

Ở ven biển Florida, nhiều người đã lên mạng xã hội cầu cứu cho bản thân hoặc những người thân yêu.

Phần lớn tiểu bang này sẽ phải cảm nhận tác động của lũ lụt trong nhiều ngày và có thể lên đến một tuần, ông Ross Giarratana, nhà khí tượng học của văn phòng khu vực Vịnh Tampa thuộc Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, nói.

Địa hình bằng phẳng của Florida cũng sẽ làm cho các con sông thoát nước chậm hơn, ông nói thêm, New York Times đưa tin hôm 29/9.

Giới chức cảnh báo người dân không được buông lỏng cảnh giác ngay cả sau khi cơn bão đi qua, đồng thời cho rằng nguy cơ lũ lụt trên diện rộng có thể là mối đe dọa đến tính mạng con người.

Thế giới cần làm gì để chuẩn bị?

Thế giới từ lâu đã được cảnh báo rằng hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, một báo cáo khoa học vào năm 2021 kết luận rằng các quốc gia gần như vẫn chưa đủ nỗ lực để tự bảo vệ họ khỏi những thảm họa sắp xảy ra, khi hành tinh này tiếp tục nóng lên.

Báo cáo của ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc đã mang đến cái nhìn chi tiết nhất về các mối đe dọa do hiện tượng ấm lên toàn cầu gây ra.

Báo cáo cho biết các nguy cơ đã hiển hiện trên toàn cầu. Năm 2019, bão, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đã khiến hơn 13 triệu người trên khắp châu Á và châu Phi phải di tản.

Nắng nóng và hạn hán đang hủy hoại mùa màng và cây cối, khiến hàng triệu người trên toàn thế giới bên bờ vực nạn đói.

“Một trong những kết luận nổi bật nhất trong báo cáo là chúng tôi đang chứng kiến những tác động bất lợi lan rộng hơn và tiêu cực hơn nhiều so với dự kiến”, Camille Parmesan, một nhà sinh thái học tại Đại học Texas, Austin, và một trong những nhà nghiên cứu, cho biết.

Loi canh bao cho ca the gioi tu hai sieu bao-Hinh-3

Người dân lấy nước ngầm bên ngoài ngôi nhà bị ngập do bão Noru gây ra ở Philippines hôm 27/9. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia đã có thể hạn chế phần nào thiệt hại bằng cách chi hàng tỷ USD mỗi năm cho các biện pháp thích ứng như hệ thống cảnh báo bão sớm.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó là không đủ, báo cáo cho biết. Việc chuẩn bị cho các mối đe dọa trong tương lai sẽ đòi hỏi những thay đổi mang tính “thay đổi”, liên quan đến việc suy tính lại cách xây dựng nhà cửa, trồng trọt, sản xuất năng lượng và bảo vệ thiên nhiên.

Nếu các quốc gia không nhanh chóng hành động để cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, ngày càng có nhiều người phải chịu tổn thất không thể tránh khỏi hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Báo cáo khuyến nghị các nhà lãnh đạo nên theo đuổi các chiến lược có tầm nhìn xa hơn. Những cải thiện trong các dịch vụ cơ bản như y tế, đường sá, điện và nước có thể giúp cộng đồng nghèo và nông thôn có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc khí hậu.

Đứng trước tình hình hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng, Isla Simpson - nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Động lực học và Khí hậu Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Mỹ), nhận định con người vẫn có thể hành động.

“Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, chúng ta cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đối phó với các hiện tượng cực đoan và hạn chế tác động của chúng”, bà nói với Zing.

Theo Vân Đinh/Zingnews